Giải quyết khó khăn trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở huyện Lạc Sơn

Nhiều năm nay, huyện Lạc Sơn tăng cường phối hợp các đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo, huy động hệ thống chính trị tham gia tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC), góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.

Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.

Giai đoạn 2016 - 2021, UBND huyện thực hiện thu hồi đất (THĐ), bồi thường, GPMB cho 51 công trình, dự án (Nhà nước THĐ 45 dự án; nhà đầu tư thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) 6 dự án). Trong đó, đã hoàn thành công tác bồi thường, GPMB 47 dự án (Nhà nước THĐ 44 dự án; nhà đầu tư thỏa thuận chuyển nhượng QSDĐ 3 dự án). Hiện tiếp tục triển khai công tác bồi thường, GPMB 1 dự án thuộc trường hợp Nhà nước THĐ (dự án hồ chứa nước Cánh Tạng), 3 dự án thuộc nhóm dự án thỏa thuận chuyển nhượng QSDĐ. Tổng số diện tích đất đã thu hồi 8.756.992,2 m2.

Theo UBND huyện Lạc Sơn, việc thực hiện quy định, trình tự về THĐ, GPMB các dự án trên địa bàn tuân thủ theo quy định pháp luật. Tất cả các công trình, dự án khi thực hiện phải THĐ, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và TĐC (nay là Trung tâm Quỹ đất) huyện thực hiện đầy đủ các bước, trình tự, thủ tục trong việc lập hồ sơ THĐ, bồi thường, GPMB đảm bảo quy định pháp luật. Có 47/48 công trình, dự án thực hiện đúng tiến độ. Riêng dự án đường kết nối đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 12B đi quốc lộ 1 có 1 hộ dân không chấp hành, UBND huyện phải cưỡng chế THĐ, quy trình thủ tục thực hiện phức tạp, kéo dài, do đó ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.

Tổng số hộ bị ảnh hưởng do THĐ là 3.889 lượt hộ. Số hộ đã bồi thường, hỗ trợ 3.889 lượt hộ. Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ trên 934 tỷ đồng. Với sự tập trung chỉ đạo, nhiều dự án sau khi kiểm kê xong người dân đồng tình ủng hộ, cho tạm ứng mặt bằng để thi công trước.

Tuy nhiên, công tác THĐ, bồi thường, GPMB trên địa bàn huyện đang gặp khó khăn, vướng mắc. Như dự án hồ chứa nước Cánh Tạng, UBND huyện đã phê duyệt phương án bồi thường với số tiền 25,1 tỷ đồng, nhưng chưa có kinh phí để chi trả. Bên cạnh đó, một số chính sách về bồi thường, hỗ trợ tại khung chính sách dự án chưa đồng bộ, thống nhất với quy định về bồi thường, GPMB của tỉnh, do đó người dân còn có ý kiến thắc mắc, so sánh. Qua thực tế kiểm đếm có trường hợp nhà hộ dân trên cao bị ngập nhưng hộ thấp hơn không ngập, mốc ngập lòng hồ tại thực địa và bản đồ GPMB không trùng khớp.

Đối với các dự án khác, các hộ dân còn đòi hỏi đơn giá bồi thường cao hơn so với chế độ, chính sách về GPMB thuộc trường hợp Nhà nước THĐ; số liệu bản đồ địa chính và bản đồ đo đạc đất lâm nghiệp 672 sai lệch nhiều... Công tác di dân TĐC gồm nhiều nội dung, trình tự, thủ tục thực hiện khảo sát, thiết kế, thi công. Đặc biệt, có trường hợp 32 hộ tại xã Tuân Đạo do quá trình thiết kế, thi công khu TĐC có sai khác so với quy hoạch thực hiện TĐC ban đầu của dự án, phải điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với thực tế nên bị chậm tiến độ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn Bùi Văn Khánh cho biết: Yêu cầu về trình tự, thủ tục GPMB rất phức tạp, thời gian kéo dài (thông báo niêm yết công khai phương án bồi thường theo Điều 28, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ít nhất 20 ngày), dẫn đến trường hợp khi được vận động, tuyên truyền người dân đã nhất trí, nhưng chưa thể phê duyệt phương án bồi thường để chi trả cho hộ dân. Một số người dân có đất bị thu hồi còn có những đòi hỏi ngoài quy định của Nhà nước về bồi thường, GPMB dù đã được tuyên truyền, giải thích, cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan. Quá trình thực hiện GPMB còn nhiều trường hợp pháp luật chưa có quy định nhưng thực tế gặp vướng mắc, cụ thể: Trước đây, giấy chứng nhận QSDĐ cấp cho hộ gia đình, khi con cái lớn lên xây dựng gia đình, tách hộ ở riêng được bố mẹ chia đất làm nhà ở và sản xuất nông nghiệp nhưng chưa làm thủ tục sang tên và cấp giấy chứng nhận, khi thu hồi thì diện tích đó gia đình người con đang trực tiếp sản xuất, nếu không tính bồi thường hộ gia đình không nhất trí.

Nhằm thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC, GPMB, huyện Lạc Sơn đã đề xuất, khi thực hiện bồi thường đối với đất nông nghiệp đề nghị cho phép lấy giá đất theo bảng giá đất do UBND tỉnh quy định tại thời điểm thu hồi để lập phương án bồi thường (không cần xây dựng, phê duyệt giá đất cụ thể để rút ngắn thủ tục hành chính và đẩy nhanh tiến độ GPMB). Khi niêm yết công khai mà người dân nhất trí, cho phép thực hiện trình thẩm định phương án ngay sau khi hộ dân ký đồng ý phương án bồi thường, không phải đợi hết thời hạn niêm yết công khai phương án 20 ngày theo như quy định. Trường hợp người đang sử dụng đất là con đẻ được bố mẹ chia đất nông nghiệp để sản xuất, đề xuất UBND tỉnh có văn bản cho phép thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho người đang trực tiếp sản xuất để đảm bảo quyền lợi cho người dân, tránh tình trạng đơn thư, khiếu nại.

Lê Chung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/173980/giai-quyet-kho-khan-tr111ng-cong-tac-boi-thuong,-ho-tro,-tai-dinh-cu-o-huyen-lac-son.htm