Giải quyết tận gốc 'số thu ảo'

Bộ Tài chính mới đây cho biết, trong ba năm từ 2015 đến 2018, cơ quan thuế đã thu hồi được 80% số nợ có khả năng thu hồi, tốc độ tăng bình quân đạt 14,4%/năm. Theo đó, tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh từ 12,2% năm 2014 xuống còn 6,7% năm 2018. Tuy nhiên, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao với tổng số tiền thuế nợ tính đến hết năm 2018 vẫn còn tới 81.618 tỷ đồng.

Điều đáng lưu ý là trong số tiền này, tiền thuế nợ không có khả năng thu ngân sách chiếm 50,7%, tương đương 41.387 tỷ đồng, chủ yếu là nợ khó đòi từ thu nội địa. Tách riêng từng “món nợ” ra thì trong số 37.572 tỷ đồng nợ thuế nội địa, có tới 15.950 tỷ đồng là tiền phạt và tiền chậm nộp, số tiền “gốc” là 20.327 tỷ đồng; nợ các khoản liên quan đến đất là 1.295 tỷ đồng. Điều này có nghĩa là gần một nửa trong số nợ thuế là tiền lãi mà người nộp thuế phải nộp cho Nhà nước do chậm nộp, dù rằng chủ kinh doanh đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, hoặc liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh.

Cụ thể hơn, trong số thống kê của cơ quan chức năng, có tới gần 3.000 người nộp thuế là người đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự với số tiền thuế nợ là 460 tỷ đồng, trong đó tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 174 tỷ đồng. Có 229 trường hợp nợ 1.487 tỷ đồng (hơn một nửa là tiền phạt) là do bị thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn bất ngờ hoặc gặp trường hợp bất khả kháng. Có 430 người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán, nên không có nguồn nộp kịp thời dẫn đến phát sinh số tiền thuế nợ là 986 tỷ đồng, trong đó tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 481 tỷ đồng. Vì không còn khả năng nộp thuế nên số tiền chậm nộp ngày càng tăng theo thời gian song thực tế vẫn không có khả năng thu hồi. Đó là chưa kể tới 731.696 người nộp thuế (gồm 197.336 doanh nghiệp và 534.360 hộ gia đình và cá nhân) bỏ địa chỉ kinh doanh có số tiền thuế nợ là 23.889 tỷ đồng, trong đó tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 9.360 tỷ đồng... Dù đã rất nỗ lực, cố gắng nhưng một mình cơ quan thuế đã không thể xử lý được, trong khi công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan khác không đem lại kết quả khả thi.

Thực tế “số thu ảo” từ thu hồi nợ thuế đã tồn tại rất lâu. Số liệu này ngày càng “phình to” do người nộp đã mất khả năng thanh toán, dẫn đến số thực thu ngân sách nhà nước thấp hơn số thu trên sổ sách nhưng cơ quan quản lý thuế vẫn phải theo dõi, quản lý, gây lãng phí nguồn lực. Rõ ràng, cần tạo cơ chế pháp lý để xử lý dứt điểm số nợ này, phù hợp với quy định của pháp luật thuế hiện hành, làm minh bạch số thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cơ chế này cần chặt chẽ nhưng dễ thực hiện, tránh trường hợp trục lợi từ chính sách.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chỉ cho phép xử lý tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp nhằm tháo gỡ khó khăn về tài chính cho những người nộp thuế có phát sinh nợ thuế, bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp bất khả kháng khác. Còn lại, số thuế nợ gốc và các trường hợp khác vẫn phải tuân thủ pháp luật, và cơ quan thuế nghiêm khắc thực thi trách nhiệm hành thu. Cần công khai, minh bạch việc xử lý tiền thuế nợ, bảo đảm có kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền cũng như giám sát của nhân dân. Có như thế mới tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế nhưng vẫn phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi và cố tình chây ỳ, nợ thuế; giải quyết được tận gốc tình trạng số thu “báo cáo” và số thu thực tế chênh nhau như đã tồn tại nhiều năm.

SÔNG TRÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/41684302-giai-quyet-tan-goc-%E2%80%9Cso-thu-ao%E2%80%9D.html