Giải pháp thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông
Năm 2014, bám sát Nghị quyết số 29 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI về 'Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế', Chính phủ xây dựng Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông và được Quốc hội khóa XIII ban hành Nghị quyết số 88 để thực hiện.
Mục tiêu đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả GD phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền GD nặng về truyền thụ kiến thức sang nền GD phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mĩ và phát huy tốt nhất tiềm năng của học sinh. Yêu cầu đổi mới kế thừa và phát triển ưu điểm của chương trình, SGK giáo dục phổ thông hiện hành, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam và phù hợp với xu thế quốc tế, đồng thời đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức GD, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng GD theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; khắc phục tình trạng quá tải; tăng cường thực hành gắn với thực tiễn của cuộc sống. Việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông được tiến hành đồng bộ, công khai, minh bạch, tiếp thu rộng rãi ý kiến của nhân dân, nhà khoa học, nhà giáo và người học.
Nội dung đổi mới tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nâng cao chất lượng GD toàn diện, chú trọng GD lí tưởng, truyền thống văn hóa, lịch sử, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn…
Sau khi có nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chỉ thị, quyết định, trong đó có Chỉ thị số 16 ngày 18/6/2018 về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông; Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 32 ngày 26/12/2018 ban hành Chương trình GD phổ thông và nhiều văn bản của hướng dẫn, quy định về vấn đề này. Theo Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT, chương trình GD phổ thông được thực hiện theo lộ trình từ năm học 2020- 2021 đối với lớp 1, từ năm học 2021- 2022 đối với lớp 2 và lớp 6, từ năm học 2022- 2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10, từ năm học 2023- 2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11, từ 2024- 2025 đối với lớp 5, lớp 9, lớp 12.
Để thực hiện việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông đạt kết quả cao, ngày 10/6/2019 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị ban hành Chỉ thị số 25 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trịxã hội, sở, ban, ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vị trí, tầm quan trọng của việc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, trọng tâm là đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Chỉ thị số 25 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành triển khai nhiều giải pháp để thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Hương cho biết: Việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông lần này được đổi mới một cách căn bản, toàn diện giúp người học phát triển cả về phẩm chất và năng lực. Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới trên địa bàn tỉnh sẽ gặp khó khăn như đội ngũ giáo viên còn thiếu, cơ sở vật chất trường lớp, nhất là các địa phương miền núi chưa đảm bảo, sĩ số học sinh trên lớp học còn cao, nhận thức của giáo viên, phụ huynh và học sinh bước đầu sẽ còn nhiều bỡ ngỡ nên rất cần được tỉnh bố trí giáo viên cũng như kinh phí để ngành GD&ĐT thực hiện.
Về vấn đề biên chế giáo viên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bùi Thị Hồng Phương cho biết: Sở GD&ĐT cần tiến hành rà soát việc sắp xếp lại trường lớp học, nhất là xem các trường đã đủ phòng để dạy 2 buổi/ngày chưa, sau đó chủ động làm việc với Sở Nội vụ để cùng với các huyện, thị xã, thành phố đưa ra phương án tháo gỡ. Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường CĐSP Quảng Trị Trương Đình Thăng khẳng định: “Chúng ta đừng quá lo lắng về triển khai đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông vì trình độ đội ngũ giáo viên có thể ban đầu khó thực hiện nhưng chỉ trong thời gian ngắn chắc chắn họ sẽ tiếp cận được nếu việc bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ này được quan tâm thực hiện tốt. Tuy vậy, hiện sĩ số lớp học còn cao, ngay cả các trường ở thành phố Đông Hà sĩ số 45- 48 học sinh/lớp thì dù có bộ SGK tốt, giảng dạy giỏi cũng sẽ khó thực hiện được việc đổi mới nên cần phải giảm tải sĩ số”.
Đối với việc biên soạn nội dung GD địa phương tỉnh Quảng Trị, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Huy cho rằng: Hội đồng biên soạn nội dung này của tỉnh cần dựa vào bộ Địa chí Quảng Trị để biên soạn lại thành bài học đưa vào giảng dạy. Địa chí Quảng Trị là một bộ sách quý, công trình khoa học quan trọng được biên soạn công phu hiện đang được hoàn thiện sắp xuất bản.
Làm rõ những thắc mắc trên, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông tỉnh Quảng Trị mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đề nghị các sở, ngành, địa phương trong tỉnh bám sát các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, thông tư của trung ương và của tỉnh, trong đó có Kế hoạch số 3595 ngày 8/8/2019 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình GD phổ thông, SGK mới đến năm 2025, Quyết định số 2931 ngày 28/10/2019 của UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông tỉnh Quảng Trị để tổ chức thực hiện. Các huyện, thị xã, thành phố thành lập ban chỉ đạo, chủ tịch hoặc phó chủ tịch địa phương đó làm trưởng ban, lãnh đạo phòng GD&ĐT làm phó trưởng ban để chỉ đạo thực hiện nội dung này. Sở GD&ĐT rà soát lại đội ngũ giáo viên hiện có trên cơ sở nhu cầu để có kế hoạch bồi dưỡng đảm bảo đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông theo lộ trình Bộ GD&ĐT đề ra. Trước mắt, công tác đào tạo, bồi dưỡng phối hợp với Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị để thực hiện. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh thành lập hội đồng lựa chọn SGK giáo dục phổ thông mới.
Các cơ quan truyền thông cũng như các cấp, ngành tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên và nhân dân mục đích, ý nghĩa về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Sở phối hợp với Công ty cổ phần Sách GD tại Đà Nẵng (đơn vị được Bộ GD&ĐT chỉ định giúp Quảng Trị) cùng với các ngành, địa phương xây dựng chương trình GD địa phương theo quy định của Bộ GD&ĐT. Đối với biên chế giáo viên, kinh phí, cơ sở vật chất trường lớp, Sở GD&ĐT làm việc với các sở: Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết theo quy định. Các ngành, địa phương chủ động phối hợp với Sở GD&ĐT cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để xử lí những vấn đề thuộc thẩm quyền, những vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo xử lí để thực hiện có hiệu quả chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=144493