Giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm an toàn, thông suốt
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Trung tâm Phục vụ hành chính công (TTPVHCC) tỉnh Long An và trung tâm hành chính công (TTHCC) ở các huyện, thị xã, thành phố chủ động thay đổi phương thức trong tiếp nhận và xử lý hồ sơ (HS) thủ tục hành chính bảo đảm thông suốt, an toàn tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, công dân và đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.
Đổi hình thức tiếp nhận hồ sơ
Nếu như trước đây, cá nhân, tổ chức có thể trực tiếp đến TTPVHCC tỉnh và TTHCC các huyện, thị xã, thành phố để nộp HS giải quyết thủ tục hành chính thì dịch Covid-19 bùng phát đã trực tiếp ảnh hướng đến việc nộp và tiếp nhận HS. Đặc biệt, từ khi tỉnh áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, TTPVHCC tỉnh và TTHCC các huyện, thị xã, thành phố không nhận trực tiếp các HS của tổ chức, cá nhân để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh. Mặc dù không tiếp nhận HS trực tiếp nhưng trong 2 tháng qua, tại TTPVHCC tỉnh và TTHCC các huyện, thị xã, thành phố vẫn hoạt động bảo đảm thông suốt, an toàn, tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, công dân và đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.
Theo Phó Giám đốc TTPVHCC tỉnh - Lưu Hiếu Trung, trước yêu cầu phòng, chống dịch, từ ngày 08/7/2021, TTPVHCC tỉnh không tiếp nhận HS trực tiếp của các tổ chức, cá nhân mà tập trung hướng dẫn người dân thực hiện nộp HS trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công của tỉnh hoặc sử dụng dịch vụ bưu chính công ích (DVBCCI) tiếp nhận HS. Việc trả kết quả HS cũng được trung tâm thực hiện thông qua DVBCCI để bảo đảm công tác phòng, chống dịch.
“Riêng từ khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, TTPVHCC tỉnh tiếp nhận trên 3.000 HS qua Cổng Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) và tiếp nhận, trả kết quả qua DVBCCI. Còn tính chung từ đầu năm đến hết tháng 8, đơn vị tiếp nhận hơn 34.500 HS, trong đó có gần 11.000 HS tiếp nhận bằng hình thức trực tuyến và đã giải quyết trên 33.000 HS cho các tổ chức, cá nhân” - Phó Giám đốc TTPVHCC tỉnh - Lưu Hiếu Trung cho biết.
Bên cạnh đó, theo ông Trung, hiện nay, việc nộp HS giải quyết thủ tục hành chính của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh rất thuận lợi khi tỉnh đã cung cấp 1.560 DVCTT mức độ 3, 4. Trong đó, có 1.399 DVCTT mức độ 4; 161 DVCTT mức độ 3 và còn lại 293 dịch vụ công mức độ 2, tất cả đều được cung cấp, công bố trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh. Do đó, đối với DVCTT theo mức độ 3 và 4, tổ chức, cá nhân chỉ cần ngồi ở nhà có thể điền và gửi mẫu văn bản yêu cầu trực tuyến đến cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, thanh toán lệ phí trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính và nhận về kết quả. Việc nộp HS trực tuyến cũng là hình thức tất yếu trong bối cảnh tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và để bảo đảm phương châm “ai ở đâu ở yên đó” khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Bảo đảm giải quyết thủ tục hành chính kịp thời
Tại huyện Cần Giuộc, một trong những địa phương có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính cao trên địa bàn tỉnh, những ngày này, cán bộ, nhân viên tại TTHCC huyện vẫn làm việc cật lực bằng các hình thức trực tuyến để kịp thời giải quyết HS. Mặc dù chỉ phải tiếp nhận 156 HS mới qua hình thức trực tuyến nhưng số lượng HS từ kỳ trước chuyển sang lên đến gần 4.500 HS. Đến nay, TTHCC huyện giải quyết 1.160 HS, trong đó có 329 HS trước hạn, 807 HS đúng hạn, đạt 97,33%. Hiện Trung tâm tập trung giải quyết đối với gần 3.500 HS chưa đến hạn.
Giám đốc TTHCC huyện Cần Giuộc - Trần Thị Thanh Phương khẳng định: “Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trong khi nhu cầu giải quyết HS thủ tục hành chính của các tổ chức, cá nhân cao, hiện nay, Trung tâm tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp chặt chẽ các đơn vị cung ứng DVBCCI trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm giải quyết công việc kịp thời, hiệu quả nhất đến với người dân”.
Còn tại TTHCC huyện Bến Lức, mặc dù hiện nay DVBCCI không thực hiện tiếp nhận và trả kết quả do địa phương đang thực hiện các biện pháp quyết liệt để kiểm soát dịch bệnh nhưng Trung tâm vẫn huy động tối đa cán bộ, nhân viên làm việc trực tuyến để kịp thời giải quyết HS tồn đọng. Giám đốc TTHCC huyện Bến Lức - Nguyễn Văn Vũ cho biết: “Từ khi thực hiện giãn cách xã hội, Trung tâm không tổ chức tiếp nhận HS trực tiếp nhưng vẫn nhận HS trực tuyến và thực hiện tiếp nhận, trả kết quả qua DVBCCI. Tuy nhiên, từ ngày 23/8 đến nay, DVBCCI cũng tạm dừng hoạt động nên Trung tâm tập trung đẩy mạnh việc giải quyết HS qua hình thức trực tuyến. Đến nay, về cơ bản, việc giải quyết các HS tồn đọng được bảo đảm kịp thời, không để quá hạn nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết HS của các tổ chức, cá nhân trong thời gian cao điểm chống dịch”.
Theo Phó Giám đốc TTPVHCC tỉnh - Lưu Hiếu Trung, việc tiếp nhận giải quyết tốt HS trực tuyến và qua DVBCCI thời gian qua cho thấy hiệu quả rõ rệt, vừa kịp thời đáp ứng được nhu cầu của công dân, vừa tránh tiếp xúc đông người trong một không gian có hạn của các trung tâm để phòng ngừa dịch bệnh, vừa tiết kiệm thời gian đi lại, tăng tính công khai, minh bạch.
Bên cạnh đó, hiện nay, UBND tỉnh cũng cho rà soát lại các DVCTT của tỉnh cung cấp ở mức độ 2, 3 để đề xuất cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 với mục tiêu cung cấp nhiều nhất có thể các DVCTT ở mức độ 4. Riêng đối với các trường hợp dịch vụ công ở mức độ 2 không đủ điều kiện để cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 thì sẽ tập trung rà soát để đề xuất triển khai cung cấp ở mức độ 3, giảm tối đa số lượng dịch vụ công của tỉnh cung cấp ở mức độ 2.
Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần phổ biến, sử dụng, khai thác hiệu quả các dịch vụ cung cấp trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, đặc biệt là kết nối, khai thác triệt để dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia để cung cấp hiệu quả các DVCTT mức độ 4, giảm thiểu giấy tờ khi người dân và doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công./.