Giải pháp tổng thể chống tùy tiện tăng giá

Qua việc lực lượng chức năng mạnh tay xử lý hàng loạt cửa hàng, hiệu thuốc có hành vi tăng giá bán khẩu trang, nước rửa tay, trang thiết bị y tế phục vụ việc phòng, chống dịch Covid-19, chúng ta có thể rút ra được bài học kinh nghiệm, giải pháp để chống đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

 Ảnh minh họa. Nguồn: thanhnien.vn

Ảnh minh họa. Nguồn: thanhnien.vn

Khi tình hình dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế, nước rửa tay tăng cao thì tình trạng găm hàng, tăng giá bán các mặt hàng này xảy ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước khiến người dân không thể mua được, gây bức xúc trong xã hội. Sau khi dư luận phản ánh, tại phiên họp trực tuyến với các bộ, ngành và địa phương ngày 1-2, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 chỉ đạo: Từ giờ phút này trở đi, người dân có bằng chứng, hình ảnh bất kỳ cửa hiệu thuốc nào tăng giá bán khẩu trang, không cần thanh tra xuống làm việc, Bộ Y tế rút giấy phép ngay lập tức cửa hiệu đó. Đây là vấn đề kỷ cương và đạo đức.

Ngay sau chỉ đạo của Phó thủ tướng, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) các địa phương đã phối hợp cùng lực lượng công an, y tế vào cuộc xử lý nghiêm, rút giấy phép kinh doanh đối với nhiều nhà thuốc có hành vi tăng giá bán khẩu trang, găm hàng, không niêm yết giá… Chỉ trong ngày 1-2, tại Hà Nội, 16 cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế và hai cá nhân bị lực lượng chức năng xử lý về hành vi bán giá cao, “chặt chém” người dân mua khẩu trang y tế phòng dịch Covid-19. Ngày 11-2, ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và giấy chứng nhận thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc đối với 4 cửa hàng trên địa bàn tỉnh vì hành vi không niêm yết, bán giá cao đối với mặt hàng khẩu trang y tế…

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương cho biết: “Từ ngày 31-1 đến hết ngày 13-2, lực lượng QLTT trên cả nước đã giám sát, xử lý 4.210 vụ việc. Chỉ riêng trong ngày 13-2, qua kiểm tra 211 cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế, lực lượng QLTT đã xử phạt gần 50 triệu đồng đối với 47 cửa hàng có hành vi vi phạm pháp luật. Theo báo cáo của lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở kinh doanh cơ bản chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Tuy nhiên, do nguồn hàng cung cấp còn hạn chế dẫn đến tình trạng khan hiếm các loại hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch bệnh, nhất là mặt hàng khẩu trang y tế. Cục QLTT các tỉnh, thành phố đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xử lý theo quy định pháp luật để sớm đưa số khẩu trang đã tịch thu ra thị trường phục vụ nhu cầu người dân”.

Việc lực lượng chức năng mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm góp phần bình ổn thị trường, tạo niềm tin đối với người dân. Một điểm đáng chú ý nữa là từ phát biểu chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, người dân đã tự tin, chủ động, tích cực cung cấp bằng chứng về những hành vi vi phạm của các cửa hàng để lực lượng chức năng vào cuộc xử lý. Như tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, qua clip do người dân gửi về Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên-Huế với nội dung nhân viên Công ty TNHH Dược phẩm Hồng Lan có hành vi nâng giá bán khẩu trang, Đội QLTT số 2 (Cục QLTT tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã điều tra, xác minh và ngày 10-2, ra quyết định xử phạt hành chính 50 triệu đồng đối với công ty này về hành vi “Lợi dụng điều kiện bất thường định giá bán hàng hóa bất hợp lý”; yêu cầu công ty này nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi bất chính do định giá hàng hóa bất hợp lý. Tại tỉnh Nghệ An, qua thông tin người dân cung cấp, Cục QLTT tỉnh này đã xử phạt hành chính 8 cơ sở có hành vi tăng giá bán khẩu trang y tế trái quy định với số tiền 65,5 triệu đồng…

Qua đây cũng thấy rằng, ngoài việc một số người cố tình tìm cách trục lợi từ việc bán hàng thì ý thức, hiểu biết và tuân thủ pháp luật của nhiều người bán hàng rất hạn chế. Bên cạnh đó, việc thiếu kiến thức pháp luật của nhiều người dân dẫn đến tình trạng bị gian thương "bắt nạt".

Tình trạng tăng giá bán các mặt hàng bất hợp lý xảy ra từ nhiều năm nay, nhất là sau mỗi lần tăng lương, tăng giá xăng dầu, giá điện, hoặc khi thiên tai, dịch bệnh, nhưng chưa được xử lý triệt để. Qua đợt xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá bán khẩu trang y tế và các mặt hàng phòng, chống dịch Covid-19 lần này cho thấy: Để chống việc đầu cơ, tăng giá các mặt hàng khi nhu cầu sử dụng tăng cao, rất cần sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, cần tăng cường các kênh tiếp nhận, xử lý thông tin do người dân phản ánh nhằm tăng cường công tác giám sát, vì cơ quan chức năng không thể đủ lực lượng phục vụ hoạt động kiểm tra. Cùng với đó, các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân không vi phạm.

ĐỨC TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/giai-phap-tong-the-chong-tuy-tien-tang-gia-610043