Giải quyết kịp thời hơn các nhiệm vụ phát sinh
Để tăng hiệu quả tổ chức các kỳ họp chuyên đề, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh Bình Phước sẽ chủ động phối hợp, đồng hành với UBND tỉnh trong nắm tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, việc triển khai, tổ chức thực hiện các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy chuẩn bị nội dung trình kỳ họp, để các nhiệm vụ phát sinh được giải quyết nhanh hơn, kịp thời hơn nhưng cũng bảo đảm quy định của pháp luật. Kết hợp giải quyết các nội dung cấp bách với các công việc thường xuyên.
Hạn chế xin “thỏa thuận”, hoặc dồn nội dung
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND tỉnh Bình Phước đã có nhiều sáng tạo, đổi mới nhằm nâng cao chất lượng công tác của HĐND tỉnh, trong đó tổ chức các kỳ họp chuyên đề để kịp thời giải quyết các công việc phát sinh giữa hai kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh. Đa phần các nghị quyết của kỳ họp chuyên đề đã kịp thời cụ thể quy định chi tiết các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, giải quyết những yêu cầu cấp thiết đời sống của người dân, quyết định các nội dung liên quan đến các dự án thuộc thẩm quyền của HĐND và quyết định công tác nhân sự. Các kỳ họp chuyên đề đã kịp thời giải quyết kịp thời, hiệu quả những nội dung cấp bách, phát sinh từ thực tế, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, nhất là lĩnh vực đầu tư.
Từ thực tiễn tổ chức các kỳ họp chuyên đề, Thường trực HĐND tỉnh Bình Phước cho rằng, Thường trực, các Ban HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh căn cứ vào các nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm đã chủ động theo dõi tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương để đề nghị UBND tỉnh xây dựng các dự thảo nghị quyết trình HĐND tại kỳ họp chuyên đề. Hạn chế tình trạng xin “thỏa thuận” với Thường trực HĐND tỉnh hoặc dồn nội dung vào kỳ họp thường lệ, ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đời sống của Nhân dân.
Cùng với đó, cần tăng cường phối hợp với cơ quan trình dự thảo nghị quyết. Căn cứ vào nội dung đề nghị của UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh phân công các Ban HĐND tỉnh phối hợp với cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh tham gia ý kiến ngay từ giai đoạn xây dựng dự thảo nghị quyết, nhằm tạo sự thống nhất giữa cơ quan trình và cơ quan thẩm tra. Quá trình thẩm tra, các Ban HĐND tỉnh phối hợp chặt chẽ, tổ chức các đoàn khảo sát, nghiên cứu cụ thể các vấn đề, phản biện thẳng thắn. Trên cơ sở đó, có quan điểm rõ ràng về vấn đề trình kỳ họp để HĐND tỉnh có đủ dữ liệu xem xét, quyết định.
Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026, Thường trực HĐND tỉnh Bình Phước đã ký Quy chế phối hợp với UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh, Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh. Trong đó, thống nhất quy định rõ trách nhiệm, quy trình công tác thể hiện trách nhiệm của mỗi cơ quan. Do đó, công tác chuẩn bị kỳ họp được thực hiện chủ động, nghiêm túc và chất lượng.
Kết hợp các nội dung cấp bách với công việc thường xuyên
Từ thực tiễn hoạt động, để phát huy hiệu quả các kỳ họp chuyên đề giải quyết công việc phát sinh đột xuất trong thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh Bình Phước xác định tập trung tăng cường trách nhiệm của Đảng đoàn HĐND tỉnh trong công tác tham mưu với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; sự chủ động của Thường trực HĐND và các Ban HĐND tỉnh trong công tác khảo sát, thẩm tra nội dung các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp. Bảo đảm việc xem xét, quyết định các vấn đề tại kỳ họp chuyên đề phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục như kỳ họp thường lệ, đúng quy trình theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đồng thời, tránh lạm dụng việc tổ chức kỳ họp chuyên đề làm ảnh hưởng đến hoạt động của Thường trực, các Ban của HĐND và các cơ quan khác liên quan.
Thường trực, các Ban HĐND tỉnh chủ động phối hợp, đồng hành với UBND tỉnh trong nắm tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, việc triển khai, tổ chức thực hiện các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy để chuẩn bị nội dung trình kỳ họp, bảo đảm chất lượng, hiệu quả để các nhiệm vụ phát sinh từ thực tiễn được giải quyết nhanh hơn, kịp thời hơn nhưng cũng bảo đảm quy định của pháp luật. Kết hợp giải quyết các nội dung cấp bách với các công việc thường xuyên, tránh trường hợp tổ chức kỳ họp để giải quyết, xem xét một vài nội dung, gây khó khăn cho công tác chuẩn bị.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào tổ chức kỳ họp không giấy; nội dung trình kỳ họp phải được cập nhật thường xuyên qua hệ thống mạng để các đại biểu có thời gian nghiên cứu trước và chuẩn bị nội dung thảo luận và quyết định tại kỳ họp.