Giải pháp tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam

Năng lực chủ động, phân tích thông tin và dự báo thị trường vẫn còn nhiều hạn chế. Cơ sở hạ tầng thương mại, hệ thống truy xuất nguồn gốc, quản lý khai thác chưa được thực hiện bài bản… Đó là nhận định được các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp đưa ra tại tọa đàm 'Tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam' do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) tổ chức ngày 29/8.

Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo) vinh dự là nhà tài trợ, đồng hành cùng chương trình.

Toàn cảnh tọa đàm

Toàn cảnh tọa đàm

Hiện nay khi Việt Nam đang ngày càng tham gia hội nhập kinh tế quốc tế sâu và rộng trên thị trường quốc tế thì nhiệm vụ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung, của các mặt hàng nông sản nói riêng là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, làm thế nào để nâng cao được năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động, các nguồn lực sản xuất trong nước có hạn như đất đai bình quân đầu người thấp, kỹ thuật sản xuất, chế biến chưa hiện đại, mức độ cơ giới hóa sản xuất thấp, công nghệ sinh học chưa phát triển, một số yếu tố đầu vào cho sản xuất lại lệ thuộc vào thị trường thế giới đang trở thành vấn đề có tính cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Tại tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ về các giải pháp giúp tăng cường năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp và cung cấp vật tư nông nghiệp, qua đó hỗ trợ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp nông nghiệp và doanh nghiệp vật tư nông nghiệp giải quyết các khó khăn và đưa ra các chính sách hỗ trợ phù hợp để tăng cương khả năng cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam trên thị trường.

TS. Vũ Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) phát biểu tại tọa đàm

TS. Vũ Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) phát biểu tại tọa đàm

TS. Vũ Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) cho biết, để thúc đẩy doanh nghiệp nông nghiệp phát triển theo định hướng đúng đắn, đối với Nhà nước, cần đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp phải được xem là đầu tàu dẫn dắt ngành nông nghiệp phát triển, cần phải đầu tư trọng tâm để đầu tàu được lớn mạnh.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những chính sách mang tính khuyến khích để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Cụ thể, quan tâm tới phát triển số lượng doanh nghiệp, bởi chính sách phát triển doanh nghiệp nông nghiệp sẽ hướng nhiều hơn vào việc thúc đẩy hình thành nhiều doanh nghiệp nông nghiệp, đặc biệt là việc chuyển dịch từ khu vực hộ kinh doanh nông nghiệp, hộ đại điền sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp, dần thúc đẩy hoạt động kinh tế nông nghiệp phi chính sách sang chính thức.

Song song với đó là các chính sách hỗ trợ nông dân và lực lượng lao động thông qua các loại hình doanh nghiệp. Cần xây dựng chiến lược và chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khu vực doanh nghiệp nông nghiệp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khu vực này phải có sự phối hợp đồng bộ để bao quát hết đối tượng cần đào tạo, bồi dưỡng và có chương trình đặc thù cho các ngành, lĩnh vực, chuỗi giá trị khác nhau.

Ngoài ra, nâng cao hiệu quả chính sách tín dụng cũng là một chính sách quan trọng. Theo đó, mở rộng hạn mức vay và cắt giảm điều kiện và thủ tục vay cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn được tốt hơn, tập trung cho các doanh nghiệp vay vốn để phát triển theo chuỗi giá trị.

TS. Vũ Mạnh Hùng cũng nêu rõ, bên cạnh việc triển khai thực hiện các chính sách trên, để đẩy nhanh quá trình phát triển nông nghiệp cần tiếp tục tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nhằm thúc đẩy tiêu thụ nội địa hàng hóa nông nghiệp. Song song với đó, cần triển khai liên tục và thường xuyên các hoạt động kết nối cung - cầu để kết nối giữa các nhà sản xuất, các doanh nghiệp nông nghiệp với hệ thống phân phối nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống phân phối và các mô hình tổ chức chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước.

TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Tham luận tại tọa đàm, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Để thúc đẩy sự phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp cần tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về nhiều mặt: Tăng cường các chính sách về hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp tạo điều kiện cho việc tiếp cận vốn tín dụng từ khu vực ngân hàng thương mại, từ Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, và từ Quỹ bảo lãnh tín dụng. Nghiên cứu hình thành các gói tín dụng, quỹ tín dụng dành riêng cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, tổ chức thực thi các chính sách hỗ trợ về tạo quỹ đất, quy hoạch các vùng đất sản xuất nông nghiệp, vùng nguyên liệu minh bạch, ổn định…để các doanh nghiệp có cơ hội phát triển và mở rộng sản xuất, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, người nông dân và doanh nghiệp.

Cần tập trung đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh rà soát, chuẩn hóa các thủ tục hành chính, tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp luật về đăng ký kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nông nghiệp khi gia nhập thị trường. Đẩy mạnh cải cách quy định về điều kiện kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi thực chất cho các doanh nghiệp; cần ghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống phân phối đủ năng lực kết nối các chuỗi giá trị, liên kết thị trường nông sản; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nông nghiệp.

Đặc biệt, thực hiện các chính sách hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nông nghiệp, nâng cao nhận thức, đánh giá mức độ sẵn sàng về chuyển đổi số, đồng thời giúp các doanh nghiệp tiếp cận với các tài liệu, hướng dẫn chuyển đổi số trong quá trình sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại đối với hàng nông sản, xây dựng thương hiệu số,...

 TS. Trần Thị Thu Hiền - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) phát biểu tại tọa đàm

TS. Trần Thị Thu Hiền - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) phát biểu tại tọa đàm

Theo TS. Trần Thị Thu Hiền - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), chỉ ra, các mặt hàng nông sản xuất khẩu hiện nay khi xuất khẩu sang các nước hầu như chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác của Việt Nam. Đây là một trong những hạn chế lớn làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm đồng thời hạn chế tham gia sâu vào hệ thống phân phối bán lẻ của các nước nhập khẩu. Mặt khác, thị trường tiêu dùng hàng nông sản hướng đến các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, trách nhiệm xã hội đòi hỏi các sản phẩm nông, lâm, thủy sản được khai thác hợp lý, từ đó đưa ra các tiêu chuẩn tương ứng về nguồn gốc sản phẩm như thủy sản, rau quả, gỗ...

Các quốc gia và người tiêu dùng tiêu dùng trên thế giới đang đặt mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải cacbon. Nông sản Việt Nam đối mặt với nguy cơ chịu mức thuế đối với sản phẩm có mức phát thải lớn. Đây cũng là một trong những thách thức với xuất khẩu nông sản Việt Nam trong khi hệ thống truy xuất nguồn gốc, quản lý khai thác chưa được thực hiện bài bản, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp bắt đầu quá trình đổi mới để thích ứng được với bối cảnh mới.

Quý I năm 2023 tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng giảm so với cùng kỳ thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung - đóng góp lớn nhất trong ba khu vực kinh tế.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, nông nghiệp vẫn là ngành phát triển ổn định. Sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm, sản lượng một số loại sản phẩm chăn nuôi chủ yếu tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm trước. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp quý I năm 2023 tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,66%.

N.H

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/giai-phap-tang-cuong-nang-luc-canh-tranh-cho-doanh-nghiep-nong-nghiep-viet-nam-692977.html