Giải pháp thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững
Tại Hội thảo SEDBM 7, các nhà khoa học, chuyên gia đã tập trung thảo luận các lĩnh vực tiếp cận về quản trị, nhân lực, môi trường kinh doanh, đổi mới, khởi nghiệp; nhận định, đánh giá các chính sách, giải pháp, vấn đề kinh tế thế giới và khu vực liên quan đến lĩnh vực tài chính - kế toán… để đưa ra những giải pháp thúc đẩy kinh tế và kinh doanh phát triển nhanh và bền vững.
Ngày 6/9, tại Hà Nội, Học viện Tài chính phối hợp với Trường Đại học Greenwich (Vương Quốc Anh), Viện Kinh tế (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), tiếp tục tổ chức Hội thảo quốc tế lần thứ 7: “Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa” (SEDBM7). Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Việt Nam hoàn toàn có thể “cất cánh” thành công
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho rằng, hòa bình, hợp tác, liên kết để phát triển vẫn là xu thế lớn của thời đại nhưng đang phải đối mặt với những khó khăn và thách thức. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gia tăng toàn diện, kinh tế thế giới suy giảm, an ninh phi truyền thống và các vấn đề toàn cầu cấp bách ngày càng khó đối phó, khó kiểm soát, tác động sâu sắc tới toàn cầu.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều cho biết, hội thảo đã nhận được 130 bài viết của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Ban tổ chức hội thảo đã lựa chọn ra được 113 bài viết có chất lượng, đáp ứng được các yêu cầu của hội thảo để đăng kỷ yếu. Các bài viết được lựa chọn đăng trong kỷ yếu, đã thể hiện rõ các vấn đề đặt ra phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa, trong bối cảnh có nhiều khó khăn và thách thức cần vượt qua.
Hiện nay, nhiều quốc gia đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề kinh tế và mâu thuẫn xã hội. Chính sách thương mại phục vụ cho quản trị trong nước và nền kinh tế trong nước cũng tác động đáng kể đến việc lựa chọn chính sách kinh tế của các quốc gia.
Đồng thời, trong bối cảnh hiện nay, bảo đảm việc làm là ưu tiên hàng đầu của hầu hết các quốc gia trong thời gian tới. Có thể nói, những xu hướng phát triển trên thế giới đang diễn ra sẽ tác động không nhỏ đến các quốc gia và khu vực, tạo ra cơ hội để phát triển, nhưng cũng mang đến không ít khó khăn, đòi hỏi mỗi quốc gia lựa chọn phương thức ứng phó phù hợp trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi.
“Việt Nam đang bước vào giai đoạn quyết định “cất cánh” để trở thành nước công nghiệp. Với chiến lược phát triển sáng tạo, khả năng sử dụng hiệu quả các nguồn lực và nền tảng đối ngoại đã được phát triển trong gần 40 năm đổi mới, Việt Nam hoàn toàn có thể “cất cánh” thành công. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, ý chí tự cường, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, hoàn thiện thể chế và phát triển khoa học và công nghệ là “chìa khóa” của thành công” - PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều cho hay.
Hướng đến chất lượng cao hơn và bền vững hơn
Theo lãnh đạo Học viện Tài chính, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về "tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của nhân dân được nâng cao. Mục tiêu đó được triển khai trong bối cảnh quốc tế có nhiều mặt không thuận, đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam trong huy động các nguồn lực và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, tập trung cho mục tiêu phát triển.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn rất cao và mạng lưới liên kết kinh tế sâu rộng với hầu hết các nền kinh tế quan trọng trên thế giới…, nên cần có các giải pháp để tận dụng các cơ hội mang lại cũng như vượt qua các thách thức.
Theo ban tổ chức, qua tổng kết, đánh giá các bài nghiên cứu, Hội đồng chuyên môn của hội thảo đã chọn và trao giải cho 7 bài viết xuất sắc nhất.
Do vậy, Việt Nam cần phải nâng cao, hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thì mới thu hút được đầu tư. Cũng như các đột phá về chính sách, hạ tầng và nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh tế sẽ cần phải hướng đến chất lượng cao hơn và bền vững hơn, đáp ứng được các yêu cầu mới đặt ra.
Hội thảo đã được nghe 3 bài trình bày của các Keynote speakers: GS. Grantley Taylor - Trường kinh doanh Curtin (Úc); PGS. Maggie Xiaowen Gao - Đại học Greenwich và TS. Nga Nguyen - Đại học West Scotland (Vương quốc Anh). Cùng với đó, có 8 tham luận chia thành 2 phòng hội thảo chuyên đề; hơn 50 câu hỏi và các ý kiến phát biểu trao đổi trực tiếp, hàng trăm tương tác qua nền tảng trực tuyến của các nhà khoa học, học giả, chuyên gia trong nước và quốc tế.