Giải pháp phát triển nhân lực nhân lực chất lượng cao ở Bình Dương

Bình Dương phấn đấu đến năm 2025 có 85% lao động qua đào tạo nghề, trong đó số lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 35%, đồng thời mỗi năm giải quyết việc làm cho thêm 35.000 lao động.

Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp ở Bình Dương. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp ở Bình Dương. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Sau 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đang là điểm sáng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Với quan điểm động lực quan trọng nhất của sự tăng trưởng kinh tế bền vững chính là con người, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, tỉnh tiếp tục triển khai các nhóm giải pháp một cách đồng bộ, quyết liệt để nâng chất lượng nguồn nhân lực, phù hợp với xu thế phát triển trong giai đoạn mới.

Thu hút lao động đi đôi với nâng chất lượng nhân lực

Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng giúp Bình Dương bắt kịp và hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn mới. Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Hoàng Thao, phương hướng phát triển của tỉnh đến năm 2030 là tập trung phát triển ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, sử dụng ít lao động, thân thiện với môi trường; tập trung thu hút vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quy hoạch.

Tỉnh cũng chú trọng thu hút đầu tư trong nước đối với ngành công nghiệp phụ trợ, cung cấp nguyên liệu cho các tập đoàn lớn, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

Để đạt mục tiêu này, bên cạnh các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tập trung đầu tư cải thiện kết cấu hạ tầng, kỹ thuật thiết yếu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, Bình Dương chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Từ năm 2020-2022, tỉnh đã tập trung xây dựng chính sách thu hút các nhà quản lý chuyên nghiệp, chuyên gia giỏi, công nhân kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn mới, đào tạo nguồn nhân lực với chuyên môn và tính chuyên nghiệp cao.

Các đơn vị chức năng của tỉnh đa dạng hóa, mở rộng các hình thức hợp tác liên kết trong cung ứng và đào tạo nguồn nhân lực theo hướng gắn kết giữa đào tạo và sử dụng, cập nhật kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành cho biết thêm thời gian tới, Bình Dương tiếp tục xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với từng đối tượng. Chẳng hạn, với học sinh phổ thông là nâng cao chất lượng giáo dục; với sinh viên các trường đại học, cao đẳng là nâng cao hiệu quả đào tạo gắn nhu cầu doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao; với các công nhân đang làm việc, tỉnh tập trung nâng cao tay nghề, kỹ năng, tác phong công nghiệp.

Bình Dương phấn đấu đến năm 2025 có 85% lao động qua đào tạo nghề, trong đó số lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 35%, đồng thời mỗi năm giải quyết việc làm cho thêm khoảng 35.000 lao động.

Công nhân tại một doanh nghiệp ở Bình Dương. (Nguồn: TTXVN)

Công nhân tại một doanh nghiệp ở Bình Dương. (Nguồn: TTXVN)

Liên quan đến giải pháp phát triển nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh nền kinh tế số, góp phần xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, các chuyên gia cho rằng, vai trò của chính quyền với những cơ chế, chính sách phù hợp được ban hành là rất quan trọng.

Theo thạc sỹ Nguyễn Văn Quang, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chính quyền có vai trò then chốt, dẫn dắt về cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường cho phát triển công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế số.

Cùng với đó, chính quyền cũng cần phát huy vai trò nhân tố trung tâm của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, chuyển đổi số và thích ứng với công nghệ số ở mọi hoạt động sản xuất. Đồng thời, bản thân mỗi người lao động cần thường xuyên chủ động, hòa nhập, có năng lực làm chủ các công nghệ số, nhanh chóng thích ứng với sự biến đổi của công nghệ.

Việc phối hợp đồng bộ các vai trò này sẽ góp phần phát triển nguồn nhân lực cao của tỉnh Bình Dương để tận dụng được cơ hội, giải quyết những thách thức đặt ra trong bối cảnh nền kinh tế số.

Tiến sỹ Lương Thy Cân, Trường Đại học Thủ Dầu Một, đề xuất chủ trương rõ ràng của tỉnh là ưu tiên chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xã hội, từ sử dụng lao động thủ công sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động được đào tạo cùng với công nghệ tiên tiến, phương tiện và phương pháp tiên tiến, hiện đại nhằm tạo ra năng suất lao động xã hội cao với những sản phẩm hàng hóa có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao và thân thiện môi trường sinh thái.

Do đó, với nhóm giải pháp về chính sách, Bình Dương cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, coi đây là cơ sở định hướng, hiện thực hóa, kế hoạch hóa sự phát triển của các ngành liên quan trực tiếp, nhằm tạo nguồn nhân lực phù hợp phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Chính quyền tỉnh thực hiện vai trò tổ chức, hoạch định chiến lược trong xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho từng giai đoạn của quá trình phát triển.

Các địa phương, đơn vị và từng doanh nghiệp cụ thể hóa chiến lược của tỉnh, xây dựng cho mình chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu từng giai đoạn, trong đó lưu ý số lượng nhân lực, cơ cấu lao động chất lượng cao giữa các lĩnh vực, ngành nghề.

Bên cạnh đó, trong quá trình đào tạo, tỉnh cần hướng tới mục tiêu “công dân toàn cầu,” chú ý liên kết đào tạo trong nước và quốc tế để người lao động có thể làm việc cả trong và ngoài nước.

Liên quan nhóm giải pháp về củng cố, phát triển nguồn nhân lực, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương, tiến sỹ Nguyễn Thị Nhật Hằng cho hay giai đoạn 2021-2025, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nâng cao chất lượng viên chức được tuyển dụng, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ theo chuẩn và vượt chuẩn nhằm đáp ứng với yêu cầu hội nhập.

Đồng thời, ngành tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thu hút và giữ chân người tài về công tác trong ngành, tiếp tục phối hợp với các sở ngành cụ thể hóa một số Nghị định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cho địa phương.

Bình Dương cũng từng bước triển khai việc giảng dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh trong các cấp học, xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án đầu tư thành lập Trung tâm điều hành giáo dục thông minh tỉnh Bình Dương.

Gắn với liên kết phát triển vùng

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Hoàng Thao cho biết nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương có nhiều lợi thế phát triển toàn diện kinh tế-xã hội. Hiện nay, nhờ những đổi mới trong phát triển, Bình Dương đã trở thành 1 trong 4 tỉnh, thành phố của “tứ giác hạt nhân” (cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu) phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giữ vai trò quyết định sức mạnh kinh tế của toàn vùng. Do đó, phát triển nguồn nhân lực không thể tách rời quan điểm này.

Tiến sỹ Trần Du lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhấn mạnh cần đặt sự phát triển của tỉnh Bình Dương theo quan điểm kinh tế vùng, nhất là “tứ giác phát triển” của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ở khía cạnh nguồn nhân lực, lao động trong vùng chủ yếu là lao động nhập cư, nhất là từ khu vực miền Tây Nam Bộ và duyên hải miền Trung, chủ yếu làm trong các ngành công nghiệp truyền thống, công nghiệp gia công…

Do đó, để tạo nên động lực mới và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, cần chuyển sang tư duy phát triển kinh tế vùng, thông qua các mối liên kết như: bố trí lực lượng sản xuất thông qua quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, khai thác thế mạnh về đào tạo nguồn nhân lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và các trung tâm đào tạo khác trong vùng, đồng thời phát triển thị trường lao động chung của vùng.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Còn theo giáo sư Nguyễn Trọng Hoài, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, đặt trong bối cảnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mặc dù có dân số tăng trưởng đáng kể trong nhiều năm qua, Bình Dương vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động có kỹ năng. Đây là một điểm nghẽn vì Bình Dương là địa phương phát triển công nghiệp và dịch vụ nhưng lại đang thâm dụng lao động ít kỹ năng.

Vì vậy đối với nguồn nhân lực, Bình Dương cần tiếp tục có chính sách khuyến khích đào tạo, thu hút nhân lực về các chiến lược, công cụ và công nghệ mới cho khu công nghiệp, kết nối chuỗi cung ứng...

Đề cập giải pháp phát triển nguồn nhân lực nhân lực chất lượng cao cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có tỉnh Bình Dương, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Trương Anh Dũng cho biết Tổng cục đang xây dựng lộ trình 5 năm, 10 năm cho vùng kinh tế trọng điểm này, phấn đấu thời gian tới khu vực phía Nam có khoảng 30 trường đào tạo nghề chất lượng cao, 2 trung tâm quốc gia về đào tạo nghề.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của liên kết vùng, đối với phát triển nhân lực chất lượng cao, một số chuyên gia, nhà quản lý cũng cho rằng Bình Dương có các lợi thế về vị trí địa lý như liền kề Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu... đồng thời là cửa ngõ của các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Bình Dương gần như nằm ở vị trí trọng tâm của những con đường huyết mạch ở miền Nam. Đây là lợi thế rất lớn để tỉnh tiếp tục có những chính sách, giải pháp hợp tác đào tạo, cung ứng, thu hút lao động có kỹ năng, kiến thức, tay nghề, kinh nghiệm, năng lực sáng tạo đến làm việc, góp phần xây dựng Bình Dương là thành phố thông minh, trung tâm công nghiệp hiện đại, động lực tăng trưởng của miền Đông Nam Bộ./.

Thanh Trà-Chí Tưởng (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/giai-phap-phat-trien-nhan-luc-nhan-luc-chat-luong-cao-o-binh-duong/788078.vnp