Giải pháp thành phố thông minh vì không khí sạch
Ngày 27-9, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Giải pháp thành phố thông minh vì không khí sạch: Thực hành hiện nay và khuyến nghị cho Việt Nam, thu hút sự tham gia của hơn 100 chuyên gia, giảng viên đến từ nhiều lĩnh vực, tỉnh thành đang công tác trong lĩnh vực không khí tại Việt Nam và quốc tế.
Hội thảo do Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng (Live & Learn), Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP) phối hợp với Trung tâm Đông Tây (EAST- WEST CENT) và sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức.
Thời gian gần đây chất lượng không khí đô thị đang là một vấn đề nóng, trong đó có vụ cháy ở Nhà máy cổ phần Bóng đèn, phích nước Rạng Đông (Hà Nội) gây ô nhiễm thủy ngân trong không khí, nước và đất; chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội trong một số ngày gây bụi PM2.5 rất cao... làm người dân Thủ đô lo lắng. Hội thảo diễn ra trong bối cảnh đó đã nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Hội thảo là cơ hội để giao lưu, trao đổi thông tin và học hỏi về các chủ đề liên quan, qua đó củng cố các mạng lưới chuyên gia và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực không khí, thúc đẩy khoa học công dân để theo dõi chất lượng không khí và cùng nhau đưa ra các giải pháp thành phố thông minh vì không khí sạch.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Dương, đại diện tổ chức USAID tại Việt Nam cho biết, ô nhiễm không khí đang là vấn đề nghiêm trọng tại các thành phố lớn và khu công nghiệp trên cả nước, ảnh hưởng đến mọi đối tượng trong xã hội. Dự án không khí sach, thành phố xanh do chương trình sáng kiến địa phương của USAID tài trợ trong hai năm qua, phù hợp với mục tiêu cùng chính phủ, người dân để giải quyết những thách thức về ô nhiễm không khí tại Việt Nam. “Thông qua Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng (Live & Learn) và các đối tác trong mạng lưới, chúng tôi hỗ trợ, phối hợp thúc đẩy khoa học công dân. Cuộc hội thảo hôm nay là tiếp bước những hành trình thách thức, chúng ta cần tin vào khoa học và lắng nghe những nhà khoa học", ông Dương nói.
Cũng tại hội thảo, TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam đã khẳng định, môi trường thông minh là một thành phần không thể thiếu của thành phố thông minh và để làm được điều đó cần giảm ô nhiễm không khí, giảm chất thải sinh hoạt, giảm tiêu thụ nước và tiêu thu năng lượng.
Để xây dựng “thành phố thông minh” tại Việt Nam thì còn thiếu và yếu (thiếu trạm, không bền vững) về dự báo chất lượng không khí, số lượng khí tượng khó tiếp cận, phải mua; không xác định chính xác nguyên nhân gây ô nhiễm; đồng thời mục tiêu giảm ô nhiễm cụ thể và kiểm kê nguồn phát thải vẫn chưa được đặt ra; thiếu chính sách rõ ràng với các nguồn ô nhiễm chính.
Nên muốn xây dựng "thành phố thông minh", Việt Nam cần chuẩn bị mục đích cuối cùng là phục vụ người dân có cuộc sống tốt hơn bằng việc hỗ trợ ra quyết định và cung cấp số liệu, hạ tầng công nghệ thông tin (hệ thống mạng và các cảm biến), các ứng dụng và khả năng phân tích dữ liệu để chuyển tải các dữ liệu thô thành các hành động, dự báo....
Hội thảo có ba chủ đề kỹ thuật: Sử dụng máy đo chất lượng không khí giá thành thấp cho quan trắc; Tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe; Mô hình hóa ô nhiễm không khí tại các thành phố.
Tại hội thảo các bài thuyết trình được các chuyên gia chia sẻ về vấn đề như: Giảm ô nhiễm không khí trong thành phố thông minh; quản lý chất lượng không khí khi tích hợp xu hướng, thách thức và cơ hội. Cùng với đó, các nhà khoa học đưa ra các chủ đề về kỹ thuật sử dụng máy đo chất lượng không khí giá thành thấp cho quan trắc, ứng dụng máy đo giá thành thấp vào nghiên cứu chất lượng không khí…
Hội thảo sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 28-9, với rất nhiều những chia sẻ của các chuyên gia về chủ đề kỹ thuật như mô hình hóa ô nhiễm không khí tại các thành phố, mạng lưới và kế hoạch tương lai.