Giải pháp phát triển chanh leo bền vững
Những năm qua, nhân dân các huyện: Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên và Phong Thổ tích cực trồng chanh leo nhằm nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết, loại cây trồng này dễ sinh bệnh, nhất là bệnh đốm dầu (dầu loang) khó xử lý dứt điểm, dễ lây lan trên diện rộng. Giải pháp nào để chanh leo phát triển bền vững, giúp bà con thoát nghèo, vươn lên làm giàu luôn là trăn trở của các hộ dân và ngành nông nghiệp.
Chanh leo là loại cây trồng mới trên đất Lai Châu. So với các loại cây trồng khác, chanh leo có nhiều ưu điểm vượt trội như: thuộc loại cây thân leo khỏe mạnh; dễ trồng trên nhiều loại đất khác nhau, dễ chăm sóc, mang lại hiệu quả kinh tế chỉ sau 7-8 tháng trồng. Khai thác lợi thế, tiềm năng của cây trồng rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, các địa phương: Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ khuyến khích, tạo điều kiện để nhân dân, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tích cực trồng chanh leo, nhân rộng mô hình theo chuỗi liên kết hàng hóa có giá trị. Bên cạnh đó, tận dụng được các chính sách của tỉnh trong hỗ trợ giống, phân bón, vật tư nông nghiệp cho các hộ dân, HTX.
Toàn tỉnh đã trồng được 545ha chanh leo tại các huyện: Phong Thổ, Tam Đường, Than Uyên, Tân Uyên với sự tham gia của hơn 300 hộ dân và HTX. Trong đó có trên 504ha chanh leo được trồng theo chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND, Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Đến thời điểm này, có 520ha chanh leo đã cho thu hoạch và qua thống kê, sản lượng chanh leo trong năm 2023 đạt trên 3.827 tấn.
Chị Vàng Thị Quyết ở bản Nà Phái (xã Phúc Than, huyện Than Uyên) phấn khởi nói: Gia đình tôi trồng hơn 3.000m2 chanh leo. Năm 2023, thu hơn 10 tấn quả bán, thu lãi gần 50 triệu đồng. Giống, phân bón Nhà nước hỗ trợ, gia đình chỉ chăm sóc, thu hoạch quả. Có đơn vị bao tiêu sản phẩm chanh leo, tôi rất an tâm.
Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến thất thường làm nhiều diện tích chanh leo trên địa bàn các huyện bị đổ, nhiễm sâu bệnh, nhất là bệnh phấn trắng, đốm dầu, héo lá, thối rễ; sản lượng và năng suất, chất lượng quả chanh leo bị ảnh hưởng rõ rệt. Dẫn đến tình trạng “được mùa - mất giá”, “được giá - mất mùa”.
Anh Tẩn Sài Sông ở bản Nà Cúng (xã Bản Lang, huyện Phong Thổ) chia sẻ: Gia đình tôi trồng chanh leo từ năm 2022, đến nay có 7ha. Năm trước, gia đình thu được 76 tấn quả, bán cho Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Beefoods (trụ sở tại huyện Tam Đường), thu về hơn 200 triệu đồng. Năm nay, thời tiết khắc nghiệt, chanh leo bị đổ, nhiễm bệnh, phải cắt bỏ hơn 3ha. Lúc chanh leo được mùa thì giá không cao, giờ chanh leo giá cao, quả víp hơn 30.000 đồng/kg thì lại mất mùa. Từ đầu năm đến nay, tôi mới thu hơn 4 tấn quả chanh leo.
Theo số liệu của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cung cấp, hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 60ha chanh leo bị nhiễm bệnh. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết, nóng ẩm mưa nhiều, tạo điều kiện cho các mầm bệnh như: nấm, virus gây hại trên chanh leo. Bên cạnh đó, do một phần chủ quan của các hộ dân trong quá trình trồng, chăm sóc chưa xử lý tốt các vi khuẩn, virus có hại trong đất; ít tỉa lá, dọn cỏ; bón phân chưa đủ lượng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây sinh trưởng. Ngoài ra, khi phát hiện bệnh nấm, héo lá, đốm dầu trên quả, bà con không cắt bỏ quả bị bệnh…
Trước tình trạng đó, ngành Nông nghiệp từ tỉnh đến huyện tăng cường cử cán bộ kiểm tra, hướng dẫn các hộ dân chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật; sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng, trừ bệnh trên chanh leo. Đến nay, có 26ha chanh leo đã được phòng trừ sâu bệnh. Tuy nhiên, diện tích sâu bệnh hại trên chanh leo vẫn có chiều hưởng lây lan ra diện rộng, chưa có biện pháp nào xử lý dứt điểm, gây ảnh hướng tâm lý người trồng chanh leo.
Trong Nghị quyết số 05/NQ-TU ngày 22/2/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 chỉ rõ: phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh trồng mới trên 1.600ha cây ăn quả, trong đó có chanh leo… Như vậy, cây chanh leo được tỉnh xác định là một trong những cây trồng giá trị cao giúp nhân dân giảm nghèo, nâng cao thu nhập; hướng tới xây dựng sản phẩm chủ lực của ngành Nông nghiệp địa phương. Vậy, giải pháp nào để phát triển cây chanh leo bền vững là bài toán đặt ra với ngành Nông nghiệp và các huyện.
Ông Nguyễn Cảnh Đức - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ cho biết: Để cây chanh leo phát triển bền vững cần có kế hoạch, định hướng sản xuất, hỗ trợ, hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm quả và kết nối với doanh nghiệp, bao tiêu sản phẩm cho người dân. Đẩy mạnh phát triển chanh leo theo hướng hàng hóa gắn với sơ chế, chế biến; mở rộng diện tích hướng an toàn, tiêu chuẩn VietGAP phù hợp nhu cầu thị trường. Ưu tiên các biện pháp canh tác và sinh học kết hợp giống kháng bệnh tốt hơn.
Theo bà Trương Thị Nhàn - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, một trong những giải pháp phát triển chanh leo bền vững đó là rà soát quỹ đất, xây dựng kế hoạch phát triển chanh leo gắn với đề án sản xuất hàng hóa tập trung. Tăng cường đào tạo, tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPM). Cấp mã số vùng trồng, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng, truy xuất nguồn gốc… Hiện nay, ngành Nông nghiệp tỉnh đang đề nghị cấp có thẩm quyền cấp 3 mã số vùng trồng chanh leo ở huyện Tam Đường với diện tích trên 56ha.
Thiết nghĩ, để cây chanh leo phát triển bền vững, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, ngành, cần có sự nỗ lực cố gắng của các hộ dân, HTX trong quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại đúng quy trình kỹ thuật; đổi mới tư duy canh tác theo sinh học.