Giải quyết hai mối quan tâm lớn

Thời điểm này, các bộ, ngành, các địa phương đã và đang tích cực chuẩn bị điều kiện, huy động nguồn lực cho năm học mới 2023-2024.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ, có hai vấn đề nổi lên cần được quan tâm đặc biệt là thiếu sách giáo khoa và giáo viên. Đến nay, việc biên soạn, lựa chọn, in ấn, phát hành sách giáo khoa còn chậm; trong khi đó, ở nhiều địa phương, đội ngũ giáo viên còn thừa thiếu cục bộ, số lượng giáo viên chưa đáp ứng theo quy định, công tác tuyển dụng còn gặp nhiều khó khăn...

Thực tế cho thấy, vấn đề sách giáo khoa cho năm học mới luôn được phụ huynh, học sinh, các nhà trường và xã hội hết sức quan tâm, đặc biệt thời điểm chuẩn bị bước vào năm học mới. Trước đó, tại Thông báo số 176/TB-VPCP ngày 15-5-2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về vấn đề học phí và sách giáo khoa cho năm học mới, Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chủ động thực hiện các giải pháp bảo đảm đầy đủ sách giáo khoa, không để hiện tượng khan hiếm, thiếu sách giáo khoa cho năm học mới 2023-2024. Đặc biệt, mới đây nhất, ngày 16-8-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 747/CĐ-TTg yêu cầu các bộ liên quan và UBND các tỉnh, thành phố bảo đảm sách giáo khoa và giáo viên kịp thời cho năm học 2023-2024.

Công điện của Thủ tướng cũng yêu cầu, đối với vấn đề thiếu sách giáo khoa, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các nhà xuất bản tổ chức việc cung ứng sách giáo khoa trên địa bàn, bảo đảm chất lượng; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu sách giáo khoa hoặc tăng giá bất hợp lý. Có phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho các đối tượng học sinh hộ nghèo, cận nghèo, học sinh thuộc đối tượng chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm đầy đủ, thuận lợi trước thềm năm học mới.

Để cung ứng đủ sách phục vụ năm học 2023-2024, vấn đề cấp thiết là Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cần chỉ đạo các công ty phát hành bám sát, cập nhật sát với nhu cầu của các địa phương để kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch. Nhà xuất bản cũng yêu cầu các công ty đầu mối điều chuyển sách, cung ứng gấp để giải quyết sớm nhất các điểm nóng (nếu có) bằng mọi phương thức, kể cả vận chuyển bằng đường hàng không; tổ chức đường dây nóng để tiếp nhận, hỗ trợ giáo viên, học sinh gặp khó khăn khi tìm mua sách giáo khoa...

Đối với việc thiếu giáo viên, theo Cục Nhà giáo và Quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), đến cuối năm học 2022-2023, cả nước tuyển dụng thêm hơn 17.000 giáo viên công lập. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 74.000 chỉ tiêu biên chế được giao cho các địa phương nhưng chưa tuyển dụng được, hiện cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên. Không chỉ thiếu giáo viên, cơ cấu đội ngũ nhà giáo đang mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau.

Để thực hiện tốt Công điện số 747/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, các địa phương cần tiếp tục tổ chức tốt việc tuyển dụng giáo viên. Rà soát, cơ cấu lại, bố trí, sử dụng giáo viên bảo đảm đủ giáo viên dạy đúng, đủ các môn học theo quy định. Thực hiện linh hoạt phương án điều chuyển, biệt phái giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu. Trong trường hợp chưa thể tuyển dụng đủ giáo viên theo định mức thì thực hiện các giải pháp hợp đồng giáo viên theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30-12-2022 của Chính phủ.

Học sinh đến trường phải có đủ sách, đủ giáo viên. Chỉ khi nào giải quyết những bất cập hiện có đối với hai vấn đề nêu trên, chúng ta mới hy vọng có thể đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/giai-quyet-hai-moi-quan-tam-lon-638433.html