Giải quyết cơ bản vấn đề bức xúc về môi trường

Đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường (BVMT) bền vững cần phải được quan tâm. Bởi mặt trái của sự phát triển luôn gắn với rủi ro về ô nhiễm môi trường. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường NGUYỄN TRƯỜNG KHOA về những giải pháp đã và đang triển khai nhằm đáp ứng nhiệm vụ vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ tài nguyên môi trường.

 Tác giả trao đổi với Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trường Khoa -Ảnh: L.M

Tác giả trao đổi với Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trường Khoa -Ảnh: L.M

- Ông có thể cho biết công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của ngành?

- Những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Trị nhiều quyết sách để giải quyết cơ bản các vấn đề môi trường bức xúc của địa phương. Công tác xã hội hóa đầu tư cho BVMT đã và đang được triển khai có hiệu quả. Ý thức, sự quan tâm về BVMT của các cấp chính quyền, cán bộ và Nhân dân trên địa tỉnh đã được nâng cao. BVMT đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã nghiêm túc thực hiện các trách nhiệm và nghĩa vụ BVMT như tăng cường đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất hiện đại giảm thiểu tác động về môi trường; đầu tư nâng cấp hệ thống thu gom, xử lý khí thải, nước thải; hiện đại hóa hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường; ký quỹ thực hiện cải tạo phục hồi môi trường, kê khai và nộp phí BVMT theo đúng quy định... nên đã góp phần rất lớn vào quá trình phát triển KT-XH của tỉnh.

- Ông đánh giá như thế nào về tính hiệu quả của các giải pháp BVMT mà ngành thực hiện trong thời gian qua?

- Việc triển khai các chương trình hành động về tăng cường công tác BVMT đã góp phần đáng kể vào quá trình cải thiện chất lượng môi trường sống, thay đổi hành vi của con người đối với môi trường. Tuy nhiên, dưới sức ép của quá trình phát triển thì nhiều vấn đề môi trường nảy sinh, các điểm nóng về môi trường tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), làng nghề vẫn chưa được giải quyết triệt để đã ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân; biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp và khó lường; lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn làm gia tăng áp lực lên các thành phần môi trường tiếp nhận như đất, nước và không khí.

Để khắc phục tình trạng trên, nhiều giải pháp đã được triển khai như hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BVMT, xây dựng nội dung quy hoạch BVMT vào quy hoạch chung của tỉnh; xây dựng cơ chế chính sách nhằm lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện tốt công tác xử lý nguồn thải từ KKT, KCN, CCN, làng nghề và các cơ sở công ích; hoàn thiện đơn giá phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp thông thường. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về BVMT; huy động nguồn tài chính cho công tác BVMT, đẩy mạnh công tác xã hội hóa về BVMT. Đặc biệt là các giải pháp về phòng ngừa, kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường như nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác thẩm định đánh giá tác động môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác BVMT; tổ chức các hoạt động giám sát chất lượng, quan trắc và cảnh báo ô nhiễm môi trường; thực hiện nghiêm túc ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; thu phí BVMT đối với nước thải…

Thực hiện các giải pháp nhằm cải tạo, phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm. Tăng cường công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại khu bảo tồn. Nâng cao nhận thức và đẩy mạnh xã hội hóa BVMT. Xây dựng các mô hình BVMT như mô hình “Tổ phụ nữ thu gom rác thải tự quản”; Đội xung kích, đội thanh niên tình nguyện tự quản BVMT; Câu lạc bộ BVMT tại địa phương; Tăng cường nguồn vốn đầu tư cho xử lý chất thải từ các doanh nghiệp; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực BVMT. Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nên công tác quản lý nhà nước về bảo vệ tài nguyên môi trường đã đi vào nền nếp, khoa học, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của tỉnh.

 Trung tâm quản lý, vận hành hệ thống quan trắc tự động, liên tục thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường -Ảnh: N.K

Trung tâm quản lý, vận hành hệ thống quan trắc tự động, liên tục thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường -Ảnh: N.K

- Chính phủ đã có chủ trương “Không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế”, vậy Sở TN&MT đã thực hiện tinh thần đó như thế nào trong thực hiện các nhiệm vụ?

- Nhất quán với chủ trương coi môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển KT-XH bền vững, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, trong thời gian qua Sở TN&MT đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng loạt các biện pháp trong quản lý môi trường trên nhiều lĩnh vực.

Trong công tác tham mưu, thẩm định dự án đầu tư cũng như thẩm định hồ sơ môi trường các dự án đầu tư đã nhận diện, tham gia ý kiến, đánh giá tác động môi trường (ĐGTĐMT) sơ bộ các dự án đầu tư vào địa bàn để sàng lọc bước một các dự án có nguy cơ tác động môi trường lớn. Bên cạnh đó, thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường; khắc phục tình trạng cấp phép khi chưa có đủ căn cứ, nguồn lực dẫn đến không khả thi.

Nâng cao chất lượng công tác thẩm định báo cáo ĐGTĐMT, kế hoạch BVMT. Đối với các dự án lớn có nguy cơ tác động đến môi trường phải thẩm định kỹ, mời các chuyên gia trong và ngoài tỉnh có kinh nghiệm tham gia thẩm định hồ sơ môi trường của dự án. Giai đoạn 2016- 2020 đã thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt 154 báo cáo ĐGTĐMT, ĐGTĐMT bổ sung, 540 kế hoạch BVMT. Đối với công tác hậu kiểm, hoàn thiện chính sách pháp luật, thanh tra, kiểm tra, tăng cường hoạt động giám sát trong lĩnh vực BVMT; thay đổi mạnh mẽ về phương thức quản lý, chuyển từ bị động sang chủ động phòng ngừa, tiếp cận mô hình phát triển ít ảnh hưởng đến môi trường, hài hòa giữa vấn đề môi trường với vấn đề kinh tế, xã hội.

Rà soát, tiếp tục tăng cường cơ chế giám sát về BVMT đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây sự cố, ô nhiễm môi trường cao, bảo đảm không để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng. Tăng cường công tác BVMT các KCN, CCN, làng nghề; rà soát kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư các khu KCN, CCN xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, buộc các đối tượng có quy mô xả thải lớn lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động liên tục theo quy định của pháp luật, truyền số liệu trực tiếp về cơ quan quản lý nhà nước về môi trường để theo dõi, giám sát.

- Hiện nay, dư luận đang lo lắng về tác động môi trường, đặc biệt là nguy cơ sạt lở từ các dự án điện gió, vậy Sở TN&MT đã có những giải pháp gì?

- Để BVMT, nhất là đảm bảo an toàn, giảm thiểu nguy cơ sạt lở tại các dự án điện gió đang thi công thời gian qua, Sở TN&MT đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn trước mắt và lâu dài. Trước hết là nâng cao chất lượng thẩm định hồ sơ môi trường các dự án điện gió. Qua đó đã thẩm định và trình cấp quyết định phê duyệt báo cáo ĐGTĐMT của 11 dự án; xác nhận kế hoạch BVMT 15 dự án; đang tổ chức thẩm định báo cáo ĐGTĐMT 1 dự án; đôn đốc 4 dự án lập hồ sơ môi trường đúng quy định trước khi triển khai thực hiện.

Tích cực, chủ động giám sát, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các nội dung theo yêu cầu báo cáo ĐGTĐMT đã phê duyệt. Trong đó đã ban hành Công văn số 2417/STNMT-CCBVMT ngày 27/7/2021 về việc thực hiện các yêu cầu về BVMT đối với các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đã cam kết. Qua đó, yêu cầu chủ dự án thực hiện lu lèn, đầm nén chặt tại các bãi thải; có biện pháp gia cố phía bờ xung yếu hợp lý nhằm tránh sự cố sạt lở tại khu vực đổ thải; thu dọn đất thải tại khu vực thi công.

Thường xuyên theo dõi các điểm xung yếu dễ xảy ra các sự cố sạt lở, sụt lún để có giải pháp khắc phục kịp thời. Yêu cầu UBND các huyện Hướng Hóa, Đakrông tăng cường phối hợp công tác quản lý môi trường, tổ chức kiểm tra, giám sát môi trường các dự án điện gió theo thẩm quyền, các dự án do UBND huyện xác nhận kế hoạch BVMT. Chủ động cung cấp thông tin và phối hợp với Sở TN&MT, Sở Nông nghiệp và PTNT để theo dõi, giám sát, xử lý các sự cố về môi trường.

Đặc biệt, Sở TN&MT đã chủ trì tổ chức kiểm tra việc thực hiện các công trình, biện pháp BVMT của các dự án điện gió. Qua đó đã kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh và yêu cầu các chủ đầu tư dự án điện gió khắc phục kịp thời những vấn đề còn tồn tại trong công tác BVMT như thực hiện nghiêm túc các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đã cam kết. Xây dựng phương án phòng chống sạt lở, an toàn với khu dân cư lân cận. Xây dựng phương án hiệp đồng giữa các đơn vị liền kề và địa phương để huy động lực lượng tham gia ứng cứu khi có sự cố thiên tai xảy ra.

Đề xuất nhiệm vụ điều tra ĐGTĐMT của các dự án năng lượng tái tạo đến tài nguyên thiên nhiên môi trường và KT-XH tỉnh Quảng Trị trong giai đoạn 2021-2025 có tính đến năm 2030 và đã báo cáo UBND tỉnh đề cương và dự toán nhiệm vụ. Hiện nay, Sở TN&MT đang phối hợp với Sở Tài chính rà soát dự toán trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện.

- Xin cảm ơn ông!

Lê Minh (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=161183&title=giai-quyet-co-ban-van-de-buc-xuc-ve-moi-truong