Giải quyết '3 không' trong tham nhũng
'Không thể', 'không dám' và 'không cần' tham nhũng là cụm từ được nhắc nhiều thời gian gần đây khi đề cập đến công tác phòng, chống tham nhũng. Vậy, đâu là giải pháp hữu hiệu để thực hiện được cơ chế '3 không' này?
Từ thực tiễn xử lý cũng như kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của nhiều nước cho thấy, muốn phòng, chống tham nhũng hiệu quả, cần thiết lập được cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng. Cùng với đó là cơ chế phát hiện, xử lý nghiêm minh để “không dám” tham nhũng và tạo được cơ chế chính sách đãi ngộ hợp lý để cán bộ “không cần” tham nhũng.
Trước vấn nạn tham nhũng, tiêu cực hiện nay, việc xây dựng được cơ chế để cán bộ nói không với tham nhũng là điều hết sức cần thiết. Để cán bộ “không thể” tham nhũng thì phải hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế cũng như điều hành quản lý xã hội để hạn chế được chuyện tham nhũng, tiêu cực. Muốn vậy, cần tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý xã hội, quản lý nhà nước, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ tiêu cực, tham nhũng và tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác cải cách hành chính. Khi công khai, minh bạch thì chúng ta mới kiểm soát được tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, chặt chẽ, tránh tình trạng luật “chờ” nghị định, nghị định “chờ” thông tư. Khắc phục cho được tình trạng văn bản quy phạm pháp luật “vênh” nhau gây khó cho đối tượng áp dụng. Chính điểm “vênh” này vô hình trung phát sinh tiêu cực không đáng có bởi mỗi nơi hiểu và làm một kiểu. Cùng với đó, phải bịt các “lỗ hổng” trong các quy định pháp luật để tránh tình trạng cán bộ lợi dụng, lạm dụng gây khó cho người dân, doanh nghiệp để trục lợi. Bởi thực tế cho thấy, công tác xây dựng hoàn thiện thể chế nếu không làm tốt, có sơ hở thì cũng dễ tạo điều kiện, làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực.
Do đó, phải kiểm soát chặt việc xây dựng chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng, quản lý kinh tế xã hội bảo đảm công khai, minh bạch, không có sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”, “sân sau”. Phải ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng ngay từ khi xây dựng chính sách, pháp luật. Cùng với đó, sớm có lộ trình hạn chế sử dụng tiền mặt trong đời sống xã hội cũng như yêu cầu bắt buộc các quan hệ kinh tế thanh toán qua hệ thống ngân hàng để kiểm soát. Hiện nay, việc sử dụng tiền mặt, các hoạt động kinh tế thanh toán không qua ngân hàng làm cho việc kiểm soát, xử lý tài sản, thu nhập tăng lên bất thường trở nên khó khăn. Đây cũng là điều kiện để cho tài sản do tham nhũng, tiêu cực ẩn náu, khó kiểm soát.
Bên cạnh việc xây dựng cơ chế để cán bộ “không thể” thì cần hoàn thiện cơ chế pháp lý để cán bộ “không dám” tham nhũng. Theo đó, tăng cường chế tài trách nhiệm trong quản lý nhà nước. Với những khâu, lĩnh vực nhạy cảm phải tăng cường quản lý, gắn việc quản lý với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, cán bộ nếu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán để sớm phát hiện, ngăn chặn kịp thời cũng như chuyển hồ sơ những trường hợp có dấu hiệu tội phạm cho cơ quan chức năng để xử lý theo pháp luật để xử lý, răn đe. Với những trường hợp để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, tay “nhúng chàm” phải kiên quyết xử lý, không có vùng cấm, không bao che, chế tài phải đủ mạnh để răn đe, “xử lý một người để cứu muôn người”.
Một hành lang pháp lý chặt chẽ, đủ mạnh để cán bộ không thể, không dám tham nhũng là chưa đủ nếu chúng ta chưa thể tạo cho cán bộ một cơ chế để họ không muốn, không cần tham nhũng. Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí khi ông ngồi ghế nóng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội đã từng rất tâm tư về chế độ chính sách cho cán bộ các cấp nói chung. Ông Trí cho rằng, một tỷ lệ cán bộ “sống được” là nhờ các nguồn khác, nhờ cha mẹ, anh em. Chế độ chính sách cho cán bộ ở các cấp nói chung, dù thời gian qua có nhiều cố gắng, nhưng với chế độ, chính sách hiện nay, cán bộ nếu tự sống bằng đồng lương của mình hết sức khó khăn. “Chúng ta đòi hỏi công việc tốt, nhưng chúng ta cũng phải nghiên cứu có lộ trình, giải pháp để có chế độ, chính sách đảm bảo được mức tối thiểu cho cán bộ an tâm công tác. Chúng ta nói rằng không muốn, không muốn thì phải đủ, tất nhiên cái “đủ” ở đây không thể vô cùng được”- ông Trí nói.
Chúng ta hoàn toàn đồng cảm với trải lòng của người đứng đầu ngành kiểm sát. Bởi nói gì thì nói chỉ khi cơ chế chính sách tiền lương được bảo đảm thì cán bộ không cần phải “lách nọ, lách kia” vẫn đủ sống để yên tâm công tác. Nếu tạo được cơ chế để giải quyết được “3 không” này, tin rằng công tác phòng, chống tham nhũng của chúng ta sẽ chuyển biến tích hơn hơn nữa trong thời gian tới.