Giải quyết ruộng bậc thang ở vùng đồng bằng Quảng Trị - Bài 3: Tăng cường quản lý sử dụng đất trồng lúa

Các huyện Triệu Phong, Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) đã ban hành văn bản đề nghị tăng cường quản lý sử dụng đất trồng lúa, đất nông nghiệp trên địa bàn.

Tăng cường quản lý sử dụng đất

Trước tình hình người dân tự ý cải tạo, hạ độ cao đất nông nghiệp đặc biệt là đất trồng lúa trên địa bàn, UBND 2 huyện Hải Lăng và Triệu Phong, phòng chức năng đã có văn bản đề nghị tăng cường quản lý đối với vấn đề này.

Chính quyền, phòng chức năng tại các huyện Hải Lăng, Triệu Phong yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, xử lý khai thác cải tạo, hạ độ cao đất nông nghiệp. Ảnh: N.V.

Chính quyền, phòng chức năng tại các huyện Hải Lăng, Triệu Phong yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, xử lý khai thác cải tạo, hạ độ cao đất nông nghiệp. Ảnh: N.V.

Cụ thể, ngày 4/5/2024, UBND huyện Triệu Phong có văn bản số 1656/UBND-TN về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý khai thác cải tạo, hạ độ cao đất nông nghiệp.

Văn bản nêu rõ: “Thời gian gần đây, qua ý kiến phản ánh của người dân tại một số xã trên địa bàn huyện đang xảy ra tình trạng người dân tự ý cải tạo, hạ độ cao đất nông nghiệp đặc biệt là đất lúa, gây biến dạng địa hình làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của các hộ xung quanh, gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân”.

Hay, ngày 16/8/2024, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng có văn bản số 209/PNN-T.Trọt về việc tăng cường quản lý, sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn.

Trong đó nêu: “Qua theo dõi, nắm tình hình, phòng nhận thấy trên địa bàn huyện có tình trạng một số đơn vị, cá nhân tự ý hạ độ cao cải tạo đồng ruộng khi chưa có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, sử dụng tầng đất mặt của đất trồng lúa chưa đảm bảo quy định”.

Ngày 21/8/2024, UBND huyện Hải Lăng có văn bản số 1316/UBND-TH về việc tăng cường quản lý, bảo vệ đất trồng lúa. Trong đó, yêu cầu UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện trách nhiệm của người sử dụng đất trồng lúa theo quy định.

Qua văn bản, đề nghị UBND các xã, thị trấn trên địa bàn: “Trước mắt, tăng cường công tác kiểm tra chấn chỉnh, xử lý, chấm dứt tình trạng khai thác, vận chuyển trái phép đất trồng lúa trên địa bàn quản lý, kết quả báo cáo UBND huyện (qua Phòng Nông nghiệp và PTNT) trước ngày 28/8/2024”.

Có kinh phí hỗ trợ cải tạo đồng ruộng nếu được phê duyệt

Hiện trường hạ độ cao tại một thửa ruộng thuộc thôn Lam Thủy (xã Hải Hưng). Ảnh: N.V.

Hiện trường hạ độ cao tại một thửa ruộng thuộc thôn Lam Thủy (xã Hải Hưng). Ảnh: N.V.

Trao đổi thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị cho hay, việc cải tạo, hạ độ cao đồng ruộng phải đảm bảo các quy định hiện hành của pháp luật. Trong đó, UBND cấp huyện có thẩm quyền phê duyệt các dự án này.

Bà Nguyễn Hồng Phương cho biết thêm, Sở Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng Đề án phát triển sản xuất lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên gắn với liên kết chuỗi giá trị giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến 2030, trình UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện từ năm 2025.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị, UBND các huyện, thị xã, TP báo cáo kết quả sản xuất lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên trong thời gian qua cũng như những thuận lợi, khó khăn và kiến nghị đề xuất đối với vấn đề này.

Đề nghị UBND các huyện, thị xã, TP đăng ký diện tích, vị trí, địa điểm để quy hoạch phát triển lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên năm 2025, năm 2030.

Đồng thời, trên cơ vùng quy hoạch để phát triển lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên, các huyện, thị xã, TP tiến hành đăng ký đăng ký nhu cầu về: Diện tích cần cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng trong năm 2025 và những năm tiếp theo; Diện tích cần hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi năm 2025 và những năm tiếp theo; Diện tích cần hỗ trợ để sản xuất lúa hữu cơ trong năm 2025 và những năm tiếp theo; Thống kê về hạ tầng giao thông, thủy lợi, máy móc cơ giới hóa, máy cấy, sấy, chế biến; Khảo sát nhu cầu của các hợp tác xã về nhu cầu hỗ trợ các thiết bị máy móc phục vụ sản xuất và chế biến lúa hữu cơ: Máy sấy, máy chế biến gạo, máy cấy…; Các nội dung khác theo thực tế tại địa phương để phục vụ sản xuất lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên trên địa bàn.

Vẫn theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay đã có một số địa phương báo cáo, đăng ký về vấn đề này. Sau khi tổng hợp đầy đủ, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Đối với các dự án cải tạo đồng ruộng được phê duyệt sẽ được hỗ trợ kinh phí theo quy định.

Nghĩa Văn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/giai-quyet-ruong-bac-thang-o-vung-dong-bang-quang-tri-bai-3-tang-cuong-quan-ly-su-dung-dat-trong-lua-10290840.html