Giải pháp nào khi khơi thông sông Cổ Cò
Cần nghiên cứu kỹ về tác động môi trường đối với dự án khơi thông sông Cổ Cò để có giải pháp tổng thể về hạn chế xâm nhập mặn
Chính quyền tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng mới đây đã tổ chức hội nghị tìm giải pháp tối ưu cho việc khơi thông sông Cổ Cò, tiến hành rà soát tổng thể các dự án hai bên bờ sông Cổ Cò để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của tuyến sông cấp 4.
Dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò có ý nghĩa quan trọng trong việc liên kết vùng phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng. Trong đó, phát triển du lịch là tiềm năng lớn cho cả 2 địa phương. Ngoài ra, dự án còn có ý nghĩa trong vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, hạn chế thiệt hại do thiên tai.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, mục đích khơi thông sông Cổ Cò để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội 2 địa phương là không thay đổi. Song cần phải nghiên cứu giải pháp kỹ thuật, hạn chế thấp nhất tác động xấu về xâm nhập mặn.
Thực tế, sông Cổ Cò dài 28km, sau khi được khơi thông sẽ hình thành tuyến đường thủy nối cửa Hàn (Đà Nẵng) với cửa Đại (Quảng Nam). Để khơi thông hoàn toàn tuyến sông này, chính quyền tỉnh Quảng Nam sẽ phải tháo dỡ các đập ngăn mặn đang tồn tại để thông tuyến. Hiện 9km sông Cổ Cò qua địa phận Đà Nẵng đã được khơi thông, nạo vét, đang xây bờ kè, xây dựng cảnh quan hai bên…
Còn lại 19km sông Cổ Cò thuộc tỉnh Quảng Nam, đang trong quá trình triển khai nạo vét, với tổng kinh phí 850 tỷ đồng. Dự kiến đến tháng 9/2020 toàn tuyến Cổ Cò sẽ được khơi thông theo kế hoạch.
Tuy nhiên, các câu hỏi được đặt ra là thực hiện dự án như thế nào để phát huy lợi ích mà không ảnh hưởng đến đời sống, phát triển kinh tế, xã hội của người dân sinh sống dọc 2 bờ sông này; đồng thời đánh giá đúng về tình trạng xâm nhập mặn khi hoàn thành dự án để đưa ra lời giải cho bài toán chống xâm nhập mặn, từ đó, có giải pháp tổng thể để xem xét đánh giá đúng tác động môi trường của dự án.
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (DTM) của dự án, khi khơi thông sông Cổ Cò, hệ thống sông tại các địa phương sẽ phải đối mặt với nguy cơ xâm nhập mặn rất cao, không chỉ với sông Cổ Cò (thông cửa Hàn, cửa Đại) mà tác động tới cả sông Cầu Đỏ, nơi có nhà máy nước Cầu Đỏ.
Theo ông Võ Như Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Nam, trước mắt cần hoàn thành mục tiêu nạo vét sông Cổ Cò, còn việc dỡ đập (các đập ngăn mặn nằm trên địa bàn thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) để phát triển tuyến du lịch đường thủy và triển khai giải pháp ngăn xâm nhập mặn thế nào, 2 địa phương sẽ tính toán ở dự án khác.
Còn ông Hồ Minh Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Đà Nẵng cho rằng, tính đến thời điểm tháng 9/2019, tần suất nhiễm mặn tại nhà máy nước Cầu Đỏ tăng cao gấp đôi so với năm 2018. Theo quy hoạch tới năm 2030, Đà Nẵng cần cấp 600.000m3 nước ngày/đêm. Song nguồn nước sạch hiện vẫn đang thiếu hụt, nếu tính cả nguồn nước lấy từ trạm bơm phòng mặn An Trạch (tối đa chỉ 420.000m3), vẫn còn thiếu 200.000m3 nước. Bây giờ khơi thông sông Cổ Cò, xâm nhập mặn tại Cầu Đỏ tăng gấp đôi, kéo dài cả mùa khô, do đó cần tính toán kỹ và phải sớm có giải pháp phù hợp.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) Nguyễn Đạt thông tin, hiện nguồn nước ngầm ven biển thị xã Điện Bàn xuống rất thấp, nếu tháo các đập ngăn mặn thì hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Chưa kể, quanh khu vực đập Hà My có khoảng 1.000 hộ dân sử dụng nước ngầm, hơn 10ha nuôi tôm, dỡ đập sẽ ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Xung quanh những ý kiến phản ánh thực tế về việc nhiễm mặn khi thực hiện dự án khơi thông sông Cổ Cò, có nhiều ý kiến cho rằng cần xem lại DTM của dự án này.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng, việc xâm nhập mặn khi khơi thông sông Cổ Cò là có thật, kể cả tác động tiêu cực đến hoạt động cấp nước của nhà máy nước Cầu Đỏ. Song kết quả xâm nhập mặn cao như DTM đánh giá thì cần phải xem xét lại.
Tại hội nghị, ông Lê Trí Thanh cũng bày tỏ sự hoài nghi về tính chính xác trong công tác lập DTM. Ông Thanh cho rằng, cao trình sông tại Cầu Đỏ cao hơn thì tại sao khơi thông sông Cổ Cò mà ở Cầu Đỏ lại nhiễm mặn nặng hơn Hội An. Điều này rất vô lý.
Ông Thanh khẳng định, trước sau gì, khi khơi thông sông Cổ Cò cũng phải tháo dỡ các đập ngăn mặn. Hiện nay chưa dỡ đập, Nhà máy nước Cầu Đỏ cũng đã bị xâm nhập mặn, thế nên chính quyền TP. Đà Nẵng phải tính giải pháp chống xâm nhập mặn để đảm bảo nguồn nước, cần tính toán để có giải pháp tổng thể ngay từ bây giờ.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/giai-phap-nao-khi-khoi-thong-song-co-co-92580.html