Giải pháp trồng dâu, nuôi tằm năng suất cao ở Đam B'ri
Ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã xác định quy trình kỹ thuật nuôi tằm giống mới đạt năng suất và chất lượng cao ở xã Đam B'ri, thành phố Bảo Lộc. Qua đó, khuyến cáo nông dân áp dụng các giải pháp canh tác phù hợp, phòng trừ kịp thời các loại bệnh hại phát sinh trên cây dâu, con tằm.
Thông qua Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, phóng viên được kết nối với chị Lê Thị Thơ, một nông dân trồng dâu nuôi tằm tiêu biểu ở xã Đam B'ri, thành phố Bảo Lộc. Theo đó, từ 5 năm trước, gia đình chị Thơ đã đầu tư thâm canh trên diện tích 1 ha trồng dâu cao sản để nuôi tằm. Bằng các biện pháp làm đất tơi xốp, tưới nước, bón phân cân đối, khoảng 6 tháng kể từ ngày xuống giống trồng, cây dâu bước vào thu hoạch năng suất trung bình mỗi tháng 3 tấn lá/ha, nuôi được 6 hộp tằm. Nuôi tằm theo quy trình kỹ thuật mới trên nong đạt sản lượng khoảng 50 kg kén/hộp/tháng. Đáng kể những năm sau đó khi giá kén tằm đạt ở mức khá cao (có thời điểm đến 20.000 đồng/kg), gia đình chị Thơ đã thường xuyên mua thêm khối lượng lớn lá dâu thu hoạch từ các gia đình trong và ngoài vùng Đam B'ri, Bảo Lộc, nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô nuôi tằm trên nong từ 300- 400 hộp/tháng. Mỗi lứa tằm nuôi lấy kén của gia đình chị Thơ kéo dài khoảng 20 ngày. Nuôi theo hình thức gối đầu thu hoạch kén từ 2-3 lứa mỗi tháng. Bên cạnh 2 lao động chính trong gia đình, những ngày tằm ăn rỗi, chị Thơ phải thuê thêm nhiều lao động thời vụ bên ngoài.
Ngoài ra, với vốn kiến thức và thực tiễn tích lũy qua nhiều nguồn khác nhau, gia đình chị Thơ còn nuôi tằm con mỗi tháng cung cấp theo nhu cầu nông dân quanh vùng khoảng 300 hộp.
Nếu so sánh với các biện pháp trồng dâu nuôi tằm lấy kén, nuôi tằm con thông thường thì năng suất đạt được của gia đình chị Thơ hàng tháng cao hơn với tỷ lệ từ 15-20%.
Theo chị Thơ, để đạt kết quả trồng dâu, nuôi tằm như vậy, trước hết phải tuân thủ kỹ thuật trồng và chăm sóc vườn dâu theo đúng hướng dẫn của ngành nông nghiệp Lâm Đồng. Cụ thể, cần tiến hành cày đất tơi xốp, bón phân vô cơ và hữu cơ với liều lượng thích hợp trên từng luống cây dâu, mật độ trồng cây cách cây, hàng cách hàng 1-1,2 m, thường xuyên làm sạch cỏ trong vườn. Việc phòng trừ các loại bệnh hại trong vườn dâu phải chọn và sử dụng đúng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục, đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch… Tiếp theo, ở khu vực nuôi tằm có thể xây dựng nhà bằng gạch, bằng tôn, bằng ván ép... tùy theo điều kiện của từng gia đình, nhưng phải tránh mưa, tránh ánh nắng trực tiếp. Đồng thời, bố trí nhiều cửa sổ thông thoáng, làm trần nhà bằng tôn lạnh; trên mái nhà che phủ bằng tán cây, lớp cỏ hoặc lắp đặt hệ thống tưới nước, nhằm đảm bảo nhiệt độ nuôi tằm phù hợp hàng ngày. “Quan trọng nhất là việc chọn giống tằm nuôi phải thực sự đảm bảo chất lượng. Trên thực tế phần lớn bà con nông dân mua giống từ nhà nuôi tằm con tập trung ở địa phương. Bởi vậy, về phía nhà nuôi tằm con cần phải chọn nguồn trứng tằm cung cấp tại những cơ sở uy tín, không xuất trứng vét kho (quá lạnh), hạn chế trứng tươi…”, chị Thơ chia sẻ kinh nghiệm với người nuôi tằm và người cung cấp giống tằm con.
Đặc biệt, trong quy trình nuôi tằm lấy kén đạt năng suất cao, chị Thơ đúc kết 6 nhóm giải pháp kỹ thuật trọng tâm. Thứ nhất, vệ sinh nhà cửa và sát trùng các dụng cụ nuôi tằm bằng ánh nắng mặt trời, nước vôi trong hoặc dung dịch clorin, formol... Thứ hai, không cho tằm ăn lá dâu ướt vì rất dễ phát sinh mầm bệnh. Thứ ba, thường xuyên thay lưới chứa phân tằm để giảm nhiệt và tránh nguồn bệnh lây lan. Thứ tư, phát hiện, loại bỏ kịp thời những con tằm có triệu chứng nhiễm bệnh bủng, bệnh vi khuẩn, bệnh nấm vôi… Thứ năm, bật quạt, mở cửa thông thoáng trong nhà nuôi tằm. Thứ sáu, phơi nắng hoặc sưởi kén trước khi gỡ. Kén gỡ xong nếu chưa chuyển ngay đến nhà ươm thì nên dàn trải từng lớp nhằm tránh tình trạng hư hỏng và dập vỡ con nhộng bên trong...
Thống kê của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho thấy, đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 15.000 hộ nông dân trồng dâu, nuôi tằm trên tổng diện tích gần 8.278 ha, sản lượng mỗi năm đạt 160.000 tấn lá dâu và khoảng 10.800 tấn kén. Nguồn giống tằm con được cung cấp từ 200 cơ sở nuôi tập trung trên địa bàn. Mô hình nuôi tằm con, trồng dâu, nuôi tằm lấy kén đạt năng suất cao của hộ gia đình chị Lê Thị Thơ ở xã Đam B'ri, Bảo Lộc nêu trên là một trong những mô hình kỹ thuật cần tiếp tục phổ biến, trao đổi và áp dụng phù hợp trên từng hộ nông dân trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn Lâm Đồng nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung.