Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở xã Triệu Sơn

Mặc dù triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015- 2020 trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quản lý điều hành của chính quyền, sự nỗ lực của người dân xã Triệu Sơn (Triệu Phong) nên kinh tế- xã hội của xã không ngừng phát triển. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 14,8%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 50 triệu đồng. Tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm còn dưới 4,5%, mức giảm bình quân hằng năm 1,5- 2%, không có hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công. Xã đã hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới.

 Đoàn thanh niên xã Triệu Sơn tích cực tham gia phòng, chống COVID-19. Ảnh: XTS

Đoàn thanh niên xã Triệu Sơn tích cực tham gia phòng, chống COVID-19. Ảnh: XTS

Để đạt được kết quả đó, Đảng bộ, chính quyền xã Triệu Sơn tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Xã tiến hành quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao; quy hoạch vùng lúa cao sản phục vụ sản xuất làng nghề bún Linh Chiểu, Thượng Trạch; quy hoạch sản xuất cây rau màu tại vùng sinh thái Linh Chiểu, Thượng Trạch và vùng Thượng Mua- Đồng Bào; quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, trồng sen ở các vùng đất ngập úng, sâu trũng, vùng sản xuất lúa kém hiệu quả. Bên cạnh đó, người dân tập trung khai thác thế mạnh vùng cát, cải tạo vườn tạp, đưa một số cây trồng hiệu quả vào sản xuất như sen, ném, rau quả các loại góp phần nâng cao giá trị sản xuất.

Trên lĩnh vực chăn nuôi, người dân tích cực chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang hình thức trang trại, gia trại, thâm canh bán công nghiệp. Đến nay, toàn xã có hơn 100 hộ áp dụng khoa học kỹ thuật phát triển mô hình nuôi gà, lợn sạch. Xã cũng đã hỗ trợ phát triển 1 trang trại chăn nuôi gà với quy mô 30.000 con/năm, 3 gia trại gà, vịt với quy mô 3.000-20.000 con/năm, 2 gia trại chăn nuôi lợn với quy mô 500- 600 con/năm. Việc phát triển các mô hình này đã mở ra hướng chăn nuôi mới cho hiệu quả kinh tế cao, giảm được tình trạng ô nhiễm môi trường. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được xã quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hiện toàn xã có 848,5 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên 49,8 ha, rừng trồng 798,7 ha cho hiệu quả kinh tế cao.

Cùng với phát triển nông nghiệp, xã Triệu Sơn đẩy mạnh phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), thương mại- dịch vụ. Trong 5 năm gần đây, toàn xã phát triển thêm 18 cơ sở sản xuất CN-TTCN, nâng tổng số toàn xã lên 118 cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho hơn 400 lao động. Bên cạnh phát triển các ngành nghề truyền thống như sản xuất bún, bánh, mộc, cơ khí, xã còn phát triển mạnh một số ngành nghề mới như may gia công, sản xuất tinh bột nghệ, bột ngũ cốc, dệt tất, đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Để tránh tình trạng ô nhiễm môi trường, xã chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng để di dời các hộ sản xuất bún vào sản xuất tập trung tại các điểm công nghiệp- làng nghề, trong đó tại Thượng Trạch bước đầu đã đi vào hoạt động ổn định, tại Linh Chiểu đã lập phương án di dời và cam kết đi vào hoạt động trong năm 2020. Tạo điều kiện hỗ trợ cho các cơ sở đăng ký nhãn hiệu sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ như “Tinh bột nghệ Trần Lan”, “Bún sạch Vạn Linh”. Riêng sản phẩm “Bún sạch Vạn Linh” được huyện chọn tham gia sản phẩm OCOP. Hiện xã đang tích cực phối hợp các cơ quan liên quan hoàn thành đăng ký nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm “Bún Thượng Trạch”, “Sen An Sơn”.

Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển thương mại- dịch vụ được chú trọng, nhất là khu vực chợ Cạn. Toàn xã hiện có 220 cơ sở thương mại, 104 cơ sở dịch vụ, 18 cơ sở vận tải, tạo việc làm cho gần 1.000 lao động. Kết cấu hạ tầng thương mại- dịch vụ, nhất là hệ thống chợ được quan tâm đầu tư đảm bảo việc mua bán cho người dân trong vùng. Cùng với đó, xã thường xuyên tạo điều kiện, hỗ trợ cho người dân có các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế địa phương tham gia hội chợ thương mại nhằm quảng bá, giới thiệu và tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển, cùng với việc phát huy nội lực trong Nhân dân, xã còn tích cực huy động có hiệu quả nguồn lực bên ngoài, coi trọng việc lồng ghép các chương trình, dự án để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Trong 5 năm gần đây, tổng kinh phí thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế trong xã đạt 25.987,61 triệu đồng, trong đó ngân sách trung ương 3.174.7 triệu đồng, ngân sách tỉnh 11.377 triệu đồng, ngân sách huyện 6.645,48 triệu đồng, vốn dự án 1.734 triệu đồng, Nhân dân đóng góp 3.056,43 triệu đồng. Nhờ đó, đến nay 100% đường xã và đường liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, 89% đường thôn, liên thôn được bê tông hóa, 89% đường ngõ xóm được bê tông hóa. Hệ thống thủy lợi được đầu tư nạo vét, từng bước kiên cố. Hệ thống điện đầu tư khá đồng bộ. Hệ thống trường học, trạm y tế được đầu tư theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất văn hóa được xây dựng, nâng cấp đưa vào sử dụng có hiệu quả.

Trên lĩnh vực văn hóa- xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được chăm lo, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt. Theo đó, trường học đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Hệ thống trường, lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện. Tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học và tốt nghiệp THCS sở đạt 100%. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học, THCS và giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi được duy trì vững chắc. Các đơn vị trường học sau sáp nhập đã đi vào hoạt động ổn định, duy trì và nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác xây dựng đời sống văn hóa được đẩy mạnh. Đến nay, có 100% cơ quan, khu dân cư được công nhận đơn vị văn hóa, 95,5% gia đình được công nhận gia đình văn hóa, 100% làng có nhà văn hóa và sân thể thao đạt chuẩn...

Nguyễn Vinh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=148797