Giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ
Thời gian gần đây, trước nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng Việt Nam đối với các sản phẩm an toàn, xanh, sạch và thân thiện với môi trường, nhiều tổ chức, cá nhân đã tham gia vào các hoạt động đầu tư, sản xuất, nuôi trồng chế biến, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nhưng vẫn chưa có những giải pháp cụ thể để đưa ngành nông nghiệp hữu cơ phát triển như kỳ vọng.
Chính vì vậy, sáng 20/9, các bên liên quan gồm cơ quan quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia tại hiệp hội và người tiêu dùng đã tham gia và đưa ra quan điểm, đóng góp giải pháp xây dựng nông nghiệp hữu cơ ngày càng phát triển tại Hội thảo "Tiêu chuẩn hóa thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững" do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức.
Nông nghiệp hữu cơ chỉ chiếm 0,28% diện tích sản xuất nông nghiệp
Theo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, diện tích nông nghiệp hữu cơ nước ta phát triển nhanh trong khoảng 5 năm trở lại đây. Hiện Việt Nam có khoảng 76.666 ha nông nghiệp hữu cơ, đứng thứ 7 châu Á và thứ 3 ASEAN. Tuy nhiên, xét trên tổng diện tích đất nông nghiệp là 26,8 triệu ha, diện tích thực hiện nông nghiệp hữu cơ còn khá khiêm tốn (chiếm khoảng 0,28%).
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực trồng trọt với sản phẩm được xuất khẩu đi thị trường Mỹ và châu Âu, tập trung vào sản phẩm như chè, gia vị và tinh dầu.
Phát biểu tại Hội thảo, TSKH. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, để các tổ chức, cá nhân tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ và sử dụng sản phẩm hữu cơ thì người sản xuất cần định hướng rõ thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ của gia đình, trang trại. Bởi lẽ, mỗi thị trường đều có các yêu cầu về tiêu chuẩn hữu cơ riêng và để đáp ứng các yêu cầu đó cần phải đảm bảo tìm hiểu thị trường, tiêu chuẩn và các quy định an toàn thực phẩm theo luật.
Các hoạt động sản xuất, chế biến theo phương pháp hữu cơ còn khá manh mún, tự phát thiếu định hướng, thiếu kiểm soát. Điều này dẫn tới việc người tiêu dùng và nhà sản xuất, chế biến, nhập khẩu, phân phối, kinh doanh đang phải dựa hoàn toàn vào sự tin cậy đến từ các sản phẩm nhập khẩu được chứng nhận bởi các tổ chức nước ngoài với chi phí rất đắt đỏ, dẫn tới đội giá thành sản phẩm và gây khó khăn cho đại đa số người tiêu dùng phổ thông có thể tiếp cận được lợi ích từ các sản phẩm này.
Ths.Vũ Hoàng Minh – Chuyên gia đánh giá thị trường, Trung tâm chứng nhận phù hợp Quacert, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, thời gian qua, thị trường thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam còn rất mới và có nhiều rào cản dẫn tới việc thực phẩm được chứng nhận hữu cơ đang là mặt hàng xa xỉ chỉ dành cho những đối tượng khách hàng có thu nhập cao.
Tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Nam Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, trong năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các chuyên gia, hiệp hội cũng như nhiều đơn vị đã phối hợp xây dựng bộ tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ. Đây là bộ tiêu chuẩn thể hiện nỗ lực lớn của cơ quan quản lý nhà nước đối với việc thúc đẩy sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ phát triển, góp phần quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
“Ban hành tiêu chuẩn này là một trong những nỗ lực của cơ quan quản lý. Tiêu chuẩn được xây dựng theo định hướng tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế nhưng có sự điều chỉnh phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của Việt Nam. Điều này thực sự giúp các cơ sở sản xuất tiếp cận thị trường có hiệu quả”, ông Hải cho biết.
Các tiêu chuẩn này khi được phổ biến và đưa vào triển khai rộng rãi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung và hoạt động sản xuất hữu cơ nói riêng, hỗ trợ cho việc triển khai thực hiện các nghị định về nông nghiệp hữu cơ của Chính phủ. Đồng thời, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trong nước và xuất khẩu, phù hợp với mục tiêu của Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.
Chính vì vậy, việc công bố các Tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ có hệ thống, đưa ra các mô hình chứng nhận, thừa nhận lẫn nhau trong lĩnh vực chứng nhận, phù hợp đối với các sản phẩm hữu cơ ở trong và ngoài nước để từ đó xây dựng được một bộ tài liệu hướng dẫn áp dụng và quy trình chứng nhận sản phẩm hữu cơ phù hợp với Tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ là cần thiết. Điều này đặc biệt hữu ích cho các doanh nghiệp, hộ nông dân, người tiêu dùng và các tổ chức chứng nhận sự phù hợp ở trong nước để họ có cơ sở triển khai, áp dụng một cách nhất quán, minh bạch và công khai. Qua đó, gia tăng sự tin cậy lẫn nhau thông qua các cơ chế tuân thủ việc áp dụng các yêu cầu tiêu chuẩn và được chứng nhận bởi các tổ chức độc lập.
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức xây dựng bộ Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về nông nghiệp hữu cơ và trình Bộ Khoa học và Công nghệ công bố vào cuối năm 2017 với số hiệu TCVN 11041:2017. Nhóm các tiêu chuẩn đầu tiên trong bộ tiêu chuẩn này bao gồm Phần 1, 2, 3 của tiêu chuẩn TCVN 11041 đề cập một cách toàn diện tới quá trình sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các hướng dẫn cụ thể về nội dung này trong hoạt động trồng trọt và chăn nuôi và tiêu chuẩn TCVN 12134 đưa ra các yêu cầu đối với tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ.