Giai phố...
Kinhtedothi- Ngày Nga lấy được Tùng (giai phố), làng tôi ai cũng mừng. 'Đúng là hạt mưa sa vào giếng ngọc', chỉ có đám trai làng là ngẩn ngơ;...
Nếu Tùng không phải là giai phố, chắc gì đã “chim” được Nga, bởi “chế độ cấm vận gái làng” của đám thanh niên xóm tôi thời đó ghê gớm lắm.
Số Tùng may không vì… qua sông mà không phải lụy đò, bởi xong cái trung học cơ sở, Nga ra phố phụ bán hàng với bà bác ruột, cửa hàng của bà chính là ngôi nhà bố mẹ Tùng cho thuê.
Về phần Tùng, là con một nên từ nhỏ y đã ham chơi hơn học, trầy trật mãi y mới có được tấm bằng trung học phổ thông. Đi bộ đội thì chưa hết nghĩa vụ, Tùng đã được bố mẹ “cẩu về”.
Từ môi trường quân đội, về với đời thường, Tùng như cá gặp nước, sau đó là cả một chuỗi ngày dài lê thê, ban đêm y làm bạn với quán bar, sàn nhảy, ngày ngủ vùi.
Thấy con sa đà quá độ, ông bà Thanh bàn nhau lấy vợ cho Tùng, với quan niệm “mình không quản được, thì để vợ nó quản”… Chả nói đến gái quê, ngay đám cô chiêu cùng phố, đứa nào chả mê Tùng, bởi cái mã bề ngoài của y rất ổn, cộng với cơ ngơi, của chìm của nổi của ông bà Thanh.
Nhưng là người sõi đời, mẹ Tùng không bao giờ ưa mấy cô suốt ngày chỉ biết ăn quà và chải chuốt. Bị mẹ giục lấy vợ, Tùng như đĩa phải vôi, bởi dù chưa có người yêu nhưng khoản gái hắn không thiếu. Nhưng do bị gây sức ép nhiều nên Tùng cũng dẫn dăm cô về để bà Thanh lựa, nhưng tất cả đều “trượt”. Thế rồi Nga “sa” vào đôi mắt bà Thanh.
Hôm ấy do bà bác bận việc nên cử Nga sang trả tiền thuê cửa hàng. Sự dịu dàng, xinh đẹp trẻ trung, cộng với cách ăn nói khéo léo của Nga đã “hạ gục” bà Thanh. Hai hôm sau lấy cớ đi sắm đồ, bà Thanh dẫn Tùng qua cửa hàng của Nga để con trai xem mặt. Thoạt trông thấy Nga, Tùng đã “mắt chữ O, mồm chữa A”, và y đã kết ngay cô gái quê mà mẹ mình vừa chấm.
Đám cưới của Tùng và Nga diễn ra sau đó không lâu… Thời gian đầu, Tùng ngày hai buổi đưa đón vợ đến cửa hàng, và Nga từ vai trò làm thuê cho bà bác, nay nghiễm nhiên trở thành bà chủ cửa hàng. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, mấy tháng sau ông bà Thanh lần lượt đổ bệnh. Sau 5 năm thuốc thang khắp trong và ngoài nước, bố mẹ Tùng lần lượt qua đời, và gia sản cũng “đi theo” ông bà quá nửa.
Vốn là người chịu khó, lại giỏi quán xuyến, Nga vẫn duy trì cuộc sống gia đình. Ngược lại với Nga, sau ngày bố mẹ mất, Tùng lại chứng nào tật ấy. Thói đua đòi ăn chơi lại trỗi dậy, của nả trong nhà lại ra đi còn nhanh hơn lúc ông bà Thanh ốm đau.
Thấy tình thế nguy cấp, chẳng thèm nửa câu bàn với Tùng, cô bán ngôi nhà mặt phố, dắt hai đứa con về quê tậu ruộng, làm nhà. Sau một thời gian “dạt vòm” cùng đám bạn, do hết chỗ dung thân, Tùng cũng phải bỏ phố về quê cùng vợ con.
Tuy vậy, những ngày đầu Tùng vẫn giữ thói cũ. Thấy chồng vẫn chưa tu tỉnh, Nga nhẹ nhàng khuyên bảo, nhưng Tùng vẫn chưa nghe. Cực chẳng đã cô xổ toẹt: Về quê rồi anh phải khác, không làm thì không có miếng đổ vào mồm đâu. Do thời thế thay đổi, anh chàng đành ngậm bồ hòn làm ngọt, bởi nếu đụng đến Nga thì đám anh em nhà cô không để yên.
Từ đó, người ta thấy anh Tùng “giai phố” cũng dậy sớm phụ vợ cày cuốc. “Phượng hoàng đậu chốn cheo leo/Đến khi thất thế phải theo đàn gà”, nhiều lúc Tùng than!
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giai-pho.html