Giải quyết kịp thời những 'khúc mắc' của người dân trong hoạt động tư pháp

Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) luôn là vấn đề được quan tâm đồng hành với việc giữ vững an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tạo nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì thế, lãnh đạo các cơ quan tư pháp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ để mọi KNTC của công dân thuộc thẩm quyền đều được xem xét, giải quyết 'thấu tình đạt lý'.

Thực tế, công tác giải quyết KNTC không hề đơn giản; công dân thực hiện khiếu nại thì đủ mọi thành phần và nội dung khiếu nại có thể đúng, có thể sai hoặc một phần đúng, một phần sai. Thông thường thì mỗi một vụ việc xảy ra đều có những vấn đề riêng của nó, việc xác định đúng nguyên nhân đôi lúc cần phải có sự phối hợp từ nhiều phía, nhiều đơn vị. Từ khi Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTP-BTC-BNN&PTNT, ngày 5-4-2018 của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định phối hợp trong việc báo cáo, thông báo về công tác giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp có hiệu lực đã giúp công tác này đạt nhiều kết quả khả quan hơn.

VKSND hai cấp thực hiện nghiêm công tác tiếp dân và giải quyết KNTC. Ảnh: C.H

VKSND hai cấp thực hiện nghiêm công tác tiếp dân và giải quyết KNTC. Ảnh: C.H

Thời gian qua, lãnh đạo cơ quan tư pháp tỉnh đã tập trung triển khai, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định về tiếp dân, giải quyết KNTC. Khi đó, xác định trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong giải quyết KNTC; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đến các đơn vị trực thuộc và thường xuyên kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế trong thực hiện. Nhờ vậy, cơ quan tư pháp hai cấp đã thực hiện tốt công tác tiếp nhận và giải quyết đơn thư KNTC của công dân. Từ năm 2018 đến nay, cơ quan cảnh sát điều tra hai cấp đã tiếp 191 lượt công dân (lãnh đạo tiếp 45 lượt, cán bộ, điều tra viên tiếp 146 lượt) và nhận 128 đơn các loại; VKSND hai cấp tiếp 613 lượt công dân (lãnh đạo tiếp 46 lượt, kiểm sát viên tiếp 567 lượt) và nhận 925 đơn các loại; tòa án nhân dân hai cấp tiếp 25.307 lượt công dân (lãnh đạo tiếp 1.674 lượt, cán bộ, thẩm phán tiếp 23.633 lượt) và đã nhận 386 đơn các loại; thi hành án dân sự hai cấp tiếp 503 lượt công dân (lãnh đạo tiếp 332 lượt, cán bộ, chấp hành viên tiếp 171 lượt) và nhận 272 đơn các loại. Đáng ghi nhận, các cơ quan tư pháp đều ban hành văn bản, giải quyết theo thẩm quyền đạt 100%.

Để làm tốt hơn đối với công tác tiếp dân và giải quyết KNTC, các cơ quan tư pháp còn quan tâm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung quy chế tiếp công dân, bố trí địa điểm, có lịch tiếp công dân của lãnh đạo đơn vị và phân công cán bộ trực tiếp công dân theo quy định. Cán bộ tiếp công dân luôn ưu tiên chọn lựa những người có năng lực, trình độ. Đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ tiếp dân dự các lớp tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và trách nhiệm khi tiếp dân. Địa điểm tiếp công dân được bố trí thuận tiện, chu đáo, lịch sự, văn minh và bảo đảm các điều kiện cơ bản về trang thiết bị, cơ sở vật chất cần thiết để phục vụ tốt cho công tác. Nơi tiếp công dân niêm yết đầy đủ nội quy tiếp công dân, hướng dẫn về quy trình tiếp công dân, giải quyết KNTC theo quy định của pháp luật; lịch tiếp công dân và trách nhiệm cán bộ.

Quá trình tiếp công dân, cán bộ tiếp dân luôn biết lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân và có hướng dẫn, phân tích, giải thích “thấu tình, đạt lý”, tạo được đồng thuận của công dân. Việc phân loại, xử lý đơn KNTC của các cơ quan tư pháp được thực hiện nhanh chóng, kịp thời và quá trình giải quyết đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Thông qua việc tiếp dân, còn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người KNTC hiểu biết rõ hơn về quyền, nghĩa vụ của mình. Chính điều đó, đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và khẳng định vị trí, vai trò của các cơ quan tư pháp ở địa phương, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, các cơ quan tư pháp còn chủ động phối hợp chặt chẽ để trao đổi, rà soát đối với các đơn thư của công dân gửi đến hoặc của ban ngành chuyển đến. Trên tinh thần Thông tư liên tịch số 01, VKSND hai cấp đã phát huy vai trò là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan tư pháp cùng cấp trong việc rà soát, đảm bảo tính thống nhất, chính xác về số liệu về biểu mẫu báo cáo và thời hạn gửi báo cáo về công tác giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp. Từ đó, giúp các cấp có thẩm quyền nắm rõ, chính xác tình hình KNTC trong hoạt động tư pháp để có sự hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh Covid-19, các cơ quan tư pháp đã chủ động, linh động tiếp nhận đơn thư KNTC bằng nhiều hình thức khác nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.

Có thể khẳng định, chính việc quan tâm, kịp thời giải quyết những bức xúc trong nhân dân của các cơ quan tư pháp và các cấp, các ngành đã hạn chế được việc phát sinh khiếu nại nhiều nơi, vượt cấp, tập trung đông người. Từ đó, đã góp phần đảm bảo tình hình an ninh chính trị địa phương, giúp người dân an tâm tập trung sản xuất, chăm lo phát triển kinh tế.

C.H

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/giai-quyet-kip-thoi-nhung-khuc-mac-cua-nguoi-dan-trong-hoat-dong-tu-phap-51915.html