Giải phóng mặt bằng tốt sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Đó là nhận định của đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị chuyên đề về công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 do UBND tỉnh tổ chức ngày 27/3.
Đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tham dự hội nghị.
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2023, tổng vốn đầu tư công do tỉnh quản lý là hơn 5.805 tỉ đồng; trong đó, kế hoạch vốn giao trong năm hơn 4.672 tỉ đồng (đã phân bổ chi tiết 4.241 tỉ đồng, đạt 90,8%), kế hoạch vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 là hơn 1.132 tỉ đồng. Tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tính đến ngày 31/1/2024 trên 3.720 tỉ đồng (bao gồm cả giải ngân kế hoạch vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023), bằng 64,3% kế hoạch vốn trung ương giao và bằng 64,1% kế hoạch vốn tỉnh giao, thấp hơn bình quân chung cả nước.
Trong năm 2024, tổng nguồn vốn đầu tư công do tỉnh quản lý là hơn 4.067 tỉ đồng. Đến nay, đã phân bổ chi tiết trên 3.693 tỉ đồng (đạt tỉ lệ 90,8% so với tổng số vốn giao). Tính đến ngày 15/3, giá trị giải ngân là hơn 243 tỉ đồng, bằng 6% kế hoạch vốn trung ương giao và bằng 6% kế hoạch vốn tỉnh giao.
Về công tác giải phóng mặt bằng, từ ngày 1/1/2022-31/12/2023, toàn tỉnh triển khai thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện 231 công trình, dự án. Toàn tỉnh đã thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 127/231 công trình, dự án với diện tích đất thu hồi là 8.083.221m2. Tổng số đối tượng bị ảnh hưởng là 8.612 đối tượng. Tổng số tiền bồi thường là 1.000 tỉ đồng, đã chi trả cho 8.290/8.612 đối tượng với số tiền đã chi trả là 929 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 96,26%.
Tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích các nguyên nhân dẫn đến chậm trong công tác giải ngân vốn đầu tư công. Một số nguyên nhân khách quan được nêu ra như tình hình kinh tế - chính trị của thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng đến giá vật tư, vật liệu xây dựng và các chi phí khác để thực hiện dự án; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài do quá trình quy chủ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, năng lực của một số chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn chưa đáp ứng nhu cầu, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư để phân bổ và giải ngân vốn; nguồn thu tiền sử dụng đất của tỉnh còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc nhập Tabmis cho các dự án để giải ngân vốn…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ quan trọng, góp phần đẩy manh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Chính vì thế, cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc để thực hiện công tác này. Trong đó, các ngành, địa phương tập trung thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho dân một cách tốt nhất nhưng phải kiên quyết và đúng quy định. Các địa phương xem đầu tư xây dựng tái định cư là cơ hội tái cơ cấu lại hạ tầng, là dịp để bố trí các công trình công cộng một cách tốt nhất.
“Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ bây giờ, chúng ta phải quyết tâm giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong năm 2023; tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt các giải pháp. Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án rà soát tiến độ thực hiện từng dự án, ban hành kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng nguồn vốn của dự án do đơn vị, địa phương mình quản lý. Sở TN&MT sớm hoàn tất hồ sơ, thủ tục, đảm bảo đủ điều kiện đưa ra đấu giá các khu đất; tổ chức kịp thời, hiệu quả công tác đấu giá đất để thu tiền sử dụng đất đáp ứng kế hoạch đầu tư công của tỉnh năm 2024”, đồng chí Tạ Anh Tuấn nhấn mạnh.