Giải pháp ngăn chặn triệt để nghề cào nhám
Những năm gần đây, hoạt động cào nhám trái phép diễn biến rất phức tạp, đặc biệt khu vực biển thị xã La Gi, đã gây thiệt hại về tài sản cũng như ngành nghề khai thác hải sản khác của ngư dân nơi đây. Do đó, ngành chức năng đã có nhiều giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng này thời gian tới.
Giải pháp ngăn chặn triệt để ngh
Hoạt động lén lút vào ban đêm
Cách đây khoảng 4 – 5 năm, hoạt động giã cào nhám diễn ra rầm rộ ở vùng biển La Gi, đây là ngành nghề mang tính “tận diệt”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản. Đây là thời điểm sò nhám xuất hiện dày ở các vùng ven biển (từ tháng 7 - 11 hàng năm), nên số lượng tàu hành nghề cũng tăng đáng kể. Khi sò nhám ở La Gi dần cạn kiệt, ngư dân địa phương này bắt đầu di chuyển ngư trường sang vùng biển Tuy Phong, khiến ngư dân hành nghề đánh bắt ven bờ rất bức xúc.
Trước tình hình cào nhám có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp tại một số vùng biển ven bờ, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển tăng cường triển khai các biện pháp kiểm tra, ngăn chặn, chấm dứt tàu thuyền hành nghề cào nhám trên vùng biển Bình Thuận. Theo đó, các cơ quan chức năng đã phối hợp các địa phương ven biển tổ chức rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá hoạt động nghề cào nhám để có giải pháp vận động, tuyên truyền ngư dân tự giác chấm dứt hoạt động này, chuyển đổi sang nghề khác thân thiện với môi trường. Ngoài ra, điều động thêm phương tiện và tăng cường lực lượng thanh tra thủy sản cho Trạm Quản lý và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản La Gi để cùng với Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến, nhập bến tại các cảng cá.
Với sự chỉ đạo của UBND tỉnh và sự vào cuộc của ngành chức năng, các địa phương ven biển, tình hình tàu cá hoạt động cào nhám trái phép ở một số nơi đã được ngăn chặn, giảm thiểu, số vụ vi phạm năm 2020 giảm so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù vậy, tình trạng hành nghề cào nhám trái phép vẫn cứ lén lút xảy ra. Thời gian hoạt động của các tàu này là từ 20 giờ tối đến 2 giờ sáng, nên rất khó phát hiện. Các đối tượng thường xuyên đối phó, trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, theo dõi, thông tin cho nhau khi phát hiện có lực lượng tuần tra.
Giải pháp ngăn chặn
Để có giải pháp ngăn chặn và chấm dứt hoàn toàn tình trạng này, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND địa phương ven biển đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng ngư dân về tác hại của nghề cào nhám đối với môi trường, nguồn lợi thủy sản. Tích cực vận động ngư dân chuyển sang ngành nghề khác thân thiện với môi trường và mang tính bền vững. Tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển, thường xuyên thay đổi linh hoạt phương thức hoạt động; có phương án bố trí, tăng cường lực lượng, phương tiện cho Trạm Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản La Gi vào những thời điểm cao điểm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản, không để phát sinh điểm nóng, phức tạp và kiên quyết xử lý nghiêm tàu cá hoạt động cào nhám theo Nghị định số 42/2019 của Chính phủ.
Đồng thời, yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT khẩn trương trình Đề án “Kiện toàn tổ chức, tăng cường hiệu lực, năng lực, nâng cao hiệu quả hoạt động lực lượng kiểm ngư tỉnh Bình Thuận”, bổ sung nhân lực, phương tiện tuần tra, kiểm soát, đảm bảo các điều kiện hoạt động để thực thi đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn của lực lượng chấp pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển của tỉnh.