Giải pháp nào gỡ khó trong thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh?
Về tổng quan các dự án đầu tư kinh doanh đều là các dự án có sử dụng đất, vốn đầu tư lớn, thuộc lĩnh vực đầu tư xây dựng các công trình thương mại dịch vụ... đã gặp vướng mắc trong thời gian dài.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, Bộ này xác định có 13 vấn đề liên quan đến kiến nghị sửa đổi quy định của Luật, Nghị quyết của Quốc hội, 30 vấn đề liên quan đến kiến nghị sửa đổi quy định của nghị định, thông tư và 171 vấn đề vướng mắc do có cách hiểu chưa thống nhất, cần được hướng dẫn thực hiện.
Đồng thời, có 368 dự án đầu tư kinh doanh có quy mô lớn, có tầm ảnh hưởng, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội gặp khó khăn, vướng mắc trong thời gian dài trên cơ sở báo cáo của các địa phương.
Về tổng quan các dự án trên đều là các dự án có sử dụng đất, vốn đầu tư lớn, thuộc lĩnh vực đầu tư xây dựng các công trình thương mại dịch vụ, công nghiệp, năng lượng như đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị, khu du lịch, trung tâm thương mại; nhà máy sản xuất điện gió - nhiệt điện khí; nhà máy sản xuất gạch, bê tông thương phẩm, sữa; nhà máy xử lý rác thải, cung cấp nước sạch; hạ tầng khu công nghiệp...gặp vướng mắc trong thời gian dài, chưa được tháo gỡ khó khăn.
Ngoài ra, trong khuôn khổ hoạt động của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành, thành viên Tổ công tác để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của một số dự án cụ thể.
Theo kết quả rà soát cụ thể, về vấn đề vướng mắc liên quan đến kiến nghị sửa đổi quy định của Luật, Nghị quyết của Quốc hội, kết quả tổng hợp có 13 vấn đề liên quan đến kiến nghị sửa đổi quy định của một số luật như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư...;trong đó, có vướng mắc liên quan đến kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai trong việc xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá hay đấu thầu và việc thực hiện các thủ tục đấu giá, đấu thầu trong mối quan hệ với thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.
Cùng đó, là vướng mắc về thẩm quyền, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, phòng hộ; việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó là các vướng mắc liên quan đến Luật Nhà ở về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; xác định quỹ đất cho phát triển nhà ở; vướng mắc liên quan đến Điều 31, Luật Đầu tư về việc phân cấp dự án nhà ở, khu đô thị thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, về các vấn đề vướng mắc liên quan đến quy định của nghị định, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, thông tư, kết quả tổng hợp cho thấy, có 30 vấn đề kiến nghị sửa đổi quy định của nghị định, Thông tư; trong đó, tập trung vào một số vướng mắc liên quan như: thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án xã hội hóa; thủ tục đầu tư đối với dự án đầu tư có chuyển mục đích sử dụng rừng; lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án hạ tầng cụm công nghiệp; thực hiện quy định chuyến tiếp đổi với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư trước ngày 8/2/2021 mà chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất…
Về vấn đề vướng mắc do các địa phương có cách hiểu chưa thống nhất, chưa chính xác, cần được hướng dẫn, giải thích, theo báo cáo có 171 vấn đề liên quan đến thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư, chuyển nhượng dự án, chấm dứt và thu hồi dự án đầu tư áp dụng các quy định về biểu mẫu tại Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT, đánh giá tác động môi trường, bồi thường giải phóng mặt bằng... Các vấn đề này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, giải thích, hướng dẫn cụ thể./.