Giải pháp nước sạch nông thôn vùng ĐBSCL

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được các chuyên gia đánh giá dễ tổn thương trước diễn biến biến đổi khí hậu. Là một trong các tỉnh vùng ĐBSCL, trước tác động của hạn hán, xâm nhập mặn, tỉnh Sóc Trăng đã được bộ, ngành Trung ương hỗ trợ các công trình nước sạch nông thôn phục vụ cho hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh. Hiện Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS-VSMTNT) tỉnh quản lý 145 công trình cấp nước tập trung, công suất từ 168 - 960m3/ngày, đêm. Theo đó, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sinh hoạt đạt QCVN gần 60%, toàn tỉnh có 52/80 xã đạt chỉ tiêu 17.1 nông thôn mới.

Hạn, mặn ảnh hưởng đến nước sạch nông thôn tại các tỉnh

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau Đỗ Quốc Nam chia sẻ: “Mùa mưa thừa nước, mùa khô luôn thiếu nước. Ở vùng ngọt hóa Bắc Cà Mau, mặn xâm nhập sâu, độ mặn cao. Việc cấp nước sạch mỗi năm được đầu tư vài tỉ đồng, đầu tư chưa tới, có 74% dân phải tự khoan giếng tiêu dùng, tỷ lệ rất lớn còn ảnh hưởng trữ lượng nước ngầm và người dân chưa tiếp cận nguồn cấp nước tập trung. Do đó, Cà Mau cần nguồn vốn đầu tư cho khoảng 20.000 hộ tiếp cận nguồn cấp nước tập trung, nâng tỷ lệ lên 20% - 23% dân có nước sạch sử dụng”.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp trong chuyến đi thực tế tại các điểm người dân Sóc Trăng được hỗ trợ bình lọc nước do Tổ chức UNICEF trao tặng. Ảnh: Thúy Liễu

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp trong chuyến đi thực tế tại các điểm người dân Sóc Trăng được hỗ trợ bình lọc nước do Tổ chức UNICEF trao tặng. Ảnh: Thúy Liễu

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Kiên Giang thì Kiên Giang là tỉnh có nhiều hòn, đảo lớn nhỏ, trong đó có một số đảo tập trung đông dân cư sinh sống. Các đảo trên đều rất thiếu nước ngọt, đặc biệt nhất là trong các tháng mùa khô, gây khó khăn cho đời sống người dân, ảnh hưởng đến sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Theo thống kê, có khoảng 15.796 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt do ảnh hưởng tình hình xâm nhập mặn.

Giám đốc Trung tâm NS-VSMTNT Sóc Trăng Nguyễn Thành Dũng thông tin: “Mùa khô năm 2019 - 2020, trên địa bàn tỉnh mặn xâm nhập sâu theo cửa sông Hậu và sông Mỹ Thanh, mặn xâm nhập sâu vào từ 40 - 55km (tính từ cửa sông), mặn xâm nhập sâu hơn trung bình từ 10 - 15km, độ mặn tương đương mức lịch sử mùa khô năm 2015 - 2016. Theo đó, Sóc Trăng có khoảng 26.572 hộ bị ảnh hưởng do thiếu nước sinh hoạt”.

Giải pháp cho nguồn nước sạch nông thôn

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau Đỗ Quốc Nam nêu các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch nông thôn cho người dân cũng như đảm bảo nguồn nước cấp bền vững là nếu muốn hạn chế sử dụng nước ngầm cần dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau, có biện pháp dự trữ nước, đồng thời, xây hồ trữ cho 3,8 triệu khối có thể đáp ứng gần 100.000 hộ dân ở huyện U Minh và Cà Mau, kiến nghị nguồn vốn dành cho những công trình cấp nước cấp bách bởi việc xã hội hóa các doanh nghiệp không mặn mà tham gia vì mạng cấp nước vào các khi dân cư thưa thớt, tuyến dẫn cấp nước xa, không hiệu quả, khó hấp dẫn nhà đầu tư.

Giám đốc Trung tâm NS-VSMTNT tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thành Dũng cho biết: “Để đảm bảo an toàn nguồn nước và tiết kiệm nguồn tài nguyên nước ngầm, đơn vị sẽ tranh thủ các nguồn vốn Trung ương, tỉnh hỗ trợ triển khai xây dựng nhà máy cấp nước quy mô cấp huyện và liên huyện, đủ năng lực cấp nước trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp trong thời gian tới…”.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT các tỉnh: Bạc Liêu, Cần Thơ nêu các giải pháp hữu hiệu để đảm bảo nguồn nước cho người dân nông thôn dùng trong mùa hạn, mặn là Bộ NN-PTNT nên rà soát lại các tỉnh ĐBSCL cũng như xây dựng bổ sung trạm cấp nước là bài toán căn cơ hơn để ĐBSCL không thiếu nước, vì tập quán dân cư ĐBSCL sinh cư phân tán. Qua đó, tính toán số lượng dân cư đông, dân số tăng, định mức tiêu dùng nước từ 60 lít/ngày lên 80 lít/ngày… xây dựng các biện pháp cấp nước như mở rộng tuyến cấp nước. Đầu tư, nâng cấp, cải tạo mở rộng đường ống cấp nước tại các hệ thống cấp nước tập trung hiện hữu vào vùng thiếu nước do ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn…

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng: Sóc Trăng là một trong những tỉnh rất quan tâm đến vấn đề nước sạch cho cư dân vùng nông thôn. Theo dự kiến phải làm dứt điểm 96.000 hộ dân không phải thiếu nước sạch trước năm 2025. Do đó bộ dự kiến lựa chọn trước 2 - 3 tỉnh đầu tư dứt điểm công trình cấp nước nông thôn tại các tỉnh bức xúc nhất như: Bến Tre, Cà Mau, Sóc Trăng.

Thúy Liễu

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/xay-dung-nong-thon-moi/giai-phap-nuoc-sach-nong-thon-vung-dbscl-37457.html