Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 66 mỏ đất làm vật liệu san lấp được phê duyệt vào quy hoạch giai đoạn 2021-2030 với tổng diện tích 948,11 ha, tổng tài nguyên dự báo 50,715 triệu m3, trong đó đất do hộ gia đình quản lý chiếm khoảng 85%.

Ông TRẦN VĂN QUẢNG, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời phỏng vấn

- Thưa ông! Đề nghị ông cho biết về thực trạng quy hoạch, cấp phép mỏ đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị?

- Thưa ông! Đề nghị ông cho biết về thực trạng quy hoạch, cấp phép mỏ đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị?

- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 66 mỏ đất làm vật liệu san lấp được phê duyệt vào quy hoạch giai đoạn 2021-2030 với tổng diện tích 948,11 ha, tổng tài nguyên dự báo 50,715 triệu m3 , trong đó đất do hộ gia đình quản lý chiếm khoảng 85%.

Năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, tổ chức đấu giá 27 mỏ đất làm vật liệu san lấp, có 16 mỏ trúng đấu giá. Cho đến nay, có 10 mỏ (trong tổng số 16 mỏ) đất làm vật liệu san lấp trúng đấu giá (tài nguyên dự báo khoảng 11,845 triệu m3 ) nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò đến Sở Tài nguyên và Môi trường.

Ngày 31/5/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1118/QĐ-UBND cấp phép khai thác mỏ đất Hải Lệ 1 cho Công ty TNHH MTV Toàn Thịnh Quảng Trị với trữ lượng khai thác là 2,712 triệu m3.

Ngày 4/10/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2261/QĐ-UBND cấp phép khai thác mỏ đất Vĩnh Hà 3 cho Công ty TNHH MTV Quý Hoài với trữ lượng khai thác là 0,194 triệu m3 ; các mỏ đất Vĩnh Long (trữ lượng 1,937 triệu m3 ), Triệu Thượng (trữ lượng 4,467 triệu m3 ), Hải Lệ 4 (trữ lượng 3,412 triệu m3 ), Vĩnh Thủy 1 (trữ lượng 0,576 triệu m3 ), Vĩnh Sơn 6 (trữ lượng 0,385 triệu m3 ) chủ đầu tư đang chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ cấp phép khai thác; các mỏ đất Đông Lương (2,01 triệu m3 ), Km 6 Hùng Vương nối dài (5.228.298 m3 ) đã được UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng thăm dò khoáng sản, đang đề nghị cấp chủ trương đầu tư và đang phối hợp với các sở, địa phương để rà soát lại diện tích, kế hoạch sử dụng đất; làm thiết kế mỏ, hồ sơ đánh giá tác động môi trường và trồng rừng thay thế; mỏ đất Hải Lâm (trữ lượng khoảng 1,8 triệu m3 ) đang thực hiện thăm dò trữ lượng.

Hiện nay, nguồn đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh được huy động từ 3 nguồn. Trong đó, từ 6 mỏ đã cấp phép khoảng 6,31 triệu m3 đất, hiện nay đã khai thác khoảng 353.248 m3 ; tận thu từ quá trình nạo vét 27 lòng hồ thủy lợi khoảng 14,44 triệu m3 đất; đã nạo vét và tận thu gần 1,773 triệu m3 đất làm vật liệu san lấp, các đơn vị nạo vét lòng hồ đã và đang lưu giữ khoảng 289.000 m3 đất, có thể cung cấp ngay để làm vật liệu san lấp và từ nguồn đất dôi dư do cân đối đào đắp của 10 công trình, dự án khoảng 1,009 triệu m3.

Theo tính toán, tổng khối lượng đất từ 6 mỏ đã cấp phép, thu hồi từ nạo vét lòng hồ và nguồn cân đối đào đắp là khoảng 21,76 triệu m3. Công suất huy động trong 1 năm là khoảng 6,1 triệu m3 đất làm vật liệu san lấp (trong đó: 6 mỏ đã có giấy phép là 0,54 triệu m3, 4,76 triệu m3 từ nguồn nạo vét lòng hồ và còn lại là nguồn cân đối đào đắp).

Qua rà soát, tổng nhu cầu năm 2023 là khoảng 4,22 triệu m3, hiện chỉ có thể cung cấp ngay 0,83 triệu m3 đất làm vật liệu san lấp. Đầu năm 2024, khi có thêm các mỏ Hải Lệ 4, Vĩnh Sơn 6, Vĩnh Thủy 1, Vĩnh Long và Triệu Thượng được cấp phép, nếu không tính từ nguồn nạo vét lòng hồ và cân đối đào đắp thì nguồn đất có thể cung cấp ngay từ 11 mỏ được cấp phép là 1,371 triệu m3.

Quy hoạch hợp lý các mỏ đất, tạo nguồn đất làm vật liệu san lấp phục vụ các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh - Ảnh: H.N.K

Quy hoạch hợp lý các mỏ đất, tạo nguồn đất làm vật liệu san lấp phục vụ các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh - Ảnh: H.N.K

Đến thời điểm hiện tại, sở cũng đã tiếp nhận, xem xét, thẩm định, trình UBND tỉnh 2 hồ sơ đăng ký khai thác mỏ đất phục vụ thi công đường cao tốc đoạn Vạn Ninh-Cam Lộ cho đại diện các nhà thầu thi công. Cụ thể, đối với mỏ đất Linh Trường 3 có diện tích là 5,53 ha, trữ lượng đất được phép khai thác là 700.000m3, mỏ đất Vĩnh Sơn 5 có diện tích 3,52 ha, trữ lượng 270.000m3 đất.

- Được biết, công suất huy động đất làm vật liệu san lấp trong 1 năm là khoảng 6,1 triệu m3 đất và qua rà soát tổng nhu cầu năm 2023 là khoảng 4,22 triệu m3 nhưng hiện nay chỉ có thể cung cấp ngay 0,83 triệu m3 và dự tính trong năm 2024 là 1,371 triệu m3. Như vậy, ông có thể cho biết về những khó khăn, vướng mắc trong việc đảm bảo cung ứng đủ nguồn đất vật liệu san lấp?

- Hiện nay các quy định của pháp luật về khoáng sản vẫn còn nhiều điểm chồng chéo, nội dung có ở nhiều ngành khác nhau gây khó khăn trong quá trình triển khai công tác quản lý nhà nước; đặc biệt là vướng về quy định đất làm vật liệu xây dựng thông thường là “khoáng sản” nên phải thực hiện cấp phép theo Luật Khoáng sản.

Đơn cử như một số doanh nghiệp đấu giá trúng mỏ đất làm vật liệu san lấp (có trường hợp tăng 31 lần so với giá khởi điểm) nhưng không nộp hồ sơ đề nghị thăm dò, khai thác mỏ. Sau khi trúng đấu giá các mỏ đất, các chủ đầu tư phải thực hiện việc lập các hồ sơ, trình thẩm định, phê duyệt theo thủ tục hành chính về: thăm dò, phê duyệt trữ lượng, cấp chủ trương đầu tư, chuyển mục đích sử dụng và trồng rừng thay thế, đánh giá tác động môi trường, thẩm định thiết kế kỹ thuật và bản vẽ thi công, cấp phép khai thác, giao/ thuê đất thực hiện dự án với tổng thời gian khoảng hơn 15 tháng, liên quan đến nhiều sở, ngành, địa phương.

Trong đó, quan trọng nhất là sự chủ động, tích cực để lập, hoàn chỉnh các loại hồ sơ của chủ đầu tư. Mặt khác, cần có sự quan tâm, tích cực phối hợp rà soát, thẩm định các hồ sơ, thủ tục và hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng của các sở, ngành, địa phương. Ngoài việc phải hoàn thành các hồ sơ, thủ tục thì các chủ đầu tư đang gặp rất nhiều khó khăn khi phải nộp tiền trúng đấu giá mỏ trước khi được cấp giấy phép khai thác khoáng sản.

Thực tế hiện nay, trên diện tích quy hoạch các mỏ chủ yếu là đất sản xuất đã cấp cho người dân, trên đất đang có tài sản, cây cối, hoa màu. Trong khi đó theo Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành luật thì đối với dự án khai thác mỏ không thuộc đối tượng thu hồi đất mà việc bồi thường theo hình thức thỏa thuận (tài sản trên đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân) nên việc bồi thường, giải phóng mặt bằng sau khi trúng đấu giá gặp nhiều khó khăn.

Trong thời gian qua, các chủ đầu tư không thực sự tích cực trong việc phối hợp với các chủ mỏ vật liệu (hoặc các đơn vị có sản phẩm nạo vét tận dụng làm vật liệu san lấp) trong quá trình cung ứng vật liệu san lấp cho các công trình, dự án.

Sự cạnh tranh về giá là một trong những yếu tố quan trọng để các chủ đầu tư quyết định lựa chọn nguồn cung cấp vật liệu san lấp. Một số mỏ đất đến giai đoạn trình thẩm định tiền trúng đấu giá thì dừng lại do chủ đầu tư khó khăn về nguồn tài chính. Thêm một khó khăn, vướng mắc nữa là hộ gia đình, cá nhân chỉ được cấp phép thăm dò và khai thác đất làm vật liệu san lấp không quá 1 ha và không quá 3.000 m3 /năm.

- Để tháo gỡ khó khăn về nguồn đất vật liệu san lấp đáp ứng nhu cầu thi công của nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, đề nghị ông cho biết Sở Tài nguyên và Môi trường đã có những giải pháp cơ bản và trọng tâm nào?

- Để kịp thời đáp ứng nhu cầu đất làm vật liệu san lấp cho các dự án mà tỉnh đã, đang và sẽ triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, triển khai các dự án động lực, đầu tư công trung hạn đúng tiến độ, phù hợp với quy định của pháp luật thì việc đề xuất HĐND tỉnh, UBND tỉnh một số giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình cấp phép khai thác, sử dụng đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết. Các giải pháp đề xuất đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế-xã hội và lợi ích của Nhân dân, doanh nghiệp.

Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất UBND tỉnh, báo cáo Ban cán sự đảng UBND tỉnh để xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 giải pháp:

Một là, khoanh định khu vực không đấu giá mỏ đất san lấp phục vụ các dự án phát triển hạ tầng giao thông, công trình thủy lợi, thủy điện; khắc phục thiên tai; xây dựng nông thôn mới của tỉnh; phù hợp với quy định của Điều 22, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ; Điều 78, 82 của Luật Khoáng sản năm 2010.

Hai là, cho phép cải tạo mặt bằng đất ở, cải tạo đất nông nghiệp và tận dụng đất làm vật liệu san lấp; giải pháp phù hợp với quy định Điều 9, 166, 170 của Luật Đất đai năm 2013, Luật Khoáng sản năm 2010 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Để có được 2 giải pháp cơ bản này, chúng tôi đã tổ chức khảo sát, rà soát rất cẩn trọng về quỹ đất, thực trạng khai thác sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; tìm hiểu, phân tích một cách khoa học, hợp lý những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về cấp phép, khai thác sử dụng đất làm vật liệu san lấp.

Đặc biệt là vận dụng sát đúng với các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, Luật Đất đai năm 2013 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng 2 giải pháp này nếu được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua sẽ giải quyết cơ bản thực trạng khan hiếm đất làm vật liệu san lấp phục vụ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Trị như hiện nay.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hồ Nguyên Kha (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/giai-phap-thao-go-kho-khan-vuong-mac-ve-dat-lam-vat-lieu-san-lap-tren-dia-ban-tinh/182823.htm