Những khúc mắc kéo dài trong vụ tạm giam 13 năm
Vụ án trải qua thời gian dài với nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, 2 lần tòa xét xử sơ thẩm đều bị hủy án dẫn đến một bị cáo bị tạm giam 13 năm.
Vào cuối tuần trước, một chuyện hy hữu xảy ra, một bị cáo đã bị tạm giam 13 năm được TAND TP Hà Nội ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú.
Bị cáo vừa được cho tại ngoại này là ông Nguyễn Huy Khang, bị truy tố, xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan giao dịch góp vốn tại Công ty Trường Sinh.
Vụ án từ 14 năm trước
Sự việc đã thu hút sự chú ý của dư luận. Thực tế, vụ án được khởi tố từ năm 2010, đến nay đã qua 2 lần xét xử sơ thẩm và đều bị cấp phúc thẩm hủy án. Hiện TAND TP Hà Nội đang thụ lý giải quyết sơ thẩm lần thứ 3.
Bị cáo thứ hai trong vụ án là ông Nguyễn Đình Bang. Ông Bang bị bắt tạm giam tháng 12-2010, ban đầu ông Bang bị khởi tố về tội chiếm giữ tài sản trái phép. Sau đó, CQĐT đã thay đổi tội danh khởi tố đối với ông này thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông Bang bị tạm giam hơn 5 năm thì được cho tại ngoại.
Bị cáo thứ ba là Hoàng Thị Xuân. Bà Xuân bị khởi tố từ năm 2011 nhưng bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Tháng 8-2021, bà Xuân bị bắt theo lệnh truy nã. Hiện bà Xuân bị tạm giam.
Trong vụ án này, ông Nguyễn Huy Khang - người vừa được tại ngoại - đã bị tạm giam với thời gian kỷ lục: 13 năm. Hiện cả ba bị cáo chuẩn bị ra tòa trong phiên xét xử sơ thẩm lần 3 của TAND TP Hà Nội.
Cáo buộc lừa chuyển tiền góp vốn
Vụ án bắt nguồn từ việc chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty Trường Sinh do ông Bang làm giám đốc. Công ty Trường Sinh có dự án An Khánh (đã được UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt dự án), trên diện tích hơn 6.000 m2 đất ở Khu công nghiệp An Khánh.
Cáo buộc cho rằng bị cáo Bang đã tạo dựng các hợp đồng, các quyết định, văn bản không đúng thực tế đưa cho bị cáo Nguyễn Huy Khang huy động vốn.
Bệnh tật bủa vây người thương binh 4/4
Phóng viên PLO.VN đã liên lạc với ông Nguyễn Huy Khang và Nguyễn Đình Bang để tìm hiểu thêm về vụ án và những vấn đề liên quan nhưng chỉ gặp được ông Bang.
Ông Bang cho biết ông là thương binh 4/4; vụ án kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và sức khỏe của ông. Những năm qua, ông 3 lần đại phẫu, phải xoay xở chi phí bệnh viện trong khi không được đi khỏi nơi cư trú, không thể tiếp tục công việc làm ăn.
Gần đây nhất, trong quá trình TAND TP Hà Nội giải quyết sơ thẩm vụ án lần thứ 3, ông phải phẫu thuật tim do tổn thương ở động mạch vành. Sau hơn 1 tháng điều trị, ông vừa được ra viện ít ngày.
Để ông Thái Khắc Toàn, Phó Giám đốc Công ty Huy Phát đồng ý chuyển tiền góp vốn, ông Khang đã nói dối nói với ông Toàn rằng ông Khang đã mua xong cổ phần, chỉ chờ làm thủ tục tại Sở KH&ĐT để thay đổi giám đốc Công ty Trường Sinh từ ông Bang sang ông Khang, ông Khang sẽ là giám đốc và là chủ đầu tư dự án của Công ty Trường Sinh tại Bắc An Khánh.
Tin là thật, ông Toàn đã ký hợp đồng góp vốn tham gia đầu tư Dự án An Khánh và đã chuyển tổng cộng 22 tỉ đồng cho ông Bang và ông Khang. Sau khi nhận tiền, 2 bị cáo không dùng số tiền trên thực hiện đầu tư Dự án An Khánh mà chiếm đoạt sử dụng cá nhân. Do đó, ông Thái Khắc Toàn đã tố cáo ra cơ quan công an.
Còn bị cáo Hoàng Thị Xuân đã làm giả quyết định bổ nhiệm bản thân là phó giám đốc Công ty Trường Sinh có nhiệm vụ huy động vốn thực hiện Dự án để lừa các bị hại góp vốn rồi chiếm đoạt. Bà Xuân bị cáo buộc đã chiếm đoạt của 4 bị hại với tổng số tiền hơn 57 tỉ đồng.
Hai lần hủy án
Bản án sơ thẩm năm 2016 và năm 2020 đều tuyên phạt ông Nguyễn Huy Khang 18 năm tù, phạt ông Nguyễn Đình Bang 16 năm tù. Sau 2 phiên tòa, cả ông Khang và ông Bang kháng cáo kêu oan. Bản án phúc thẩm năm 2017 và năm 2020 đều hủy án sơ thẩm, giao về cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại.
Tại bản án phúc thẩm lần đầu năm 2017, HĐXX nhận định về tố tụng có một số vấn đề về xác định nguyên đơn dân sự. Ngoài ra, quá trình điều tra, điều tra viên ghi không đúng lời khai của bị cáo Khang. Nhiều lần bị cáo phải tự ghi lại và nhiều lần đề nghị thay đổi điều tra viên nhưng đều không được giải quyết theo quy định.
Về nội dung vụ án, theo bản án phúc thẩm lần 1, dự án An Khánh là dự án có thật, hiện dự án vẫn đang tồn tại, chưa bị thu hồi. Theo đăng ký kinh doanh của Công ty Trường Sinh, ông Bang sở hữu 50% vốn góp và được chuyển nhượng theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Về các yếu tố lừa dối, đối với việc ông Khang tự xưng là giám đốc Công ty Trường Sinh để ký kết hợp đồng góp vốn với ông Toàn thì bản thân ông Toàn có lời khai không thống nhất, khi nói là biết, khi nói là không.
Bị cáo Khang khẳng định ông Toàn biết vì khi soạn thảo và ký kết hợp đồng thì có đầy đủ tài liệu về việc này, Văn phòng luật sư do ông Toàn chọn và luật sư đã giải thích chưa nên ký nhưng ông Toàn vẫn ký. Mặt khác, có công văn của Văn phòng luật sư Vlaw về việc này.
Nội dung tố cáo của ông Toàn, các lời khai của ông Toàn tại Công an quận Đống Đa có nhiều mâu thuẫn với các lời khai tại Công an TP Hà Nội, mâu thuẫn với các chứng cứ khác có tại hồ sơ vụ án.
Đối với ông Bang, sau khi nhận tiền chuyển nhượng thì ông Bang giao giấy tờ, sổ đỏ, con dấu cho ông Khang, ông Toàn để hoàn tất thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh. Trong hồ sơ không có tài liệu nào thể hiện ông Khang, ông Bang cùng bàn bạc, thống nhất ý chí để cùng thực hiện hành vi phạm tội.
Tại cơ quan điều tra, ông Bang nói sẽ trả lại số tiền này và yêu cầu trả lại giấy tờ tài liệu, sổ đỏ, dự án và hủy hợp đồng mua bán để bảo đảm an toàn cho mình nhưng không được xem xét giải quyết.
HĐXX phúc thẩm thấy rằng, bản án sơ thẩm hầu như không xem xét đánh giá chứng cứ được thu thập tại cơ quan Công an quận Đống Đa, điều này vi phạm nguyên tắc phải đánh giá đầy đủ toàn diện các chứng cứ liên quan đến vụ án... Những sai sót này không thể khắc phục được ở cấp phúc thẩm nên HĐXX đã hủy án để điều tra lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm lần 2, bị cáo Xuân vừa bị bắt, CQĐT phục hồi điều tra. HĐXX phúc thẩm lần 2 đánh giá rằng việc điều tra làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo Xuân sẽ giúp cho việc đánh giá, xác định, làm rõ mức độ, hành vi của ông Khang, ông Bang nên quyết định tiếp tục hủy án để điều tra, xét xử lại.
14 năm kêu oan
Tại cơ quan điều tra và tại các phiên tòa, cả ông Bang và ông Khang đều kêu oan, khẳng định không có chuyện lừa đảo.
Ông Khang khai rằng thực chất quan hệ giữa ông Khang và ông Toàn là quan hệ vay lãi được thể hiện dưới hình thức góp vốn đầu tư. Ông Khang dùng số tiền vay để trả nợ và mua cổ phần của ông Bang tại Công ty Trường Sinh. Hợp đồng góp vốn giữa phía ông Toàn và Công ty Trường Sinh là hình thức đảm bảo cho việc vay nợ này.
Còn ông Bang khẳng định bản thân không biết ông Thái Khắc Toàn, không biết giao dịch giữa ông Toàn và ông Khang. Ông Bang cho rằng ông có quyền bán phần vốn góp của bản thân tại Công ty Trường Sinh vì đó là tài sản hợp pháp của ông. Ông không hề có mục đích, hành vi lừa dối ai.
Nguồn PLO: https://plo.vn/nhung-khuc-mac-keo-dai-trong-vu-tam-giam-13-nam-post798192.html