Giải quyết thủ tục hành chính: Nhiều bất cập cần tháo gỡ

Công tác cải cách hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập cần sớm tháo gỡ để tạo thuận lợi cho người dân và cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ.

Cán bộ “một cửa”… bận hơn

Năm 2019, thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực quản lý nhà nước. Các sở, ban, ngành của thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã đã tích cực triển khai hệ thống “một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp, kết nối cổng dịch vụ công của thành phố, song song với triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho các tổ chức, công dân. Tính đến ngày 23-8-2019, có 1.427 dịch vụ công trực tuyến/1.839 thủ tục hành chính đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (đạt tỷ lệ 79%); có 290.489/1.868.238 hồ sơ thực hiện giải quyết trực tuyến (đạt 15,5%).

Bộ phận “một cửa” UBND huyện Quốc Oai giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Bá Hoạt

Ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính tưởng như công việc của cán bộ sẽ nhàn hơn, nhanh hơn, song thực tế, vẫn còn công dân “ngại” tiếp cận với công nghệ mới, không tự đăng ký thủ tục hành chính qua mạng nên công chức bộ phận “một cửa” phải làm hộ. Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận Hai Bà Trưng cho biết: “Ngoài việc giúp những người cao tuổi, công chức bộ phận “một cửa” đôi lúc phải làm hộ cho người trẻ tuổi vì hướng dẫn xong họ vẫn nhất định nhờ làm. Nếu không làm giúp, có thể họ sẽ nghĩ mình cố tình gây khó dễ”.

Theo chị Phạm Thị Mai, công chức bộ phận “một cửa” xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì), 9 tháng năm 2019, tổng số hồ sơ đã tiếp nhận và giải quyết tại bộ phận “một cửa” của xã là 5.248 hồ sơ. Trong đó, có 1.145 hồ sơ lĩnh vực tư pháp - hộ tịch có thể thực hiện trên dịch vụ công trực tuyến, song chỉ có khoảng 50% người dân tự đăng ký nộp hồ sơ trực tuyến. Hầu hết công dân lớn tuổi không thao tác để nộp qua mạng được, nên cán bộ tiếp nhận phải làm thay. Nhiều người trẻ tuổi cũng chưa biết cách làm nên phải hướng dẫn. Chưa kể, một số thanh niên cũng nhờ cán bộ đăng ký trực tuyến hộ với lý do “thủ tục phức tạp, rắc rối”.

Việc “làm hộ” này cũng là một trong những nguyên nhân khiến cán bộ bộ phận “một cửa” thêm việc, ảnh hưởng đến thời gian giải quyết các hồ sơ khác.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànôịmới, bên cạnh những người thấy việc nộp hồ sơ trực tuyến dễ dàng, nhanh chóng, vẫn còn một số người có tâm lý chưa muốn tiếp cận cái mới, hoặc do gặp trục trặc ngay từ lần đầu nên có ác cảm.

Bà Nguyễn Thu Minh (chung cư Hồng Hà, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Tôi đã từng thử tìm hiểu dịch vụ công trên điện thoại nhưng lúc mở ra thì bị lỗi không truy cập được, lúc thì không gửi được hồ sơ nên tôi chưa thấy được sự tiện lợi”.

Còn nhiều vướng mắc

Đối với công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính lại gặp những khó khăn, vướng mắc riêng, ảnh hưởng đến công việc chuyên môn. Điển hình như trong tháng 9-2019, Đoàn kiểm tra công vụ của thành phố kiểm tra đột xuất tại UBND phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình) đã nhận thấy có một số hồ sơ quá hạn giải quyết. Tuy nhiên, công chức tiếp nhận hồ sơ lý giải việc quá hạn là do lỗi phần mềm báo không chính xác, còn thực tế là cán bộ phường đã giải quyết xong phần việc của mình… Tình trạng phần mềm báo không chính xác cũng được ghi nhận ở bộ phận “một cửa” các phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), Dương Nội (quận Hà Đông), xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì)…

Từ thực tế quá trình công tác, chị Kiều Trang, công chức bộ phận “một cửa” của UBND phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình) đã chỉ ra một số điểm còn bất cập. Đó là, đối với hồ sơ đăng ký kết hôn, hệ thống “một cửa” điện tử thành phố dùng chung 3 cấp tự động ấn định thời gian trả kết quả 1 ngày là chưa phù hợp, vì trong hồ sơ công dân nộp chỉ có giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của một bên, cán bộ tư pháp - hộ tịch phải xác minh về tình trạng hôn nhân của bên còn lại. Cùng với đó, thời gian phân bổ từng bước trong hệ thống “một cửa” điện tử thành phố dùng chung 3 cấp chưa hợp lý, vì các bộ phận chuyên môn sẽ cần có nhiều thời gian để xác minh, hoàn thiện hồ sơ hơn so với bộ phận khác…

Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thùy Dương (Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận Hai Bà Trưng), một số thủ tục bãi bỏ thì phải loại trên phần mềm nhưng hiện vẫn để nguyên rồi tích thêm những cái mới, không có sự thanh lọc, khó cho người thực hiện…

Một nội dung khác được công chức nhiều phường chỉ ra là đối với hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở, hệ thống “một cửa” điện tử thành phố dùng chung 3 cấp chỉ quy định thời hạn 20 ngày cả của phường và quận. Trong khi đó, thời gian quy định riêng cấp phường thụ lý và niêm yết là 25 ngày. Bên cạnh đó, việc trong biểu mẫu sổ đăng ký khai tử, trích lục khai tử không có thông tin về nơi đăng ký thường trú trước khi chết, không có thông tin về người đi đăng ký khai tử cũng là một khó khăn trong việc tra cứu và cung cấp xác minh thông tin sau này. Điều đáng nói là những bất cập trên đã được kiến nghị nhiều lần nhưng chưa có phản hồi.

Theo Phó Chánh Thanh tra Sở Nội vụ Hà Nội Phạm Minh Tâm, Thư ký Đoàn kiểm tra công vụ thành phố năm 2019, trong các cuộc kiểm tra công vụ, Đoàn kiểm tra đã tiếp nhận ý kiến của nhiều đơn vị về một số nội dung còn khó khăn, vướng mắc. Đoàn kiểm tra sẽ tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét quyết định.

Để công việc giải quyết thủ tục hành chính ở cơ sở được thuận lợi, thân thiện hơn, những bất cập nêu trên rất cần được tháo gỡ.

Phong Thu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/cai-cach-hanh-chinh/948829/giai-quyet-thu-tuc-hanh-chinh-nhieu-bat-cap-can-thao-go