Giải quyết hiệu quả tình trạng xâm canh, xâm lấn đất rừng
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị vừa ban hành Chỉ thị số 31-CT/TU về tăng cường lãnh đạo đối với việc xâm canh, xâm lấn đất rừng trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị nhấn mạnh về vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc giải quyết hiệu quả tình trạng xâm canh, xâm lấn đất rừng, góp phần đưa công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh ngày càng tốt hơn, theo đúng tinh thần Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị 05/CT-TTg, ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị triển khai nhiều biện pháp tăng cường quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Đến cuối năm 2022, độ che phủ rừng đạt 49,9%; chất lượng rừng ngày càng được nâng lên; việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng được triển khai chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Việc khoán bảo vệ rừng góp phần tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho người dân, hạn chế đáng kể tình trạng phá rừng. Công tác rà soát, thống nhất kết quả điều chỉnh 3 loại rừng để tích hợp vào quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch phát triển KT-XH tỉnh được chú trọng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng khai thác rừng trái phép, phá rừng làm nương rẫy, xâm canh, xâm lấn đất rừng vẫn còn xảy ra. Đặc biệt, tình trạng xâm canh, xâm lấn đất rừng tại các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp vẫn chưa được giải quyết dứt điểm ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm canh, xâm lấn đất rừng là do đất rừng ngày càng có giá trị cao, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn thấp, một số hộ đồng bào vẫn còn thói quen phát rừng làm nương rẫy. Về phía chủ rừng thì ranh giới chưa rõ ràng ngoài thực địa, công tác kiểm tra, giám sát việc bảo vệ rừng chưa thường xuyên; chưa kịp thời ngăn chặn và kiên quyết xử lý đối với các hành vi xâm canh, xâm lấn đất rừng…
Để giải quyết hiệu quả tình trạng xâm canh, xâm lấn đất rừng, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý và bảo vệ rừng đến người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ gia đình sinh sống ven rừng, từ đó nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật để người dân tích cực tham gia quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; không xâm hại rừng, không xâm canh, xâm lấn rừng; trả lại đất rừng đã xâm canh, xấm lấn. Tuyên truyền, vận động các hộ đồng bào dân tộc thiểu số từ bỏ việc phát rừng làm rẫy gây ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp; chỉ đạo các chủ rừng tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, rà soát hiện trạng rừng được giao; ngăn chặn và giải quyết dứt điểm tình trạng xâm lấn, tranh chấp rừng, đất rừng. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra nhằm kịp thời chấn chỉnh, xử lý và chấm dứt tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp, chuyển quyền, mua bán, hợp thức hóa quyền sử dụng đất trái phép, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Xử lý nghiêm những trường hợp phá rừng, khai thác rừng trái phép, xâm lấn đất rừng trái pháp luật. Rà soát, phân định ranh giới các loại rừng trên bản đồ và cắm mốc ngoài thực địa, ranh giới quản lý rừng của các chủ rừng; kiểm soát chặt chẽ các dự án phát triển KT-XH có tác động ảnh hưởng đến diện tích, chất lượng rừng.
Mặt khác, thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án bảo vệ, phát triển rừng, đảm bảo sinh kế, phát triển KT-XH nhằm hạn chế tình trạng xâm canh, xâm lấn rừng, vi phạm lâm luật của người dân vào phạm vi ranh giới rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của chủ rừng trong việc quản lý, bảo vệ diện tích rừng và đất rừng được giao, huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân sống gần rừng, hạn chế tình trạng xâm canh, xâm hại rừng.
Đánh giá lại kết quả thực hiện và hiệu quả KT-XH, môi trường đối với các dự án chuyển đổi rừng sang mục đích khác. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ và kiên quyết đình chỉ, thu hồi đất đối với dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có sai phạm hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng, tác động xấu đến môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân vùng dự án. Xử lý nghiêm minh, công khai, minh bạch các tổ chức, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác thẩm định, phê duyệt, cấp phép đầu tư.
Và một vấn đề cũng rất quan trọng, đó là xây dựng phương án sử dụng đất đối với diện tích đất tiếp nhận bàn giao từ các chủ rừng trên địa bàn, cấp đất cho người dân hợp lý, công bằng đảm bảo cho người dân có đủ đất sản xuất. Cần có chính sách hỗ trợ đối với các hộ gia đình tự nguyện bàn giao diện tích đất xâm canh, xâm lấn. Có cơ chế chia sẻ lợi ích bền vững, lâu dài đối với các hộ gia đình canh tác trước thời điểm thành lập các khu rừng; chú trọng công tác ổn định dân cư trên địa bàn.
Tiếp tục thực hiện sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp theo tinh thần nghị quyết của Bộ Chính trị, nghị định của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Xây dựng phương án sử dụng đất hiệu quả đối với đất giữ lại để sản xuất; hoàn thành việc bàn giao đất về địa phương, xây dựng phương án giao đất, cho thuê đất để giải quyết nhu cầu đất sản xuất cho người dân, một yêu cầu bức thiết hiện nay.