Giải pháp phát triển du lịch cộng đồng của hộ gia đình tại Quần đảo Nam Du, tỉnh Kiên Giang

Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch do chính hộ gia đình phối hợp tổ chức, quản lý và làm chủ mục đích mang lại hiệu quả kinh tế, bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường. Bài viết nghiên cứu giải pháp phát triển du lịch cộng đồng của hộ gia đình tại quần đảo Nam Du, tỉnh Kiên Giang. Nghiên cứu đã đánh giá được thực trạng phát triển du lịch cộng đồng của hộ gia đình quần đảo Nam Du, tỉnh Kiên Giang thời gian qua; tìm ra được thuận lợi và khó khăn trong sự tham gia du lịch cộng đồng của các hộ gia đình. Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đã đề xuất giải pháp nâng cao sự phát triển du lịch cộng đồng của hộ gia đình trong thời gian tới.

1. Giới thiệu

Nam Du là 2 trong 4 xã của huyện Kiên Hải tỉnh Kiên Giang (gồm xã An Sơn và xã Nam Du). Toàn xã có 21 hòn đảo lớn nhỏ, cách trung tâm TP. Rạch Giá là 90 km, điều kiện giao thông đi lại chủ yếu bằng đường thủy. Thế mạnh kinh tế của Nam Du là khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản, có 2 làng nghề truyền thống gắn liền với biển đảo đó là Làng nghề nuôi cá lồng bè và Làng chài lưới ghẹ. Bên cạnh đó, cảnh quan thiên nhiên rất thơ mộng, còn mang nét hoang sơ, kết hợp hài hòa giữa biển và núi với nhiều hòn đảo có bãi biển đẹp, thơ mộng, hải sản phong phú, tươi, rẻ; người dân trên đảo hiền hòa, thân thiện rất thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng.

Trên thực tế, Nam Du có thể phát triển nhiều loại hình du lịch, như: Du lịch khám phá mạo hiểm, nghỉ dưỡng, sinh thái, câu cá, thẻ mực, thể thao dưới nước,… Tuy nhiên, phát triển du lịch cộng đồng có thể nói là mô hình du lịch mới phù hợp với đặc điểm, điều kiện của các hộ dân đang sinh sống trên các đảo ở đây, có hiệu quả thiết thực giúp phát triển kinh tế du lịch bền vững cho người dân và địa phương.

Hiện nay, tình hình phát triển kinh tế du lịch của Quần đảo Nam Du chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, còn tồn tại nhiều hạn chế, như: chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư do địa bàn chia cắt, đi lại khó khăn. Hiện nay, khách du lịch đến Nam Du chủ yếu là khách nội địa, chất lượng phục vụ chưa đáp ứng tốt nhu cầu của du khách, vệ sinh môi trường ngày càng ô nhiễm nặng, chưa kết nối nhiều với các tour, hãng lữ hành để ổn định lượng khách, khách quốc tế đến các đảo còn phiền hà về thủ tục đi lại. Mặt khác, một số quán ăn phục vụ nhu cầu ăn uống, giải khát cho khách du lịch tự phát của người dân thiếu sự chuyên nghiệp, chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch còn nhỏ lẻ, tự phát. Nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch còn hạn chế, chưa được đào tạo bài bản, chưa theo kịp xu thế phát triển.

2. Phân tích thực trạng phát triển du lịch cộng đồng của hộ giai đình tại quần đảo Nam Du, tỉnh Kiên Giang

Quần đảo Nam Du có hơn 900 hộ, đa số sinh sống bằng nghề khai thác hải sản và nuôi cá mú, cá bớp trong lồng bè. Ngoài việc nuôi cá, các chủ bè còn kết hợp làm du lịch, với hình thức cho khách tham quan bè nuôi. Nếu ai có nhu cầu muốn cá ăn tại chỗ thì các hộ sẽ chế biến phục vụ để du khách có thể tận hưởng cảm giác vừa lênh đênh trên biển, vừa thưởng thức các món đặc sản.

Người dân Nam Du cũng chính là hướng dẫn viên du lịch thân thiện, dễ gần, phục vụ du khách rất tự nhiên, thành viên trong các hộ gia đình sẽ tự thuyết trình, giới thiệu cho du khách những loại hải sản, đặc sản của hộ mình cung cấp. Những đặc sản này sẽ do chính các hộ dân sinh sống tự đánh bắt hải sản, chế biến theo yêu cầu rồi phục vụ du khách tại chỗ. Khi khách có nhu cầu tham quan tiếp các hòn đảo khác thì các hộ dân sẽ giúp liên hệ ghe chở đi hoặc du khách tự liên hệ thỏa thuận với các chủ tàu.

2.1. Kết quả khảo sát các hộ dân về thời gian tham hoạt động du lịch tại Nam Du

Khảo sát các hộ dân về thời gian tham gia phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) mục đích xác định thời gian, kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động du lịch làm căn cứ đề xuất các giải pháp phát triển DLCĐ trong thời gian tới.

Biểu đồ 1: Thời gian các hộ dân tham gia kinh doanh du lịch tại Nam Du

Nguồn: Thống kê từ phiếu khảo sát hộ dân tại Nam Du

Nguồn: Thống kê từ phiếu khảo sát hộ dân tại Nam Du

Kết quả khảo sát về thời gian tham gia mô hình DLCĐ của các hộ dân tại Nam Du cho thấy 25 phiếu chiếm 23%/tổng mẫu có thời gian tham gia dưới 3 năm, có 19 phiếu chiếm 17%/tổng mẫu có thời gian tham gia từ 3 đến 5 năm, có 17 phiếu chiếm 15%/tổng mẫu có thời gian tham gia trên 5 năm, còn lại 49 mẫu chiếm 45%/tổng mẫu không ghi thời gian tham gia vì nhiều nguyên nhân. Như vậy, qua kết quả khảo sát cho thấy hiện nay số hộ dân tham gia hoạt động trong ngành Du lịch khoảng 55%/tổng mẫu khảo sát.

2.2. Kết quả khảo sát về cách thực hiện mô hình DLCĐ của các hộ dân tại Nam Du

Khảo sát các hộ dân về cách thực hiện mô hình du lịch nhằm xác định cụ thể các cách thức kinh doanh du lịch người dân đang thực hiện để có căn cứ đề xuất các giải pháp phát triển DLCĐ trong thời gian tới.

Biểu đồ 2: Khảo sát về cách thực hiện mô hình DLCĐ của các hộ dân tại Nam Du

Nguồn: Thống kê từ phiếu khảo sát hộ dân tại Nam Du

Nguồn: Thống kê từ phiếu khảo sát hộ dân tại Nam Du

Kết quả khảo sát về cách thức các hộ dân thực hiện mô hình DLCĐ, tác giả đưa ra những ngành nghề kinh doanh để các đối tượng phỏng vấn đánh dấu vào. Kết quả cho thấy có 17 phiếu chiếm 15%/tổng mẫu tham kinh doanh du lịch Homstay; có 41 phiếu chiếm 37%/tổng mẫu tham gia kinh doanh du lịch bằng hình thức dịch vụ ăn uống; có 11 phiếu chiếm 10%/tổng mẫu tham gia kinh doanh du lịch bằng hình thức buôn bán hàng đặc sản, hàng lưu niệm; có 2 phiếu chiếm 2%/tổng mẫu tham gia kinh doanh mô hình du lịch bằng hình thức lặn biển ngắm san hô; có 3 phiếu chiếm 3%/tổng mẫu tham gia kinh doanh du lịch bằng hình thức thực hiện hoạt động tham gia cùng ngư dân câu cá, thẻ mực; có 3 phiếu chiếm 3%/tổng mẫu tham gia kinh doanh du lịch bằng cách hướng dẫn khách tham quan làng nghề nuôi cá lồng bè; có 8 phiếu chiếm 7%/tổng mẫu tham gia kinh doanh du lịch tắm biển, vui chới thể thao dưới nước; còn lại 25 phiếu, chiếm 23% /tổng mẫu ghi nhận hình thức khác. Như vậy, qua kết quả khảo sát cũng cho thấy có gần 70% hộ dân đã thực hiện mô hình DLCĐ với nhiều hình thức khác nhau.

2.3. Kết quả khảo sát về sự hỗ trợ của địa phương

Khảo sát về các hình thức hỗ trợ của địa phương cho các hộ dân trong kinh doanh du lịch, kết quả cụ thể.

Biểu đồ 3: Khảo sát về sự hỗ trợ của địa phương

Nguồn: Thống kê từ phiếu khảo sát hộ dân tại Nam Du

Nguồn: Thống kê từ phiếu khảo sát hộ dân tại Nam Du

Kết quả khảo sát hộ dân về sự hỗ trợ của địa phương quá trình kinh doanh DLCĐ cho thấy: Có 64 phiếu chiếm 58%/tổng mẫu khảo sát cho thấy có sự hỗ trợ vay vốn để thực hiện kinh doanh du lịch, có 26 phiếu chiếm 24%/tổng mẫu khảo sát cho thấy có nhận được sự hỗ trợ của địa phương để nâng cấp cơ sở hạ tầng, có 19 phiếu chiếm 17%/tổng mẫu khảo sát cho thấy có được tập huấn kiến thức về môi trường, có 1 phiếu chiếm 1%/tổng mẫu khảo sát có nhận được sự đào tạo kỹ năng tiếp thị du lịch, không có phiếu khảo sát về vấn đề được hỗ trợ cập nhật trình độ ngoại ngữ.

2.4. Kết quả khảo sát về những khó khăn khi tiếp cận vay vốn từ các tổ chức tín dụng

Kết quả khảo sát hộ dân về khó khăn khi tiếp cận vay vốn từ các tổ chức tín dụng cho thấy có 68 phiếu chiếm 62% các hộ dân cho rằng gặp khó khăn khi tiếp cận vay vốn từ các tổ chức Tín dụng. Có 42 phiếu chiếm 38% cho rằng họ không gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay.

Biểu đồ 4: Khảo sát sự khó khăn khi tiếp cận vay vốn

Nguồn: Thống kê từ phiếu khảo sát hộ dân tại Nam Du

Nguồn: Thống kê từ phiếu khảo sát hộ dân tại Nam Du

2.5. Kết quả khảo sát về biến động thu nhập của các hộ dân so với trước khi làm du lịch

Khảo sát về sự biến động thu nhập của các hộ dân trong kinh doanh du lịch để biết được tình hình thu nhập trước và sau khi làm du lịch làm căn cứ xác định khả năng phát triển mô hình DLCĐ của Nam Du, kết quả cụ thể được thể hiện tại Biểu đồ 5.

Biểu đồ 5: Biến động thu nhập của hộ dân

Nguồn: Thống kê từ phiếu khảo sát hộ dân tại Nam Du

Nguồn: Thống kê từ phiếu khảo sát hộ dân tại Nam Du

Kết quả khảo sát về biến động thu nhập tăng của các hộ dân so với trước khi làm du lịch cho thấy có 38 phiếu chiếm 35%/tổng mẫu khảo sát cho rằng thu nhập tăng sau khi làm du lịch, còn lại 72 phiếu chiếm 65% hộ dân cho rằng thu nhập không tăng sau khi làm du lịch. Như vậy, kết quả cho thấy, các hộ dân cần được sự hỗ trợ của địa phương biết cách kinh doanh du lịch một cách tốt nhất đem lại nguồn thu cho gia đình.

2.5. Đánh giá thực trạng về khả năng tham gia mô hình DLCĐ của hộ dân tại Nam Du

Trên thực tế hiện nay cách thức triển khai hoạt động du lịch của người dân tại quần đảo Nam Du đã phát triển theo mô hình DLCĐ. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, người dân vẫn chưa thống nhất theo các quy trình, quy định, còn mang tính tự phát, thực hiện theo cảm tính. Nguyên nhân là do mô hình du lịch này còn mới mẻ, nhận thức người dân địa phương về mô hình còn hạn chế, các chính sách nhà nước tập trung phát triển và thu hút người dân còn mang tính hình thức, chưa chủ động, tích cực triển khai, vận động người dân tham gia. Tác giả đã tiến hành tổng hợp so sánh phân tích thực trạng tham gia mô hình DLCĐ tại Nam Du trong thời gian qua như Bảng 1.

Bảng 1. Bảng tổng hợp so sánh kết quả phân tích thực trạng tham gia mô hình DLCĐ tại Nam Du, Kiên Giang

Nguồn: Số liệu từ kết quả nghiên cứu của tác giả

Nguồn: Số liệu từ kết quả nghiên cứu của tác giả

3. Giải pháp nâng cao sự tham gia tổ chức du lịch cộng đồng của hộ dân tỉnh Kiên Giang 3.1. Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại Nam Du, Kiên Giang

Đa dạng hóa các sản phẩm và loại hình du lịch sinh thái tập trung vào điều kiện tự nhiên của huyện, như: Du lịch khám phá, lặn ngắm san hô, leo núi, du lịch nghỉ dưỡng, làng nghề thủ công truyền thống, thám hiểm sinh thái,… nhưng phải tập trung phát triển theo hướng du lịch mang đặc trưng riêng của Nam Du, đảm bảo đáp ứng tốt xu hướng và nhu cầu của thị trường du lịch trong và ngoài nước.

Trong xây dựng mô hình DLCĐ tại quần đảo Nam Du cần chú trọng phân biệt rõ các đối tượng du khách để có hướng phát triển du lịch một cách bền vững. Đối với khách quốc tế, việc tổ chức tour du lịch trọn gói đến Nam Du để nghỉ dưỡng, tham quan thắng cảnh bằng xe ôtô, leo núi hay bơi lặn, ngắm san hô ngoài biển, tham quan mô hình nuôi cá tự nhiên, tham gia cùng người dân đánh bắt cá, thưởng thức các món ăn dân dã bằng du thuyền sẽ là những mô hình du lịch thu hút khách ngoài nước tốt nhất.

3.2. Giải pháp về chính sách quản lý du lịch

Để phát triển DLCĐ tại Nam Du, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác quản lý phát triển DLCĐ cũng như các hoạt động cộng đồng được tổ chức tại Nam Du, nhằm bảo đảm môi trường du lịch an toàn và thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu quả đáp ứng yêu cầu quản lý chuyên ngành và liên ngành nhằm thực hiện tốt công tác quản lý du lịch trên địa bàn các xã. Cần phân định rõ quyền hạn và trách nhiệm của mỗi ngành, mỗi cấp nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trong quản lý, đảm bảo giải quyết nhanh gọn các vấn đề phát sinh trong hoạt động DLCĐ tại Nam Du.

3.3. Giải pháp về chính sách hỗ trợ phát triển DLCĐ tại Nam Du

Thực hiện nhanh các quy hoạch và thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch tại Nam Du. Cơ quan QLNN về du lịch phải thúc đẩy xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi khuyến khích người dân tham gia phát triển du lịch, như: Chính sách về đất đai; Chính sách thuế, hỗ trợ thực hiện các mô hình du lịch,… và đơn giản hóa các thủ tục hành chính tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Nam Du vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn, mà khó gỡ nhất là các khó khăn đến từ chính các quy định của Nhà nước. Có thể kể đến việc, Nhà nước thu tiền thuê đất quá cao. Do đó, cần điều chỉnh giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, điểm tham quan vì đặc thù của dịch vụ du lịch là sử dụng nhiều diện tích đất. Một khi chi phí đất cao, thuế cao thì doanh nghiệp sẽ phải cung cấp dịch vụ với giá cao cho khách du lịch, do đó làm giảm tính cạnh tranh và sự hút khách. Bên cạnh đó, phải tăng thời gian hợp đồng thuê đất để các doanh nghiệp có thể yên tâm lập kế hoạch xây dựng các dự án lâu dài.

3.4. Giải pháp về xúc tiến quảng bá sản phẩm DLCĐ tại Nam Du

Các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch tại Nam Du ngày càng được chú trọng. Hiện nay Nam Du cũng được đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế và các công trình văn hóa, tôn tạo cảnh quan nhằm phục vụ và quảng bá một hình ảnh Nam Du trong lành đến du khách trong và ngoài nước.

Để DLCĐ thật sự phát triển bền vững thì Nam Du cần có kế hoạch xây dựng thương hiệu, hình ảnh về phát triển du lịch cộng đồng nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước. Công tác quan trọng cần phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch để tổ chức quảng bá sản phẩm du lịch cộng đồng và tập trung vào các thị trường quan trọng. Bên cạnh đó, nghiên cứu nhu cầu, xác định tiềm năng và lợi thế nhằm tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước để thu hút du khách đến tham quan.

3.5. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển DLCĐ tại quần đảo Nam Du

Tại Nam Du, tình hình phát triển du lịch chưa được chính quyền địa phương quan tâm, định hướng. Hiện nay tình hình phát triển du lịch ở Nam Du chủ yếu mang tính tự phát, người dân thì mạnh ai nấy làm, hoặc làm theo phong trào, kinh doanh theo kiểu chộp giật không được hoạch định có bài bản khiến việc phát triển du lịch trong cộng đồng xuất hiện nhiều bất cập, hạn chế. Các hộ gia đình tự tổ chức các dịch vụ, đa số chưa qua đào tạo, chưa có sự hướng dẫn từ cấp quản lý.

3.6. Giải pháp về phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật

Một vấn đề còn tồn tại ở Nam Du là cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn, mua khu sắm phục vụ du lịch còn mang tính tự phát, điều này sẽ dẫn đến nhiều dịch vụ, mặt hàng bị trùng lặp, thiếu đa dạng, khó gây ấn tượng được với du khách trong và ngoài nước. Các khu du lịch, vui chơi, giải trí mạnh còn ai nấy làm, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa quy hoạch chung của nhà nước trong việc phát triển du lịch và các dịch vụ phụ trợ,… Do đó, Nam Du cần có những định hướng, đề xuất những chính sách phát triển hạ tầng du lịch phù hợp với mục tiêu phát triển DLCĐ trong thời gian tới. Tác giả đề xuất những giải pháp nhằm phát triển cơ sở hạ tầng trong thời gian tới.

3.7. Giải pháp phát triển DLCĐ bền vững về tài nguyên và môi trường

Các Ban ngành chức năng cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để bảo vệ môi trường, góp phần tạo cảnh quan, cải thiện khí hậu khu vực và hướng đến một nền du lịch xanh, bền vững. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nơi tại Nam Du, sự tăng trưởng và phát triển không kiểm soát của du lịch lại gây ra những tác động tiêu cực đến thiên nhiên, môi trường và các cộng đồng địa phương. Những tác động tiêu cực này có khi là việc chiếm dụng một diện tích đất rộng lớn để làm du lịch, việc gây biến dạng sinh cảnh tự nhiên, hoặc sự xâm phạm của khách du lịch vào hệ sinh thái dễ bị tổn thương. Tác động tiêu cực về môi trường bao gồm sự can thiệp của cơ sở hạ tầng vào cảnh quan thiên nhiên, mức tiêu thụ nước và năng lượng cao, ô nhiễm nguồn nước, lượng rác thải tăng lên đột biến và nhiều ảnh hưởng bất lợi khác. Đối với cộng đồng địa phương, du lịch cũng có thể làm méo mó nền văn hóa bản địa và cấu trúc xã hội của cộng đồng, gây phân hóa xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

UBND huyện Kiên Hải (2017), “Báo cáo tổng hợp Đề án Phát triển du lịch huyện Kiên Hải đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch – Tổng cục Du lịch Việt Nam, Báo cáo tóm tắt Quy hoạch tổng thể du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Lê Thị Lài (2018), “Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia du lịch cộng đồng tỉnh Tiền Giang”, Luận văn thạc sỹ Kinh tế, Đại học Trà Vinh.
Ngô thị Liên (2018), Đánh giá sự tham gia của người dân trong phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại Vườn Quốc gia BIDOUP – Núi Bà. Tạp chí khoa học Đại học Văn Hiến, 6(2), 96-102.
Tô Duy Hợp – Lương Hồng Quang (2000), Phát triển cộng đồng, lý thuyết và vận dụng, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
Phạm Trung Lương và cộng sự (2002), “Nghiên cứu xây dựng bảo vệ môi trường du lịch với sự tham gia của cộng đồng góp phần phát triển du lịch bền vững trên đảo Cát Bà – Hải Phòng”. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hà Nội.
Phạm Trung Lương (1999), Tiềm năng, hiện trạng và định hướng phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam, Tuyển tập báo cáo Hội thảo Xây dựng chiến lược Quốc gia về phát triển du lịch sinh thái tại Việt Nam, Hà Nội.
Bùi Việt Thành (2016), “Du lịch cộng đồng tại các nước ASEAN và kinh nghiệm cho Việt Nam”, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Nguyễn Đình Thọ (2013), Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh, Nhà xuất bản Tài chính, TP. Hồ Chí Minh.
Nguyễn Quốc Nghi, Nguyễn Thị Bảo Châu và Trần Ngọc Lành (2012), “Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia tổ chức du lịch cộng đồng cùa người dân tỉnh An Giang, Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 23, 194-202.
Võ Quế (2006), Du lịch cộng đồng – lý thuyết và vận dụng, tập 1, Nhà Xuất bản Khoa học và Kĩ thuật, Hà Nội.

Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang (2012). Quyết định số 228/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Kinh tế – Xã hội huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang đến năm 2020.
Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang (2012). Quyết định số 441/QĐ-UBND ngày 29/2/2012 của UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Kiên Giang đến năm 2020, định hướng năm 2030.

TCCT

Nguồn Kiên Giang: https://kiengiangonline.com.vn/giai-phap-phat-trien-du-lich-cong-dong-cua-ho-gia-dinh-tai-quan-dao-nam-du-tinh-kien-giang/