Giải pháp nào hiện thực giấc mơ 'nhà giá rẻ'?
Trong 5 năm, có 18 ngàn người ở TP HCM cần vay vốn nhà ở xã hội (NƠXH) để mua hoặc xây nhà, nhưng chỉ 310 người được vay (đạt 1,7%). Thông tin được lãnh đạo Sở Xây dựng TP đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 và công bố kế hoạch 10 năm tới tại TP HCM.
Theo đại diện Sở Xây dựng, người mua NƠXH rất khó tiếp cận và hầu như không được hưởng gói chính sách liên quan. Họ phải vay từ nguồn khác với giá thương mại, lãi vay cao hơn. “Đây là vấn đề phải rất suy nghĩ”, ông nói và so sánh tại Singapore, NƠXH chủ yếu do nhà nước hỗ trợ người dân về giá mua.
Về nguyên nhân, đại diện Sở Xây dựng phân tích rất nhiều người có nhu cầu vay vốn nhưng không đáp ứng đủ các điều kiện, như: không đảm bảo nguồn vốn tự có (30% với xây hoặc sửa nhà); lao động là người ngoại tỉnh không có hộ khẩu thường trú để vay vốn xây mới, sửa nhà; không có sổ đỏ...
Bên cạnh đó, mức vay để xây mới, sửa nhà ở tối đa là 500 triệu đồng và phải thế chấp quyền sử dụng đất. Trong khi với điều kiện tương tự, vay tiêu dùng từ ngân hàng thương mại được hưởng mức cao hơn, đủ tiền để xây dựng cho nhiều nhu cầu như vừa để ở, vừa cho thuê, hoặc kinh doanh. Do đó, nhiều người chọn vay vốn từ ngân hàng thương mại.
Ngoài ra, việc thiếu nguồn cung nhà ở là rào cản lớn vì ngân hàng chỉ có thể cho vay khi dự án đã thành hình. Tuy nhiên, lượng NƠXH của TP giai đoạn 2016-2020 rất ít. Trong 53,7 triệu m2 sàn xây được giai đoạn này, chỉ 2% là NƠXH với 1,23 triệu m2 sàn, gần 15.000 căn hộ (đạt 69,2% chỉ tiêu). Còn lại, 72% diện tích là nhà dân tự xây, 26% là nhà ở thương mại.
9 tháng đầu năm 2022, TP HCM đưa vào sử dụng thêm một dự án NƠXH với tổng diện tích hơn 32.600 m2 sàn, quy mô 260 căn hộ. Từ nay đến 2025, TP đặt mục tiêu có thêm 2,5 triệu m2 sàn xây dựng NƠXH. Tuy nhiên, đại diện Sở Xây dựng lo khó đạt được mục tiêu này nếu các vướng mắc liên quan NƠXH không được tháo gỡ.
Đồng quan điểm, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM, cho biết từ năm 2018, đơn vị được Trung ương giao vốn để thực hiện chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP. Lãi suất 4,8%/năm trong 25 năm, mức rất thấp so với thị trường. Người được vay để mua và xây, sửa nhà là công chức, viên chức, người thu nhập thấp... Sau 5 năm, chi nhánh này cho 310 khách hàng vay 150 tỷ đồng.
Đại diện NHNN Chi nhánh TP HCM đánh giá mức lãi suất này phù hợp với người thu nhập thấp, mang lại lợi ích thiết thực cho người vay. Tuy nhiên, có hai vấn đề khiến ít người tiếp cận được. Một là thiếu nguồn cung NƠXH. Hai là giá nhà rẻ, nhưng số tiền vẫn lớn với người thu nhập thấp, khiến họ không dễ “xuống tiền”. Mỗi căn NƠXH giá khoảng 700 triệu đến 1 tỷ đồng, trong đó ngân hàng cho vay khoảng 70-80% tổng giá trị, 20% còn lại người vay tự chi nhưng đây vẫn là số tiền lớn với họ.
Lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP HCM kiến nghị Chính phủ xem xét nâng mức cho vay tối đa với các trường hợp vay để xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở, từ 500 triệu đồng lên tối đa không quá 1 tỷ đồng. Nguyên nhân do chi phí nguyên vật liệu và nhân công tăng cao, mức vay tối đa không quá 500 triệu để xây mới một căn nhà ở TP là chưa đảm bảo.
Những vướng mắc đang xảy ra trong lĩnh vực nhà ở giá rẻ tại TP HCM, đô thị lớn nhất nước, có số người lao động nhập cư lớn nhất nước, rất đáng để cơ quan thẩm quyền xem xét, tháo gỡ; không chỉ là giúp cho chính TP HCM, mà còn để mục tiêu 1 triệu căn NƠXH của Chính phủ đặt ra sớm trở thành hiện thực.