Giải phóng mặt bằng đường Lê Quang Đạo - chuyện giờ mới kể

Giải phóng mặt bằng vẫn là một trong những khâu tốn nhiều thời gian, công sức, khiến các dự án đình trệ, kéo dài. Song với sự nhập cuộc của chính quyền, dự án được khơi thông, tạo đà phát triển giao thông, đô thị.

Người dân đồng thuận, dự án khơi thông

Xưa nay, trả lại đất trống đã khó, di dời mồ mả phục vụ dự án còn khó hơn. Thế nhưng, vượt qua những tiếng thì thào lớn nhỏ, ông Đỗ Quang Hiếu, trưởng họ Đỗ (tổ dân phố An Thái, phường Đại Mỗ), hội viên Hội Cựu chiến binh phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội đã tự nguyện di dời 32 ngôi mộ của dòng họ đang nằm tại khu nghĩa trang Ngọc Trục. Kết quả này góp phần hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cho Nhà nước triển khai tuyến đường Lê Quang Đạo kéo dài, nối từ ngã tư Đại lộ Thăng Long giao đường Lê Quang Đạo tới KĐT Dương Nội, Hà Đông. Nhờ thế, tuyến đường được thông xe đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô.

Lễ thông xe đường Lê Quang Đạo kéo dài. Ảnh: NH.

Lễ thông xe đường Lê Quang Đạo kéo dài. Ảnh: NH.

Chia sẻ với PV Báo Xây dựng, ông Hiếu cho biết những ngôi mộ này của họ Đỗ trước đó đã phải di dời một lần, nhường chỗ cho dự án bất động sản, rồi thêm một lần nữa phải di chuyển để mở rộng tuyến đường Lê Quang Đạo kéo dài. Ông Hiếu chia sẻ: "Đây là điều không ai muốn, nhưng là chủ trương của Nhà nước thì tôi và gia đình, dòng họ tuân theo".

Cùng với ông Hiếu, hàng chục gia đình với hơn 100 ngôi mộ tại nghĩa trang Ngọc Trục cũng được người dân phường Đại Mỗ di dời, tự nguyện trả lại đất và hưởng chính sách hỗ trợ theo đúng quy định của Nhà nước.

Người dân nơi đây chia sẻ, động lực lớn nhất với họ là sự quan tâm, sát sao, dám làm của người đứng đầu Đảng ủy, UBND phường Đại Mỗ. Ông Hiếu không ngại ngần bộc bạch, trước đây, chính sách hỗ trợ chưa rõ ràng khiến người dân hoang mang, nhất là khi họ phải di dời nơi yên nghỉ của tổ tiên, gốc rễ của dòng họ.

Từ khi ông Phạm Hải Hoạt về nhận nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy phường Đại Mỗ, ông cùng chính quyền địa phương sâu sát địa bàn, gần dân, thuyết phục người dân tự nguyện trả mặt bằng phục vụ dự án.

"Họ đến gặp, trao đổi minh bạch, cho xem giấy tờ đàng hoàng, không làm qua loa. Chính vì thế, chúng tôi mới yên tâm thực hiện. Cái gì đúng, rõ ràng thì dân sẽ hiểu và ủng hộ. Tôi là trưởng họ, quyết định di dời mồ mả khiến không ít anh em có phần không hài lòng. Nhưng tôi nghĩ mình làm đúng, tôi giữ vững ý chí kiên trung của người lính, đi đầu trong chấp hành chủ trương của Nhà nước, tròn trách nhiệm với dòng họ", ông Hiếu nói.

Khi bí thư phường nhập vai khách uống trà đá

Chia sẻ với PV, ông Phạm Hải Hoạt, Bí thư Đảng ủy phường Đại Mỗ không giấu niềm vui "khoe", dù về không lâu nhưng ông đã giải quyết được việc khó, tồn tại kéo dài, cân bằng được quyền lợi Nhà nước, người dân và nhà thầu.

Ông Phạm Hải Hoạt (sơ mi trắng) ngồi trao đổi với ông Đỗ Quang Hiếu (áo ba lỗ bên phải) và ông Đỗ Đình Bài (áo cộc tay bên trái).

Ông Phạm Hải Hoạt (sơ mi trắng) ngồi trao đổi với ông Đỗ Quang Hiếu (áo ba lỗ bên phải) và ông Đỗ Đình Bài (áo cộc tay bên trái).

Nhớ lại khi vừa nhận nhiệm vụ hơn 1 tháng, Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm Nguyễn Quang Hiếu đã đích thân chỉ đạo, giao nhiệm vụ và "deadline" hoàn thành trong khoảng 1 tháng. Dù cảm nhận áp lực rất lớn, nhưng ông vẫn nhận nhiệm vụ và quyết tâm thực hiện.

Với lợi thế mới về nhận công tác, ít người biết mặt, ông Hoạt đã "đóng vai" người dân, lê la quán xá để nghe ngóng. Hồi đó, cứ sau giờ làm việc, ông xuống cơ sở, nhà nào bán gì, ông vào vai khách hàng mua cái đó.

Như nhà ông Hiếu bán trà đá, ông vào uống trà đá. Ông đi từ câu chuyện vỉa hè, bẻ lái sang chuyện mở đường, làm đường, chia sẻ góc nhìn cá nhân về tác động của mở đường đến đời sống kinh tế, xã hội ở phường, gián tiếp tuyên truyền vận động. Vừa chuyện, ông vừa nghe ngóng nguyện vọng của người dân dưới góc nhìn cơ sở. Từ đó, ông mới hiểu nguyên nhân thời điểm đó nhiều người chưa đồng thuận là vì giá hỗ trợ quá thấp, nếu doanh nghiệp đền bù 50-80 triệu đồng/ngôi mộ, thì Nhà nước chỉ đền bù 15 triệu đồng/ngôi mộ. Quan trọng hơn là cần có người đứng đầu Đảng ủy, Ủy ban tham gia tổ tuyên truyền, dám quyết đáp. Thông tin tuyên truyền thiếu rõ ràng, minh bạch.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh mới đây yêu cầu các đơn vị cần ban hành chỉ thị tổ chức đợt thi đua đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án giao thông trọng điểm của thành phố nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Chủ tịch Trần Sỹ Thanh đề nghị, các sở, ngành, đơn vị, địa phương phải quyết tâm hơn nữa, thay đổi tư duy, nhận thức, cách nghĩ, cách làm, sớm hoàn thiện các dự án hạ tầng giao thông phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Nhiều quận, huyện trên địa bàn Thủ đô ra sức giải phóng mặt bằng, thúc đẩy quá trình đô thị hóa.

Rút kinh nghiệm cách làm, ông về thành lập các tổ vận động tuyên truyền, ông trực tiếp lãnh đạo, tiếp xúc bà con để vận động, giải thích, tường minh các giấy tờ, tài liệu, chính vì thế, nhận được sự đồng thuận và giải quyết vướng mắc nhanh chóng.

"Trước đây, phường Đại Mỗ cũng đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động nhưng thành phần trong tổ công tác hạn chế về tiếng nói, không quyết đáp được những yêu cầu, nhất là những đòi hỏi chính đáng của người dân. Sau này mình thành lập nhiều đoàn tuyên truyền, mình là người đứng đầu, Bí thư Đảng ủy phường trực tiếp là tổ trưởng, tổ chức những đợt cao điểm tuyên truyền để toàn thể nhân dân nhận ra vai trò, ý nghĩa của dự án cũng như quy định của Nhà nước. Sau hơn 1 tháng tuyên truyền, bà con di chuyển, tự nguyện trả mặt bằng", ông Hoạt kể.

Ông Đỗ Đình Bài, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh tổ dân phố An Thái (Đại Mỗ), cũng cho biết lãnh đạo phường tổ chức tuyên truyền, vận động bài bản, trong đó hội cựu chiến binh là lực lượng tiên phong phối hợp vận động.

Ông Bài thẳng thắn rằng, người dân đồng tình với chủ trương, chính sách nhưng yêu cầu phải minh bạch, hỗ trợ nhanh chóng. Trường hợp gia đình ông Đỗ Quang Hiếu là minh chứng điển hình. Trước đó, ông là người không đồng ý, nhưng khi đồng thuận, chỉ trong một buổi sáng, ông và dòng họ đã di dời hơn 30 ngôi mộ.

Câu chuyện giải phóng mặt bằng, khơi thông đường Lê Quang Đạo kéo dài là một lát cắt giữa công cuộc đô thị hóa. Song cũng lát cắt ấy, đã mang đến một bài học quan trọng: Để triển khai hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, cần phải có sự đồng hành, thấu cảm với người dân.

Đường Lê Quang Đạo - Đại lộ Thăng Long chạy xuyên qua địa bàn quận Nam Từ Liêm sau đó sang địa phận phường Dương Nội quận Hà Đông. Dự án tổng chiều dài khoảng 2,6km, diện tích sử dụng đất khoảng 11,86ha. Tiền để giải phóng mặt bằng 163 tỷ đồng, chi phí dành cho xây dựng khoảng hơn 400 tỷ đồng.

Quận Nam Từ Liêm cho biết năm 2024, thành phố đã phê duyệt 131 dự án, quận đưa 46 dự án vào Kế hoạch thực hiện công tác GPMB. Quận đã ban hành 124 quyết định thu hồi đất, trong đó có 2 tổ chức, 122 hộ gia đình; 182 quyết định phê duyệt phương án. Tổng số tiền bồi thường hỗ trợ là 38,61 tỷ đồng. Quận đã thực hiện vận động, tuyên truyền 6 hộ nhận tiền và bàn giao mặt bằng...

Nguyễn Hùng

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/giai-phong-mat-bang-duong-le-quang-dao-chuyen-gio-moi-ke-192250428144100353.htm