Giải quyết số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp

'Bộ, ngành Tư pháp đã giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, DN trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là trong việc thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp, chứng thực, công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm'. Đây là một trong những kết quả nổi bật của Bộ, ngành Tư pháp trong năm 2019 vừa được tổng kết.

Theo Bộ Tư pháp, năm 2019, tại các địa phương, số Phiếu lý lịch tư pháp đã cấp tăng rất nhiều so với năm 2018 và tăng hơn gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ. Cụ thể: Đã cấp được tổng số 768.933 Phiếu lý lịch tư pháp (tăng tới 42,6 % so với năm 2018).

Bộ Tư pháp đã cấp 15.204 Phiếu lý lịch tư pháp của người nước ngoài đã từng cư trú tại Việt Nam và công dân Việt Nam không có nơi thường trú, tạm trú (tăng hơn 1,4 lần so với năm 2018). Phối hợp với Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an và CA các tỉnh/ TP tra cứu, xác minh 484.634 trường hợp cho các Sở Tư pháp cấp phiếu.

Năm 2019, các địa phương đã cấp được tổng số 768.933 Phiếu lý lịch tư pháp (tăng tới 42,6 % so với năm 2018). Ảnh minh họa

Năm 2019, các địa phương đã cấp được tổng số 768.933 Phiếu lý lịch tư pháp (tăng tới 42,6 % so với năm 2018). Ảnh minh họa

Trong năm, toàn ngành đã chứng thực 102,4 triệu bản sao, thực hiện được hơn 8,5 triệu việc chứng thực hợp đồng, giao dịch, chữ ký và các văn bản thỏa thuận khác (tăng 3% so với năm 2018), tạo điều kiện thuận lợi để người dân, DN thực hiện các quyền hợp pháp của mình.

Trong công tác bổ trợ tư pháp, năm 2019, đã công chứng được 6.730.548 hợp đồng, giao dịch, bản dịch và các loại việc khác, đóng góp cho ngân sách Nhà nước hoặc nộp thuế hơn 301 tỷ đồng. Các luật sư đã thực hiện 109.097 vụ việc, nộp thuế gần 285 tỷ đồng (tăng tới 136% so với năm 2018), ngày càng đóng góp tích cực trong việc nâng cao chất lượng hoạt động tố tụng, chất lượng tranh tụng tại phiên tòa.

Bên cạnh việc giải quyết số lượng lớn yêu cầu của người dân, Bộ Tư pháp cũng nhìn nhận những mặt còn tồn tại, hạn chế. Đó là: Tình trạng lạm dụng yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 vẫn tăng nhanh (cấp 209.123 phiếu, tăng 25,6% so với năm 2018). Trình trạng quá hạn trong cấp Phiếu lý lịch tư pháp còn xảy ra ở một số địa phương.

Sai phạm trong lĩnh vực hộ tịch, đặc biệt là tình trạng thay đổi, cải chính hộ tịch không có cơ sở/ thực hiện thay đổi, cải chính hộ tịch trái quy định pháp luật để hợp lý hóa hồ sơ giấy tờ cá nhân còn xảy ra tại một số địa phương…

Đáng chú ý, trong bối cảnh xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bổ trợ tư pháp, có quan điểm nhận thức coi các nghề tư pháp như các nghề kinh doanh thông thường. Dẫn đến xu hướng “tự do hóa” đối với các nghề như luật sư, công chứng, đấu giá tài sản thay vì chú trọng đến chất lượng, tính chuyên nghiệp của các nghề này, cũng như sứ mệnh bảo vệ công lý, công bằng xã hội và an toàn giao dịch, chống thất thoát tài sản công. Hoạt động của một số tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp như luật sư, công chứng, đấu giá tài sản, thừa phát lại còn có sai phạm, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Còn có hiện tượng chạy theo lợi nhuận gây ảnh hưởng đến uy tín hoạt động hành nghề trong xã hội…

Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những vướng mắc, tồn tại, năm 2020, ngành Tư pháp tiếp tục tăng cường tuyên truyền để từng bước hạn chế tình trạng lạm dụng cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, tra cứu xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp nhằm giải quyết triệt để tình trạng chậm thời hạn cấp phiếu.

Cùng với đó, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hiệu quả cho hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch. Kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác chứng thực, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện pháp luật về chứng thực; Tăng cường quản lý Nhà nước và nâng cao chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp như công chứng, bán đấu giá tài sản, giám định tư pháp, thừa phát lại…

Nguyên An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/giai-quyet-so-luong-lon-yeu-cau-cua-nguoi-dan-doanh-nghiep-174596.html