Giải pháp tiết kiệm nước ở Gia Lộc
Nhờ áp dụng giải pháp tưới tiết kiệm, nông dân Gia Lộc đã góp phần bảo vệ nguồn nước tưới ngày càng khan hiếm và tiết kiệm chi phí sản xuất, công lao động.
Đa dạng các hình thức
Chỉ cần mở điện thoại, vào phần mềm cài đặt sẵn, dù ngồi ở đâu, ông Phạm Hữu Du ở thôn Trịnh Thanh Vân (xã Yết Kiêu) cũng tưới được nước cho cây trồng trong vườn. Ông Du bảo, nếu trời nắng nóng, cây cần nhiều nước thì để thời gian tưới từ 4-5 phút/lần, còn nhiệt độ bình thường chỉ để từ 1-2 phút/lần. Với hệ thống này, ông Du không chỉ kiểm soát được thời gian tưới, lượng nước tưới mà quan trọng là công sức phục vụ cho việc tưới cây gần như bằng không.
Hệ thống tưới nước này được ông Du học trong miền Nam, gọi là hệ thống tưới nước tiết kiệm hay tưới nhỏ giọt. Mỗi luống cây có một ống lớn dẫn nước, cách khoảng 40 cm, ông lắp một dây dẫn tưới nước nhỏ. Ở đầu dây có một kim cắm trực tiếp vào bầu đựng cây để nước nhỏ xuống. “Làm như vậy, nước chỉ tập trung trong bầu mà không bị tràn ra những chỗ khác. So với phương pháp tưới truyền thống thì tưới nhỏ giọt tiết kiệm được 90% nước. Nhờ đó, áp lực về nước tưới với trang trại của tôi cũng giảm đi đáng kể”, ông Du nói.
Ở Gia Lộc, mỗi mô hình người dân áp dụng một cách tưới khác nhau cho phù hợp. Chuyên trồng rau ăn lá nên Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ HD - Green (xã Toàn Thắng) áp dụng cách tưới phun mưa. Anh Mai Xuân Thịnh, Giám đốc công ty cho biết công ty có 1,5 ha rau áp dụng cách tưới phun mưa. Chỉ cần một ống nước cỡ lớn đặt dọc luống rau, cách khoảng 3 m lại có một ống được dựng thẳng lên và trên đầu lắp một van tưới. Đến giờ cài đặt, các ống nước sẽ tự tưới ra các phía, bảo đảm khu vực nào cũng được tưới. Các giọt nước nhỏ nên khá tiết kiệm, thời gian tưới cũng phụ thuộc vào nhiệt độ của thời tiết. Theo đánh giá của anh Thịnh, áp dụng mô hình tưới này, anh tiết kiệm được 1/2 lượng nước so với trước đây.
Nhiều người dân còn tận dụng các nguồn để có nước tưới. Theo ông Hoàng Anh Thư, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tân Minh Đức (xã Phạm Trấn), do rau của HTX trồng chủ yếu trong nhà màng, nhà lưới nên các thành viên của HTX còn làm hệ thống hứng nước mưa từ các mái nhà màng, nhà lưới này và chứa trong ao hoặc bể. Do đó, cũng tiết kiệm được đáng kể nguồn nước tưới lấy từ sông, hồ.
Ngoài 2 biện pháp trên được áp dụng cho rau màu, huyện Gia Lộc còn khuyến khích nông dân áp dụng tưới ướt, khô xen khẽ hay còn gọi là nông, lộ, phơi cho cây lúa. Đó là, tùy từng giai đoạn của lúa sẽ điều tiết nước tưới cho hợp lý. Khi cây lúa ở giai đoạn đẻ nhánh thì để nước ở mực nông, kết thúc đẻ nhánh cần phơi cho ruộng khô nhằm mục đích tránh cây đẻ nhánh lai rai. Khi bước vào giai đoạn cuối vụ hay lúa chín đỏ đuôi thì rút cạn nước để thuận tiện cho việc thu hoạch sau này… Biện pháp trên cũng tiết kiệm đáng kể nguồn nước tưới.
Nâng cao chất lượng cây trồng
Theo chị Tăng Thị Hạnh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc, địa phương có khoảng 60 ha nhà màng, nhà lưới và một số khu vực trồng rau, hoa, cây cảnh, người dân áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt hoặc phun mưa. Với cách tưới này, người dân có thể hòa lẫn một số loại phân bón vào nước, lượng phân bón khá đều nên cây hấp thụ dinh dưỡng cũng tốt hơn so với bón phân trực tiếp. Do tưới nước vừa phải nên đất không bị xói mòn, giảm được một số loại bệnh tật như thối rễ, cháy lá và không ảnh hưởng đến việc thụ phấn của cây trồng…
Áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm, chất lượng rau củ quả được nâng lên đáng kể. Theo anh Mai Xuân Thịnh, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ HD - Green, để dự trữ nguồn nước tưới, công ty có bể chứa rộng 3.000 m2. Ngoài tích trữ nước mưa thì còn lấy nước từ sông gần đó. "Chất lượng nước hiện nay khó kiểm soát khi người dân sử dụng xong vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón không để đúng nơi quy định mà vứt tràn lan ở ngoài đồng. Do đó, khi lấy nước từ sông, hồ vào chúng tôi phải áp dụng một số biện pháp để xử lý trước khi sử dụng nhằm bảo đảm chất lượng nông sản", anh Thịnh cho biết.
Với ông Phạm Hữu Du (xã Yết Kiêu), ngoài dùng nước mưa, ông còn lắp đặt hệ thống bơm để lấy nước ngầm. "Trang trại của tôi trồng nhiều loại rau quả ăn trực tiếp như cà chua, dưa chuột nên nguồn nước cần phải sạch thì mới bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, nguồn nước tưới luôn được tôi chú trọng, không dùng nước tưới chưa được kiểm soát", ông Du nói.
Ngoài áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm, huyện Gia Lộc khuyến khích nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng những cây cần ít nước tưới, tích cực nạo vét kênh, mương trữ nước...
Với những giải pháp cụ thể, tích cực, nông dân Gia Lộc đã chung tay góp phần hạn chế nguy cơ khan hiếm nước tưới.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/giai-phap-tiet-kiem-nuoc-o-gia-loc-371981.html