Giải pháp trong công tác giáo dục, kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập lý luận chính trị của học sinh, sinh viên

Trong những năm qua, công tác giáo dục lý luận chính trị đã được triển khai sâu rộng trong Đảng và toàn hệ thống chính trị. Việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân đóng vai trò quan trọng làm cho chủ nghĩa Mác–Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương của Đảng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội; góp phần nâng cao nhận thức, tư duy, trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ đảng viên, giảng viên, giáo viên và học sinh, sinh viên (HSSV); đảm bảo cho thế hệ trẻ luôn trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, trung thành với chế độ xã hội chủ nghĩa.

Kết luận số 94-KL/TW, ngày 28/3/2014 của Ban bí thư TW Đảng ban hành về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân đã xác định việc đổi mới từ nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, xây dựng đội ngũ giảng viên, giáo viên trong quá trình học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân là nhiệm vụ có tầm quan trọng chiến lược. Kết luận 94-KL/TW có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác đào tạo, nâng cao hiểu biết, bản lĩnh chính trị cho thế hệ trẻ trước sự chống phá trước hết về mặt tư tưởng chính trị của các thế lực thù địch, là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng cho công tác giáo dục lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay cũng như tạo nền tảng vững chắc về nhận thức, tư duy lý luận cho thế hệ trẻ; là “vũ khí” để đấu tranh xóa bỏ những tư duy lạc hậu, những quan điểm sai trái, thù địch.

Trường Cao đẳng Lai Châu được thành lập tháng 11/2007 theo Quyết định 7067/QĐ-BGDĐT ngày 06/11/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/3/2008; ngày 10/7/2019 sáp nhập Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú, Trường Trung cấp Y tế vào Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu theo Quyết định số 982/QĐ-LĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tháng 02/02/2024 đổi tên thành Trường Cao đẳng Lai Châu theo Quyết định số 143/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Trường có chức năng tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp; đào tạo thường xuyên, bồi dưỡng ngắn hạn theo quy định của pháp luật; liên kết, hợp tác với tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật - công nghệ nâng cao hiệu quả đào tạo, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định. Trong những năm qua, Nhà trường đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh: đào tạo, bồi dưỡng, liên kết đào tạo các trình độ nhằm nâng cao nghiệp vụ, nâng chuẩn trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và HSSV.

Công tác giáo dục lý luận chính trị

Tại Trường Cao đẳng Lai Châu hiện nay, giáo dục lý luận chính trị là những môn học quan trọng giúp sinh viên hiểu biết sâu sắc hệ thống quan điểm lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin; Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân và trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng. Giúp sinh viên hiểu biết sâu sắc hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam,.... qua đó hình thành và phát triển khả năng tư duy sáng tạo, biện chứng, biết vận dụng thế giới quan và phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin; bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng và rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý chí phấn đấu vươn lên trong học tập và công tác; trau dồi tư tưởng, đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lòng yêu nước, nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị. Đây là tiền đề để Nhà trường có thể đào tạo ra những thế hệ trẻ có chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, góp phần phát triển toàn diện lao động thanh niên, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cũng như yêu cầu của cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay.

Giáo dục lý luận chính trị là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình đào tạo và trong các hoạt động đào tạo của nhà trường, tuy nhiên thực hiện khác nhau đối với chương trình đào tạo trình độ trung cấp và cao đẳng.

Đối với đào tạo trình độ Cao đẳng

Có 4 học phần xếp trong các môn học chung /tổng số 150 giờ (Những NLCB của CN Mác – Lênin (phần 1 – Triết học); Những NLCB của CN Mác – Lê nin (phần 2 – Kinh tế chính trị - CNXHKH); Đường lối Cách mạng của ĐCS Việt Nam; Tư tưởng Hồ Chí Minh). Trong đó có 144 tiết Lý thuyết; 06 tiết kiểm tra; không có tiết bài tập, thực hành. Đây là những học phần bắt buộc trong CTĐT, một trong những môn học tham gia thi tốt nghiệp.

Đối với đào tạo trình độ Trung cấp

Là môn học Giáo dục chính trị với thời lượng 30 tiết (Lý thuyết: 15 giờ; Thảo luận: 13 giờ; Kiểm tra: 02 giờ). Đây là môn học bắt buộc thuộc khối các môn học chung trong chương trình đào tạo trình độ Trung cấp. Chương trình môn học bao gồm 5 bài, trong đó khái quát về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam; chú trọng về đạo đức công dân, đạo đức nghề nghiệp; góp phần giáo dục người lao động phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Trong công tác giảng dạy các môn lý luận chính trị, giảng viên đã phát huy tính ưu điểm những phương pháp dạy học truyền thống, kết hợp với việc sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học tích cực như: Phân tích trường hợp điển hình, giải quyết vấn đề và các kỹ thuật dạy học tích cực như động não, bản đồ tư duy, mảnh ghép… để phát triển năng lực người học. Giảng viên đã coi trọng sử dụng những phương pháp dạy học mang tính đặc thù của bộ môn như: Dạy học bằng xử lý tình huống thực tiễn có tính thời sự hằng ngày; nêu những tấm gương tiêu biểu về đạo đức, pháp luật; dạy học tích hợp theo chủ đề; khai thác triệt để thiết bị dạy học hiện có, tăng cường sử dụng thiết bị dạy học hiện đại, ngữ liệu số để phát huy tính tích cực, năng lực tự học, chủ động, sáng tạo của HSSV. Kết hợp giữa việc dạy học trên lớp với các hoạt động ngoại khóa để tuyên truyền, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Hằng năm, Trường ban hành kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn chính trị cho đội ngũ viên chức, nhân viên và thực hiện sinh hoạt chính trị đầu năm, đầu khóa cho HSSV đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả. Thường xuyên tổ chức các buổi dự giờ và kiểm tra tình hình giảng dạy và học tập bộ môn giáo dục chính trị của giảng viên và HSSV. Đội ngũ giảng viên đã tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, tích cực tiếp cận với các thiết bị, công cụ hỗ trợ hiện đại; kết hợp và sử dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy tích cực, bài giảng có sự liên hệ sát với thực tiễn ở địa phương và đảm bảo tính định hướng chính trị. Song song với việc giảng dạy chính khóa, nhà trường thường xuyên lồng ghép một số nội dung trong các môn học LLCT trong các hoạt động ngoại khóa, tuần sinh hoạt công dân đầu năm cho HSSV.

Công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập lý luận chính trị của HSSV

Nội dung và phương pháp đánh giá được quy định và xác định rõ trong đề cương chi tiết của học phần, môn học đảm bảo đúng quy định và mục tiêu của chương trình. Tính từ năm 2014 đến nay đã có trên 470 lượt cán bộ, viên chức, nhân viên tham gia các đợt học tập lý luận chính trị hàng năm và trên 2655 HSSV tham gia học tập môn học chính trị chính khóa. Tỷ lệ HSSV tốt nghiệp các môn lý luận chính trị đạt 100%. Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá được thực hiện theo hướng tăng cường kết hợp đánh giá định tính và định lượng, tức là kết hợp đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số. Đánh giá bằng nhận xét không thực hiện chung chung mà đánh giá sự tiến bộ về thái độ, hành vi, kết quả sản phẩm học tập của người học. Các hình thức kiểm tra, đánh giá rất đa dạng như: hỏi đáp, viết, thuyết trình, đánh giá bằng sản phẩm học tập. Đồng thời, thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, đánh giá HSSV. Thực hiện phương châm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị nói chung và hoạt động kiểm tra đánh giá nghiêm túc, đã góp phần tích cực nâng cao kết quả học tập môn học trong HSSV. Cụ thể, từ năm 2019 đến nay, với tổng số 1917 HSSV, điểm đánh giá xếp loại giỏi: 392 (đạt 20,4%); khá: 775 (đạt 40,4%); trung bình: 442 (đạt 23%); yếu: 272 đạt 14,2%; kém 36 (2%).

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục LLCT tại Trường Cao đẳng Lai Châu cũng còn những mặt hạn chế nhất định. Kết quả kiểm tra, đánh quá trình học tập của HSSV đối với các môn LLCT chưa đạt được kết quả như mong đợi, tỷ lệ đánh giá kết quả học tập từ TB, yếu, kém còn cao. Phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập dù đã có nhiều chuyển biến, nhưng nhìn chung vẫn thiên về phương pháp tự luận. Các loại câu hỏi đánh giá ở trình độ vận dụng và phát triển tư duy sáng tạo còn ít và chưa đạt tới yêu cầu mong đợi. Ngân hàng đề thi được xây dựng nhưng cũng dễ tạo ra cách học tủ, học vẹt, học đối phó, không phát huy được sự sáng tạo của HSSV.

Những hạn chế trên xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau như HSSV của nhà trường chủ yếu là người dân tộc thiểu số, trình độ tuyển sinh đầu vào thấp (trên 95% là học sinh có trình độ tốt nghiệp THCS), nên việc nhận thức, tiếp thu về các môn lý luận chính trị của một bộ phận không nhỏ HSSV còn thụ động, năng lực tự học, chủ động, sáng tạo của người học còn hạn chế. HSSV không coi trọng các môn lý luận chính trị, quan điểm coi các môn lý luận chính trị chỉ là môn điều kiện, môn cơ bản nên “học cho qua, học để đối phó” chứ không vì nhu cầu bồi dưỡng tri thức đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng kiểm tra, đánh giá các môn lý luận chính trị. Mặt khác, các môn học LLCT cũng là môn họ có tính trừu tượng cao, hàn lâm, khô khan, khó tiếp thu. Chương trình đào tạo các môn học lý luận chính trị trình độ trung cấp, cao đẳng phải tuân theo khung chương trình do Bộ chủ quản quy định nên khó lồng ghép các nội dung: lịch sử Đảng bộ địa phương, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, ... trong quá trình soạn giảng và kiểm tra, thi hết môn. Chương trình các môn lý luận chính trị đã trải qua rất nhiều lần đổi mới nhưng hiệu quả không cao, không thiết thực, việc thay đổi kết cấu nội dung, chương trình các môn lý luận chính trị, cùng với sự giảm số tiết học đã gây khó khăn cho khoa, bộ môn trong việc bố trí giảng viên giảng dạy sao cho đúng chuyên ngành được đào tạo và bảo đảm chất lượng đào tạo. Nội dung của môn học chưa thực sự gắn liền với thực tiễn, của nền kinh tế thị trường và của chính nghề nghiệp mà HSSV đang theo học. Điều này dẫn đến tình trạng HSSV ngại học, thậm chí là không thích học.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục, kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập lý luận chính trị của HSSV

Thứ nhất, cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết “về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, Kết luận 209-KL/TU về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề. Mở rộng ngành nghề đào tạo theo nhu cầu của xã hội; đào tạo kỹ năng, ngôn ngữ, năng lực thực hành, gắn việc đào tạo nghề với nhu cầu của các doanh nghiệp, thị trường lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp; Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, các chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực đối với bậc học giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục chủ động phối hợp, liên kết với các học viện, các trường đại học, các địa phương trong đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đối với những ngành, lĩnh vực còn thiếu; bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm; xây dựng đội ngũ nhà giáo giỏi trên các ngành, lĩnh vực; Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng nguồn cán bộ DTTS (Nghị quyết số 06-NQ/TU, 2021). Xây dựng chiến lược phát triển nhà trường phù hợp với kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển GDNN do tỉnh ban hành.

Thứ ba, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị đảm bảo về năng lực, tâm huyết, yêu nghề, tuyệt đối trung thành, có niềm tin, vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với giảng viên nói chung và giảng viên giảng dạy môn lý luận chính trị nói riêng. Chú trọng công tác quản lý hoạt động dạy và học, trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, thông tin thực tiễn sát với lý luận. Xây dựng điển hình giảng dạy lý luận chính trị; phát hiện, nhân rộng điển hình mới, tạo sức lan tỏa trong đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị của toàn trường. Thường xuyên đầu tư về tài liệu, trang thiết bị dạy và học để đội ngũ giảng viên, giáo viên có thể vận dụng những phương pháp dạy học mới, tích cực vào trong công tác giảng dạy theo hướng hiện đại, phù hợp với tình hình mới.

Tạo điều kiện cho giảng viên lý luận chính trị tham gia nhiều hơn các khóa tập huấn, bồi dưỡng các môn lý luận chính trị, tham dự các hội thảo khoa học để nghiên cứu, trao đổi chuyên môn, phương pháp dạy học các môn lý luận chính trị…; Đề xuất phối hợp với các sở, ban, ngành tạo điều kiện tốt nhất để giảng viên lý luận chính trị tham gia nghiên cứu thực tế tại các địa phương trong và ngoài tỉnh với những chủ đề cụ thể liên quan đến nội dung các môn lý luận chính trị.

Thứ tư, tổ chức xây dựng chương trình đào, giảng dạy và học tập các môn học lý luận chính trị theo đúng quy định trong chương trình môn học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; trong đó chủ động bổ sung, cập nhật nội dung kiến thức về các quan điểm mới của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào bài giảng cho phù hợp nhằm góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước và tăng sự trải nghiệm thực tiễn cho HSSV.

Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp dạy học các môn lý luận chính trị theo hướng lấy người học làm trung tâm; kết hợp hài hòa giữa phương pháp truyền thống và hiện đại. Phương pháp giảng dạy và học tập phải sinh động, gắn với thực tiễn, không máy móc, khô cứng. Giảng viên cần phát huy tính tích cực của quá trình nhận thức; cần cụ thể hóa và sử dụng linh hoạt các phương pháp vào quá trình giảng dạy. Các phương pháp này không chỉ đòi hỏi người dạy phải truyền đạt tri thức cho người học mà còn phải giúp người học biết cách sáng tạo, tự nhận thức và tìm ra tri thức mới. Thay vì là người cung cấp thông tin, lý luận đơn thuần, giảng viên, giáo viên lý luận chính trị còn phải là người vận dụng các công nghệ hiện đại trong giảng dạy, hướng dẫn học trò cách chủ động nghiên cứu, sưu tầm, xử lý tài liệu, vận dụng những quan điểm của chủ nghĩa duy vậy biện chứng vào những vấn đề của thời đại, để học thuyết chính trị luôn mang hơi thở của cuộc sống, tạo hứng thú cho người học. Bên cạnh đó, giảng dạy các môn lý luận chính trị, giảng viên cần tích hợp giáo dục đạo đức, kỹ năng mềm cho HSSV, lồng ghép các nội dung định hướng phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa con người Việt Nam với các định hướng phát triển của tỉnh, của địa phương nơi các em sinh sống để thấy được những tiềm năng, thế mạnh về kinh tế, văn hóa, con người; góp phần nâng cao niềm tự hào và trách nhiệm xây dựng với quê hương, đất nước.

Thứ năm, tiếp tục đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập lý luận chính trị, chất lượng đào tạo theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực HSSV theo định hướng chuyển từ chủ yếu đánh giá kiến thức, kỹ năng sang đánh giá năng lực của người học, vận dụng, giải quyết những vấn đề của thực tiễn. Rà soát, xây dựng, bổ sung ngân hàng đề thi. Tăng cường sử dụng những câu hỏi mở, câu hỏi có liên hệ trong các đề kiểm tra để HSSV có thể bày tỏ quan điểm cá nhân và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những tình huống thực tiễn. Đánh giá kết quả học tập của HSSV phải theo hướng công bằng, công khai, minh bạch để tạo môi trường bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh trong học tập, khích lệ tinh thần phấn đấu của HSSV.

Nâng cao chất lượng giáo dục, kiểm tra, đánh giá các môn lý luận chính trị vừa là nhiệm vụ cần thiết nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, vừa đáp ứng yêu cầu “về tiếp tục đổi mới việc học tập LLCT trong hệ thống giáo dục quốc dân”. Để làm được điều đó, Trường Cao đẳng Lai Châu cần phải thực hiện toàn diện nhiều giải pháp từ phát huy vai trò của người dạy, người học đến kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập của HSSV. Trong đó xây dựng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị bảo đảm về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức là vấn đề trọng tâm, cơ bản. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi các lực lượng thù địch vẫn đang tăng cường các hoạt động chống phá, đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” thì việc nâng cao vai trò của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị nói riêng và nâng cao chất lượng dạy và học, đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá các môn lý luận chính trị nói chung càng có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

B.T

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/gi%E1%BA%A3i-ph%C3%A1p-trong-c%C3%B4ng-t%C3%A1c-gi%C3%A1o-d%E1%BB%A5c-ki%E1%BB%83m-tra-%C4%91%C3%A1nh-gi%C3%A1-ch%E1%BA%A5t-l%C6%B0%E1%BB%A3ng-h%E1%BB%8Dc-t%E1%BA%ADp-l%C3%BD-lu%E1%BA%ADn-ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B-c%