Giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biển đổi khí hậu, hạn, xâm nhập mặn

Chiều ngày 14-10, thực hiện chương trình làm việc với nội dung tham luận tại hội trường, đại hội đã được nghe đồng chí Trương Văn Đúng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tham luận với chủ đề: Giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biển đổi khí hậu, hạn, xâm nhập mặn.

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nêu cao vai trò lãnh đạo, tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, chỉ đạo toàn ngành thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu phát triển nông, lâm, ngư nghiệp và thủy sản, xây dựng nông thôn mới.

Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng trong các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Quán triệt, triển khai nghiêm túc chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ban Thường vụ Đảng ủy Sở đã nỗ lực đổi mới phương thức lãnh đạo, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển lĩnh vực ngành quản lý.

Đồng chí Trương Văn Đúng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Phước Liêu

Đồng chí Trương Văn Đúng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Phước Liêu

Mặc dù trong quá trình chỉ đạo sản xuất nông nghiệp cũng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình phát sinh dịch bệnh trong chăn nuôi; việc liên kết tiêu thụ còn hạn chế; một số mặt hàng nông sản giá cả chưa ổn định….; mặt khác do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, hạn, xâm nhập mặn diễn biến ngày càng phức tạp, gây thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, tinh thần quyết tâm cao của toàn ngành, sự nỗ lực của nông dân cùng với ngành thực hiện tốt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng và thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, đời sống người dân vùng nông thôn ngày càng được cải thiện. Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020 có bước tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 2,8%/năm, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản, từ 140 triệu đồng/ha năm 2015 tăng lên 185 triệu đồng/ha năm 2020.

Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ để tránh hạn, xâm nhập mặn, từ đó diện tích thiệt hại giảm đáng kể; sản lượng lúa hàng năm đạt trên 2 triệu tấn (vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra). Tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản (trong đó có nhóm lúa ST), các giống lúa thích ứng trong vùng nhiễm mặn… từ đó diện tích, sản lượng lúa đặc sản, lúa thơm các loại ngày càng được nâng lên (năm 2016 tỷ lệ sản lượng lúa đặc sản, lúa thơm đạt 42%, đến năm 2020 đạt trên 52%). Tại Hội nghị Quốc tế về thương mại lúa gạo lần thứ 9 ở Ma Cao năm 2017, gạo ST24 đạt giải “Top 3 gạo ngon nhất thế giới”; năm 2019, gạo ST25 đạt giải nhất cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới được tổ chức tại Manila (Philippin).

Chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây, con khác có giá trị kinh tế cao hơn. Kết quả đã chuyển đổi 20.661ha. Xây dựng được 115 nhà lưới/6,01ha; hình thành 35,15ha rau, màu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và đã được chứng nhận.

Chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung có kiểm soát dịch bệnh, quản lý môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đến nay, toàn tỉnh có 81 trang trại chăn nuôi heo, 221 trang trại gia cầm (trong đó có 84 trang trại chăn nuôi gà); triển khai Dự án Phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt trên địa bàn tỉnh, từ đó tổng đàn tăng khá nhanh, đến nay đạt 54.100 con, tăng 10.467 con so với năm 2016, trong đó bò sữa trên 10.000 con, sản lượng sữa hàng năm trên 17.000 tấn, việc tiêu thụ sữa thông qua Hợp tác xã Nông nghiệp Evergrowth và Công ty Cổ phần Sữa Vinamilk.

Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, hàng năm góp phần đáng kể vào tốc độ tăng trưởng của tỉnh. Diện tích nuôi thủy sản được quy hoạch ổn định. Tổ chức sản xuất, ứng dụng, nhân rộng mô hình nuôi tôm hiệu quả (nuôi tôm lót bạt 2 giai đoạn; nuôi tôm kết hợp với cá rô phi, cá chẽm; nuôi ao đất có hố xi phông, ao tròn lót bạt nổi, nuôi thâm canh, siêu thâm canh...). Sản lượng thủy sản năm 2016 là 237.122 tấn, ước đến năm 2020 là 317.000 tấn (trong đó tôm nước lợ 167.000 tấn).

Thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 52/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 100% xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; huyện Mỹ Xuyên, TX. Ngã Năm được công nhận và tổ chức công bố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đã triển khai đề án đến các tổ chức, cá nhân và tạo điều kiện hỗ trợ phát triển sản phẩm truyền thống, có lợi thế, tăng giá trị, góp phần tái cơ cấu kinh tế của tỉnh. Kết quả đến nay đã có 75 sản phẩm OCOP được chứng nhận, trong đó 24 sản phẩm đạt hạng 4 sao; 51 sản phẩm đạt hạng 3 sao, của 42 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh sản xuất. Hội đồng cấp tỉnh tổ chức đánh giá và hoàn thành hồ sơ trình Hội đồng Trung ương chấm điểm thăng hạng 8 sản phẩm OCOP cấp quốc gia (5 sao).

Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển của ngành thời gian tới, với quan điểm tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với các sản phẩm chủ lực; khai thác và tận dụng tốt lợi thế của tỉnh, xây dựng và phát triển vùng sản xuất với quy mô lớn thích ứng với biến đổi khí hậu, tổ chức lại sản xuất, định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường, Đảng ủy, cùng với Ban Giám đốc Sở sẽ tập trung chỉ đạo để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về mục tiêu, ý nghĩa, nội dung của kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể, xem đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Chú trọng tuyên truyền các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, khuyến khích nhân rộng. Xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực (cây, con) để có hướng tập trung đầu tư, phát triển. Tập trung khai thác các mặt hàng chế biến đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng mạnh xuất khẩu gạo thơm, gạo đặc sản. Đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, ưu tiên đối với những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao. Tổ chức lại sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Phát triển đa dạng các hình thức liên kết. Phát triển kinh tế trang trại, gia trại; đổi mới hợp tác xã, phát triển tổ hợp tác trên các lĩnh vực sản xuất, mở rộng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị từ sản xuất tới lưu thông. Tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, củng cố và phát triển thị trường; hỗ trợ thông qua các chính sách khuyến khích và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, nhất là xúc tiến hoạt động xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc sẽ thực hiện tốt công tác đào tạo đội ngũ cán bộ hiện có, khuyến khích nâng cao kiến thức, nhất là cán bộ trẻ công tác trong ngành nông nghiệp, khoa học công nghệ, nông thôn. Phối hợp viện, trường, các ngành liên quan có kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đào tạo gắn kết xây dựng mô hình thực tiễn tại địa phương khu vực quy hoạch, tập trung cho công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tăng cường vai trò lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, phối hợp tốt với các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội, vận động toàn dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Chủ động các nguồn vốn đầu tư, lồng ghép các chương trình, dự án nhằm đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch sinh hoạt nông thôn... Tiếp tục thực hiện tốt Chương trình mỗi xã một sản phẩm – OCOP, phấn đấu phát triển và công nhận thêm ít nhất 35 sản phẩm, trong đó có 5 sản phẩm đạt hạng 5 sao. Làm tốt công tác thông báo, dự báo về triều cường, thời tiết nguy hiểm, áp thấp nhiệt đới, bão, xâm nhập mặn... nhằm truyền tải thông tin kịp thời đến các địa phương và các đơn vị liên quan để nắm tình hình, chủ động phòng tránh, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn. Tăng cường năng lực triển khai, giám sát, đánh giá, thanh kiểm tra chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với vật tư, sản phẩm nông, lâm, thủy sản, diêm nghiệp; triển khai tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Phước Liêu (Lược ghi)

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/chinh-tri/giai-phap-tai-co-cau-nganh-nong-nghiep-theo-huong-nang-cao-gia-tri-gia-tang-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-han-xam-nhap-man-41710.html