Giải pháp xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025
Thời gian qua, bằng những giải pháp và cách làm cụ thể theo tinh thần Nghị quyết số 29 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tình hình thực tế của địa phương nên chất lượng giáo dục và đào tạo Quảng Trị không ngừng được nâng lên.
Đến nay, 100% trẻ đến trường được đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần, các chỉ số về phát triển của trẻ đạt ở mức cao, vùng khó đạt từ 85% trở lên, vùng thuận lợi đạt 95% trở lên; tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm và ở mức dưới 6%. Đối với giáo dục phổ thông, kết quả xếp loại học lực và hạnh kiểm của học sinh duy trì ổn định, chất lượng mũi nhọn ngày càng tăng. Tuy nhiên, tính đến ngày 31/12/2020, toàn tỉnh có 175/368 trường mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia, mới đạt tỉ lệ 47,6%, trong đó mầm non đạt 54,4%, tiểu học đạt 52,2%, THCS đạt 41,9%, TH&THCS đạt 41,3%, THPT đạt 37,5%.
Như vậy, theo Nghị quyết số 20 ngày 17/7/2015 của HĐND tỉnh Quảng Trị về Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong các chỉ tiêu về tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia thì chỉ có cấp THPT đạt và vượt chỉ tiêu.
Để đạt được mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trong thời gian tới, ngày 18/5/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 95 “Về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025” để ngành GD&ĐT Quảng Trị triển khai thực hiện. Theo đó, đến năm 2025, tổng số trường phấn đấu đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh là 267 trường, đạt tỉ lệ 72,6%, trong đó GD mầm non duy trì 80 trường đã đạt chuẩn, xây dựng mới 27 trường, đưa tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 107 trường, đạt tỉ lệ 72,8%, trong đó phấn đấu mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 1 trường đạt chuẩn mức độ 2.
Đối với GD phổ thông, duy trì 101 trường đã đạt chuẩn, xây dựng mới 59 trường, đưa tổng số trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia lên 160 trường, trong đó tiểu học duy trì 35 trường đã đạt chuẩn, xây dựng mới 19 trường, đưa tổng số trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia lên 54 trường, đạt tỉ lệ 80,6%, trong đó phấn đấu mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 1 trường đạt chuẩn mức độ 2. Bậc THCS duy trì 18 trường đã đạt chuẩn, xây dựng mới 17 trường, đưa tổng số trường THCS đạt chuẩn quốc gia lên 35 trường, đạt tỉ lệ 81,4%. Phổ thông nhiều cấp học: TH và THCS duy trì 33 trường đã đạt chuẩn, xây dựng mới 21 trường đạt chuẩn quốc gia; THCS và THPT xây dựng mới 2 trường đưa tổng số trường phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia lên 56 trường, đạt tỉ lệ 64,3%. Bậc THPT duy trì 9 trường đã đạt chuẩn, xây dựng mới 6 trường, đưa tổng số trường THPT đạt chuẩn quốc gia lên 15 trường, đạt tỉ lệ 62,5%.
Dựa vào sự đăng ký xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của các cơ sở GD công lập và Nghị quyết số 01 ngày 16/10/2020 của Đảng bộ tỉnh Quảng Trị khóa XVII cũng như thực trạng về GD&ĐT trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh giao chỉ tiêu cụ thể cho các huyện, thị xã, thành phố và ngành GD&ĐT xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tăng cường công tác lãnh đạo đối với các cơ quan, đoàn thể chính trị - xã hội triển khai thực hiện, qua đó huy động tốt nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với phong trào thi đua của các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị trường học.
Tuyên truyền rộng rãi đến cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân nhận thức đầy đủ về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, tạo sự đồng thuận trong thực hiện. Nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của cán bộ, giáo viên (GV), nhân viên, học sinh, các tổ chức, đoàn thể cơ sở GD và gia đình, cộng đồng trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển trường đạt chuẩn quốc gia.
Sở GD&ĐT và UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập ban chỉ đạo xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, theo đó phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng thành viên, đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá định kỳ, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm ở từng đơn vị. Tiến hành rà soát hiện trạng và đánh giá kết quả các tiêu chí theo các tiêu chuẩn do Bộ GD&ĐT ban hành về trường đạt chuẩn quốc gia đối với tất cả các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, đề xuất và tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia phù hợp với quy hoạch phát triển ngành GD&ĐT đến năm 2025 và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của địa phương đảm bảo theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng GV đáp ứng đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu theo yêu cầu của các cấp học, đảm bảo các quy định về chức danh nghề nghiệp và trình độ đào tạo. Rà soát, điều chuyển hợp lý đội ngũ GV hiện có trong phạm vi huyện, thị xã, thành phố để cân đối tỉ lệ GV giữa các trường; tuyển dụng bổ sung GV dạy các bộ môn còn thiếu cũng như bố trí đủ số nhân viên trường học, đặc biệt là nhân viên y tế.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ; chú trọng công tác GD chính trị tư tưởng, phẩm chất và đạo đức nhà giáo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ quản lý, GV, nhân viên. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả đổi mới đồng bộ phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh.
Tập trung thực hiện các giải pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ việc dạy học ngoại ngữ trong trường phổ thông. Đầu tư và tăng cường quản lý, sử dụng trang thiết bị dạy học. Phát huy hiệu quả của phòng học bộ môn, thư viện, thiết bị, phòng chức năng khác để hỗ trợ tích cực cho dạy học. Quy hoạch mạng lưới trường, lớp hợp lý ổn định lâu dài, phù hợp với tình hình biến động dân số và tốc độ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Trong đó chú trọng sắp xếp thu gọn các điểm trường, đảm bảo quy mô và diện tích đất cho các cơ sở GD theo quy định.
Đẩy mạnh công tác huy động tài chính, tăng cường cơ sở vật chất trường học; tăng cường phân bổ vốn đầu tư của tỉnh từ nguồn vốn cho các trường đăng ký đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 như nguồn vốn từ các dự án, nguồn chương trình mục tiêu quốc gia và dự toán thường xuyên hằng năm, nguồn ngân sách địa phương…