Giải quyết tốt tư tưởng với chiến sĩ
'Mùa huấn luyện năm nay, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 (Quân khu 2) tiếp nhận, quản lý, huấn luyện chiến sĩ mới (CSM) đến từ 7 tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái. Trong đó, số CSM đã lập gia đình chiếm hơn 11,4%, đặc điểm này đặt ra việc nắm, giải quyết tư tưởng, quản lý kỷ luật, đồng thời phát huy vai trò của bộ đội từ những nét đặc thù riêng ấy', Trung tá Phùng Ngọc Tuấn, Chính ủy trung đoàn chia sẻ.
Buổi gặp gỡ giữa chỉ huy trung đoàn với 20 đồng chí đại diện cho hơn 100 CSM có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chiến sĩ đã lập gia đình vừa nhập ngũ do trung đoàn tổ chức vào đầu tháng 4 diễn ra trong bầu không khí gần gũi, thân tình, cởi mở. Thời gian tuy không nhiều song bằng việc lắng nghe ý kiến, đơn vị kịp thời nắm rõ tâm tư, tình cảm, khó khăn, vướng mắc của bộ đội, qua đó có biện pháp ứng xử kịp thời, góp phần thực hiện tốt công tác huấn luyện CSM. Cũng từ việc làm thiết thực ấy, bộ đội thấy được sự quan tâm của cấp ủy, chỉ huy đơn vị đối với bản thân, gia đình để nỗ lực học tập, rèn luyện.
Chiến sĩ ở Đại đội 10 gọi điện về gia đình trong giờ nghỉ. Ảnh: BÙI HIỂN.
Chiến sĩ Thào Mí Lử (Trung đội 6, Đại đội 10, Tiểu đoàn 9) thổ lộ: “Nhập ngũ chưa lâu song chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, chăm lo đến mọi mặt của đời sống, cũng như sinh hoạt, học tập của chỉ huy các cấp. Trước khi nhập ngũ, tôi đã lấy vợ và có con trai hơn 3 tuổi. Để vơi bớt nỗi nhớ nhà, động viên hậu phương, tôi mạnh dạn đề xuất với chỉ huy tạo điều kiện được trò chuyện với vợ, con vào giờ nghỉ”. Còn chiến sĩ Giàng Mí Mua, người dân tộc Mông ở xã Phố Là, huyện Đồng Văn (Hà Giang) đã có con gái hơn một tuổi, bày tỏ sự cảm động bởi được Chính trị viên đại đội thường xuyên tạo điều kiện cho liên lạc về gia đình qua điện thoại. Giàng Mí Mua hứa sẽ phấn đấu tốt để xứng đáng với tình cảm ấy.
Theo Thiếu tá Đỗ Văn Toàn, Chủ nhiệm Chính trị trung đoàn: Khi CSM nhập ngũ cũng là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Bởi vậy, đơn vị thực hiện chủ trương của sư đoàn tạm dừng việc thăm thân. Nắm bắt được nguyện vọng của bộ đội, nhất là các chiến sĩ đã lập gia đình thường nhớ vợ con, ảnh hưởng đến chất lượng học tập, công tác, trung đoàn tổ chức buổi gặp gỡ này. Qua đó giúp cán bộ nắm bắt thêm thông tin về gia đình, người thân chiến sĩ để có biện pháp quản lý hiệu quả hơn. Việc tạo điều kiện cho CSM gọi điện thoại video để nhìn thấy hình ảnh vợ, con là cách làm phù hợp trong giai đoạn hiện nay...
Một biện pháp khác được đơn vị thực hiện là ngay sau khi tiếp nhận CSM, cán bộ trung đội, đại đội tìm hiểu rõ lý lịch, hoàn cảnh gia đình, đời sống kinh tế, quan hệ xã hội, sở trường, nguyện vọng… của anh em thông qua “hồ sơ thông tin chiến sĩ”. Trong đó, đơn vị đặc biệt chú trọng nắm, quản lý tư tưởng các CSM có hoàn cảnh khó khăn và đã lập gia đình. Là cán bộ người dân tộc Mông, lại có nhiều kinh nghiệm trực tiếp quản lý, huấn luyện bộ đội, Thiếu tá Hảng Seo Chúng, Chính trị viên Đại đội 12, Tiểu đoàn 9 cho rằng: “Gần gũi, trò chuyện, hỏi thăm gia đình, vợ, con giúp bộ đội vơi đi nỗi nhớ nhà và thường xuyên chia sẻ với cán bộ về chuyện hậu phương. Trong thời gian quản lý, huấn luyện, có nhiều CSM gặp riêng tôi giãi bày tâm sự. Như mùa huấn luyện năm 2019, chiến sĩ Thào Mí Ly quê ở xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đề nghị tôi cho về thăm gia đình mấy ngày. Mặc dù hôm đó đã khuya, nhưng tôi dành thời gian trò chuyện, giải thích về quy định của quân đội và đơn vị nên Thào Mí Ly nhận thức ra, không xin về nữa”.
Để làm tốt công tác quản lý tư tưởng bộ đội, đội ngũ cán bộ các cấp ở trung đoàn thường xuyên sâu sát, kịp thời nắm diễn biến tư tưởng của anh em, từ đó có biện pháp quản lý phù hợp. Chiến sĩ đã lập gia đình thường có nhận thức, hành động chín chắn hơn đồng đội khác, nên các phân đội thường sắp xếp anh em làm Tổ trưởng tổ 3 người để phát huy vai trò gương mẫu của người anh trong tổ. Mặt khác, đơn vị chỉ đạo đoàn thanh niên thường xuyên tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tạo bầu không khí vui tươi, phấn khởi, giúp bộ đội yên tâm rèn luyện, yêu mến và nỗ lực phấn đấu xây dựng đơn vị.