Giải pháp phục hồi của doanh nghiệp du lịch

Bắt đầu 1/6, nhiều doanh nghiệp sẽ chính thức mở cửa trở lại, sau kỳ đóng cửa dài hạn vì dịch Covid-19. Sức ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu trong đó lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng khá nặng nề. Dự báo 1 năm không may mắn cho du lịch ở địa phương, nhưng không vì thế mà chúng ta thiếu đi sự nỗ lực.

Giải pháp phục hồi của doanh ngh

Doanh thu giảm

Tại thời điểm các doanh nghiệp du lịch đã thực hiện việc tạm ngừng đưa, đón khách quốc tế đến Bình Thuận (18/3/2020 đến 1/4/2020) hầu hết các cơ sở lưu trú du lịch đã thực hiện việc không đón khách du lịch, chỉ còn một số ít cơ sở còn phục vụ số khách đăng ký lưu trú dài ngày. Và có 83% cơ sở lưu trú đã tạm dừng hoạt động kinh doanh do không còn khách. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành đã tạm dừng hoạt động từ giữa tháng 2 do bị hủy tour khá nhiều (hơn 80%), một số doanh nghiệp lữ hành đón khách Nga (Pegas, Anex…) còn tiếp tục duy trì hoạt động đến nửa cuối tháng 3/2020 thì ngừng hẳn.

Trong 4 tháng năm 2020, toàn tỉnh ước đón được khoảng 1.337.338 lượt khách, giảm 32,05% so cùng kỳ năm 2019, trong đó khách du lịch quốc tế khoảng 148.178 lượt khách, giảm 42,41% so cùng kỳ, khách nội địa khoảng 1.189.160 lượt khách, giảm 30,5% so cùng kỳ. Doanh thu từ khách du lịch trong 4 tháng 2020 ước đạt 3.660 tỷ đồng, giảm 26,11% so cùng kỳ năm 2019. Theo thông tin từ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, khoảng trên 70% lao động phải nghỉ việc không hưởng lương và chấm dứt hợp đồng lao động để hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, số còn lại phải cắt giảm giờ làm… Một số doanh nghiệp du lịch có hỗ trợ đối với người lao động từ 1 - 2 triệu đồng/tháng, hưởng 50% lương, vẫn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời gian tạm nghỉ không lương…

Giải pháp phục hồi

Tại cuộc họp mới đây do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hiệp hội Du lịch Bình Thuận tổ chức đã đưa ra những giải pháp trước mắt. Trong tình thế cấp bách, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: “Ngoài các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, các doanh nghiệp du lịch cần chủ động triển khai các giải pháp để đảm bảo có thể duy trì hoạt động kinh doanh trong giai đoạn khó khăn dự báo có thể kéo dài đến hết năm 2020”.

Phía Hiệp hội Du lịch Bình Thuận cũng cho rằng, xác định thị trường khách để tập trung khai thác chủ yếu là khách nội địa. Tăng cường công tác quảng bá du lịch, phát triển các thị trường khách nội địa. Tích cực đẩy mạnh triển khai chương trình quảng bá điểm đến “Oh wow! Muine”, chú trọng xây dựng hình ảnh điểm đến “an toàn”. Xây dựng chương trình giảm giá kích cầu du lịch, phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới, chú trọng chất lượng dịch vụ tốt. Tăng cường quản lý, kiểm tra các hoạt động nhà nghỉ, nhà trọ, homestay… chưa đăng ký thông báo hoạt động, không đảm bảo chất lượng dịch vụ, song song với các biện pháp đảm bảo môi trường du lịch sạch sẽ, an ninh, an toàn cho du khách.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ, các bộ, ngành đã có một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động ngành du lịch bị ảnh hưởng dịch Covid-19, cụ thể như việc giảm giá điện, xem xét giảm lãi vay, cho vay lãi suất thấp, hỗ trợ người lao động mất việc làm do ảnh hưởng của dịch, trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp… Dù hiện nay UBND tỉnh Bình Thuận, các sở, ngành liên quan trong tỉnh cũng đã tích cực triển khai, hướng dẫn các doanh nghiệp, người lao động, tuy nhiên trên thực tế còn có một số bất cập dẫn đến nhiều trường hợp chưa thể giải quyết hỗ trợ được.

Các doanh nghiệp du lịch cũng mong muốn được miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong quý I, II và III của năm 2020 và giảm 50% thuế VAT cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong quý IV/2020 và quý I/2021… Đồng thời, cho phép doanh nghiệp du lịch chậm nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội năm 2019, 2020 đến hết tháng 6/2021. Giảm 70% tiền thuế đất, tiền thuê sử dụng đất và cho phép doanh nghiệp du lịch chậm nộp thuế đất, tiền thuê đất 2019, 2020 đến hết tháng 6/2021 nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi kinh doanh. Giảm lãi suất vay từ 3%/năm đồng thời kéo dài thời gian ân hạn, chậm trả lãi vay, có các khoản vay ưu đãi mới...

Quang Nhân

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/giai-phap-phuc-hoi-cua-doanh-nghiep-du-lich-127926.html