Giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực-những hệ lụy đau lòng

Người chết hoặc bị thương nặng, người vướng vòng lao lý, chịu sự trừng phạt của pháp luật… Đó là hậu quả đau lòng khi dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn, xung đột phát sinh trong cuộc sống.

Các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật cho người dân.

Các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật cho người dân.

Mất mạng từ chuyện không đâu

Cuối tháng 12.2021, bị cáo Võ Minh Hải (sinh năm 1995, ngụ xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu) bị TAND tỉnh tuyên án chung thân về tội giết người. Theo cáo trạng, vào khoảng 23 giờ, ngày 18.9.2021, tại quán nhậu thuộc khu vực ấp Ninh Phú, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, sau khi say rượu và sử dụng ma túy đá, vì mâu thuẫn nhỏ nhặt, Võ Minh Hải lấy một con dao đâm nhiều nhát vào cổ, nách, cánh tay phải của anh T.Q.L (sinh năm 2003), đâm nhiều nhát vào vùng trọng yếu trên cơ thể của anh N.M.T (sinh năm 1992). Hậu quả, anh T tử vong, anh L tổn thương cơ thể với tỷ lệ 19%.

Chỉ vì mâu thuẫn việc không cho mắc dây điện ngang nhà, Phan Thanh Giang (sinh năm 1978, ngụ phường Hiệp Tân, thị xã Hòa Thành) đã dùng rựa chém nhiều nhát vào đầu và tay Huỳnh Tuấn Thanh (gọi Giang bằng cậu) gây thương tích 47%. Tại phiên tòa xét xử hồi đầu tháng 4.2022, bị cáo Giang khai do uống rượu nên không kiềm chế được bản thân khi nhớ đến chuyện cũ, dẫn đến sự việc đáng tiếc. Với hành vi trên, Hội đồng xét xử TAND tỉnh tuyên phạt bị cáo Phan Thanh Giang mức án 14 năm tù về tội giết người.

Mới đây, ngày 26.4, Công an huyện Gò Dầu tạm giữ hình sự 3 đối tượng Nguyễn Duy Tân (19 tuổi), Dư Đạt Mẫn (18 tuổi) và Nguyễn Hoàng Nhân (18 tuổi) cùng ngụ huyện Gò Dầu về hành vi cố ý gây thương tích. Hai đối tượng có liên quan trong vụ án nhưng đang bỏ trốn là Phạm Hồng Tiến và Huỳnh Nguyễn Hoàng Thiện (cùng 20 tuổi, ngụ huyện Gò Dầu). Trước đó, lúc 1 giờ 30 phút ngày 24.4, nhóm thanh niên 5 người gồm Tiến, Thiện, Tân, Mẫn, Nhân trên đường đi uống cà phê về ngang quán nhậu, cùng lúc này, Đặng Bá Tường (ngụ ấp Trâm Vàng 2, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu) đẩy xe từ trong quán ra đường. Tường thấy Tiến nhìn mình với ánh mắt không mấy thiện cảm nên chửi Tiến.

Nhóm của Tiến và Tường xảy ra ẩu đả, dù đã được người dân can ngăn nhưng nhóm của Tiến không bỏ qua. Cả nhóm đi về nhà Tiến lấy 2 cây phảng quay trở lại tìm Tường nhưng không gặp. Trên đường về ngang qua nhà Tường, nhóm của Tiến phát hiện Tường ở trước nhà thì xông vào đánh, Tiến dùng phảng chém vào Tường gây thương tích. Gây án xong, cả nhóm bỏ trốn. Sau đó, được gia đình vận động, 3 đối tượng Tân, Nhân, Mẫn đến Công an thị trấn Gò Dầu đầu thú; còn Tiến, Thiện bỏ trốn.

Tăng cường giáo dục đạo đức, pháp luật

Theo TAND tỉnh đánh giá, thời gian qua, số bị cáo là người chưa thành niên trong các vụ án giết người, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác ngày càng tăng. Thanh niên tập trung lại thành băng nhóm, chuẩn bị hung khí, thách thức đánh, chém nhau như xã hội đen, xảy ra tại địa bàn thị xã Hòa Thành, huyện Tân Châu, Tân Biên…

Một thẩm phán Tòa Hình sự, TAND tỉnh cho biết, các vụ án giết người, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác xuất phát từ nhiều nguyên nhân mâu thuẫn nhỏ trong sinh hoạt thường ngày, quan hệ làm ăn, công việc, quan hệ tình cảm, một số người đã sẵn sàng sử dụng bạo lực để giải quyết. Cách xử lý mâu thuẫn không khéo léo, hoặc muốn thể hiện cái tôi, thiếu kiềm chế dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật, đến khi bị xử lý hình sự, biết ân hận thì quá muộn màng.

Theo ông Lê Minh Hiền- Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, tình trạng thanh thiếu niên chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống mà dễ bị kích động, giải quyết bằng bạo lực đang ngày càng tăng. Nguyên nhân của các vụ giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực chủ yếu là do đạo đức và ý thức chấp hành, tôn trọng pháp luật của một bộ phận người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên còn hạn chế.

Nhiều vụ án xuất phát từ mâu thuẫn tức thời, dễ bị kích động, thiếu khả năng kiềm chế, thích giải quyết mâu thuẫn bằng hành vi côn đồ, bạo lực, sử dụng hung khí nguy hiểm. Hơn nữa do điều kiện sống, môi trường giáo dục hạn chế dẫn tới định hướng hành vi kém, nên khi có mâu thuẫn dù nhỏ cũng dễ xảy ra bạo lực. Dù pháp luật quy định các mức chế tài dành cho loại tội phạm xâm phạm sức khỏe rất nặng, tuy nhiên, nhiều người lại không ý thức được điều đó mà “cố tình” thực hiện hành vi vi phạm.

Để giảm thiểu tình trạng cố ý gây thương tích, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh khuyến cáo, mỗi người cần có ý thức tuân thủ pháp luật, học cách ứng xử bình tĩnh, có văn hóa khi phát sinh mâu thuẫn, hướng tới xây dựng môi trường xã hội lành mạnh.

Phụ huynh cần quan tâm, chăm sóc, là tấm gương để các em học tập, noi theo; không để con cái xem phim và chơi trò chơi điện tử có nội dung bạo lực, giúp ngăn ngừa những thói hư, tật xấu trong giới trẻ. Nhà trường cần quan tâm hơn nữa trong việc giáo dục kiến thức về đạo đức, pháp luật và định hướng các hoạt động xã hội lành mạnh, trang bị cho họ kỹ năng xử lý những vấn đề phát sinh trong cuộc sống cho các em học sinh.

Bên cạnh đó, các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp cùng vào cuộc trong việc phối hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa xã hội; làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở; kịp thời phát hiện, giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân, không để mâu thuẫn bức xúc, kéo dài dẫn đến xảy ra xung đột, bạo lực... Lực lượng Công an tập trung triệt xóa, phá rã các băng, nhóm có biểu hiện hoạt động phức tạp; tăng cường tuần tra giữ gìn an ninh trật tự ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm.

Thiên Di

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/giai-quyet-mau-thuan-bang-bao-luc-nhung-he-luy-dau-long-a144956.html