Giải pháp ngăn lây lan dịch tả lợn
Trong bối cảnh vẫn chưa có vaccine phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), việc áp dụng đồng bộ nhóm giải pháp an toàn sinh học kết hợp sử dụng chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi đang được xem là 'vũ khí' tối ưu nhằm ngăn dịch bệnh lây lan.
Hiệu quả được kiểm chứng
Với 5.000 con lợn, Hợp tác xã (HTX) Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) là một trong những cơ sở chăn nuôi quy mô lớn tại Hà Nội. Trang trại của HTX được xây dựng xa khu dân cư. Chuồng nuôi khép kín, có hệ thống kiểm soát không khí tự nhiên.
Toàn bộ chất thải vật nuôi được thu gom và xử lý bằng công nghệ khí sinh học (biogas). Hàng tuần, HTX tiến hành phun thuốc sát trùng từ 1 – 2 lần. Nguồn nước được sử dụng để uống cho đàn lợn cũng được cấp từ giếng khoan ngay tại trang trại…
Điểm đáng chú ý là bên cạnh áp dụng một loạt biện pháp an toàn sinh học kể trên, HTX Hoàng Long còn sử dụng 3 chế phẩm vi sinh để bổ sung vào thức ăn cho đàn lợn.
Theo Giám đốc HTX Hoàng Long Nguyễn Trọng Long, việc áp dụng đồng thời biện pháp an toàn sinh học và chế phẩm vi sinh giúp đàn lợn khỏe mạnh, chất lượng thịt thơm ngon. Hiện, tất cả các xã lân cận trang trại đều có lợn bị DTLCP. Tuy nhiên, trang trại lợn của HTX vẫn an toàn.
Theo số liệu của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay DTLCP trên địa bàn TP đã xảy ra tại 27.142 hộ chăn nuôi (chiếm 33,6% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) ở 2.286 thôn, tổ dân phố của 445 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh và tiêu hủy 472.297 con lợn (chiếm 25,2% tổng đàn).
Tổng số lợn nái, đực giống mắc bệnh phải tiêu hủy là 62.029 con, chiếm 13,1% tổng số lợn mắc bệnh, tiêu hủy. Đáng chú ý, đến nay, có 53 xã, phường thuộc 17 quận, huyện bệnh DTLCP đã qua 30 ngày không phát sinh.
Không chỉ ở trang trại chăn nuôi lớn, biện pháp an toàn sinh học kết hợp sử dụng chế phẩm vi sinh cũng đang phát huy hiệu quả đối với quy mô sản xuất nhỏ hơn. Hộ ông Lưu Đình Độ ở xã Hùng An, huyện Kim Động (Hưng Yên) hiện đang nuôi gần 200 con lợn.
Gia đình ông áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học từ năm 2017, có phương thức khá tương đồng với trang trại của HTX Hoàng Long. Theo đó, cùng với các biện pháp chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, ông Độ cũng sử dụng chế phẩm si vinh phối trộn cùng thức ăn cho đàn lợn. Nhờ đó, khi DTLCP bùng phát tại các địa bàn lân cận, trang trại của gia đình ông vẫn chưa phải gánh chịu thiệt hại nào.
Khuyến cáo nhân rộng mô hình
Hiện, chưa có bất cứ nghiên cứu khoa học nào đánh giá chi tiết về ý nghĩa của biện pháp an toàn sinh học, kết hợp sử dụng chế phẩm vi sinh trong bảo vệ đàn lợn khỏi sự lây nhiễm của virus gây DTLCP. Tuy nhiên, việc áp dụng đồng thời nhóm giải pháp nêu trên đang cho thấy hiệu quả rất tích cực trong thực tiễn sản xuất.
TS Nguyễn Xuân Dương – Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, các chế phẩm vi sinh khi được phối trộn cùng thức ăn cho đàn lợn sẽ giúp sản sinh ra các hoạt chất có tính kháng khuẩn; chống lại một số nhóm virus gây bệnh trên đàn lợn; làm tăng số lượng, hoạt lực enzyme tiêu hóa trong đường ruột của vật nuôi. Đặc biệt là giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Theo TS Nguyễn Xuân Dương, đây có thể là một trong những yếu tố quan trọng giúp đàn lợn khỏe mạnh và có sức đề kháng tốt hơn với virus gây DTLCP.
Về vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, trong bối cảnh chưa có vaccine phòng chống, việc áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và sử dụng chế phẩm vi sinh sẽ là “vũ khí” tối ưu để ngăn chặn sự lây lan của DTLCP.
“Hiện, Bộ NN&PTNT đang tích cực phối hợp với các tổ chức, DN, cơ sở chăn nuôi... tiến hành tổng hợp, đánh giá toàn diện hiệu quả thực tiễn của các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp sử dụng chế phẩm vi sinh. Tiến tới sớm ban hành hướng dẫn cụ thể việc áp dụng nhóm giải pháp an toàn sinh học này để khuyến cáo các tỉnh, TP trên cả nước nghiên cứu, nhân rộng…” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin.
Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 91/KH-TTr, triển khai kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống bệnh DTLCP, hoạt động kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn Hà Nội. Đợt kiểm tra nhằm đánh giá chức trách nhiệm vụ được giao của các trạm chăn nuôi và thú y thông qua các công tác tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách với UBND các quận huyện, thị xã, với Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội. Cùng với đó sẽ kiểm tra việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong phòng chống dịch bệnh; phát hiện những nội dung chưa phù hợp trong các quy định về ATVSTP trong hoạt động giết mổ trên địa bàn TP để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền có biện pháp khắc phục. (Phương Nga)
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/giai-phap-ngan-lay-lan-dich-ta-lon-347334.html