Giải quyết tranh chấp thương mại: Hiệu quả hơn với trọng tài quốc tế?
Khi xảy ra tranh chấp thương mại, vì nhiều nguyên nhân mà doanh nghiệp ngại thưa kiện ra tòa. Thay vào đó, họ tìm đến các trọng tài quốc tế với mong muốn việc giải quyết tranh chấp sẽ hiệu quả hơn. Hiện nay, xu hướng này đang dần phổ biến tại Việt Nam.
151 vụ tranh chấp thương mại được giải quyết trong năm 2017
Theo thống kê của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), năm 2017, VIAC đã tiếp nhận và giải quyết 151 vụ tranh chấp thương mại với tổng trị giá lên đến 1.400 tỷ đồng, vụ việc tranh chấp lớn nhất trị giá 525 tỷ đồng, tính trung bình mỗi vụ tranh chấp có trị giá khoảng 9,2 tỷ đồng. Có 19 vụ hòa giải thành công, thời gian giải quyết tranh chấp trung bình 158,93 ngày.
"Cá biệt, trong giai đoạn trước đó, vụ tranh chấp lớn nhất được ghi nhận trị giá tới 3.800 tỷ đồng (xấp xỉ 166 triệu USD)", một đại diện VIAC cho hay.
Về lĩnh vực tranh chấp, theo VIAC, mua bán hàng hóa chiếm tỷ lệ cao nhất với 41% tổng số vụ, xây dựng là 18%, tài chính là 11%, còn lại là các lĩnh vực khác như bảo hiểm, vận tải, dịch vụ, cho thuê… Riêng với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI), tỷ lệ cạnh tranh trong mua bán hàng hóa là 32%, xây dựng là 25%, cho thuê là 20%...
“Đáng chú ý, lĩnh vực tranh chấp trong xây dựng đang trở thành vấn nổi cộm tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Số lượng vụ việc tuy không nhiều, nhưng tổng giá trị tranh chấp lớn”, ông Phan Trọng Đạt, Phó tổng thư ký VIAC chia sẻ.
Liên quan đến tranh chấp của khối DN FDI, Luật sư Phạm Mạnh Dũng, Công ty Luật TNHH Rajah &Tann LCT Lawyers cho biết, trong quá trình đầu tư vào Việt Nam, có không ít tranh chấp nảy sinh đối với khối này. Theo ông Dũng, các tranh chấp thường gặp với các DN FDI là tranh chấp về thuế; ưu đãi quy định trong Giấy chứng nhận (đăng ký đầu tư); hoạt động liên quan đến đầu tư như mua bán, xây dựng, dịch vụ, bảo hiểm, cho thuê, vận chuyển, gia công, đóng tàu…
“Thực tế, tranh chấp giữa các nhà đầu tư là rất đa dạng. Năm 2014, có khoảng 72 vụ vướng mắc được xử lý. Hiện nay, trung bình các cơ quan Trung ương tiếp nhận 1 vụ việc/tuần”, ông Dũng cho hay.
Khối FDI: Trọng tài quốc tế là lựa chọn hàng đầu để xử lý tranh chấp
Trong những năm gần đây, tỷ lệ tranh chấp nội địa có xu hướng ngày càng gia tăng và cao hơn tỷ lệ các tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, phần lớn DN cho biết, họ ngại thưa kiện ra tòa vì nhiều lý do như vừa mất thời gian, vừa tốn kém, năng lực của một số cán bộ tòa án không đảm bảo...
Khảo sát về phương thức giải quyết tranh chấp của nhóm DN FDI tại Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2017) cũng cho thấy, 72% DN lựa chọn phương thức khác hơn là kiện ra tòa; 43% nhận thấy thời gian giải quyết ở tòa lâu; 28% lo ngại chi phí cao; 22% lo ngại tình trạng "chạy án"; 14% lo tòa xử không công bằng… Để giải quyết các vấn đề về tranh chấp, DN FDI thường tìm đến các trọng tài quốc tế. Kết quả khảo sát trên chỉ ra rằng, 40% DN FDI tìm đến trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp thương mại; 19,4% gửi đơn thư khiếu nại đến quan chức tỉnh; 15,5% gửi thư tới đại sứ quán…
Theo VIAC, cộng đồng DN ngày càng quan tâm và lựa chọn trọng tài quốc tế nhiều hơn. Ngoài các địa bàn kinh tế trọng điểm (Hà Nội, TP.HCM, Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai…), đã xuất hiện những DN tại các địa phương khác sử dụng trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp. Tính đến nay, đã có 36/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có doanh nghiệp tìm đến VIAC để "nhờ" giải quyết tranh chấp. Thống kê của VIAC cho thấy, trong giai đoạn 1993-2018 (tính đến ngày 10/5/2018), tranh chấp giữa các DN trong nước (không có bên nào là DN FDI) chiếm hơn 40% tổng số các vụ việc, trong khi tranh chấp riêng trong khối DN FDI là 23,29 %, còn tranh chấp có yếu tố nước ngoài là 36,64%.
"Riêng trong năm 2017, tranh chấp trong nước chiếm tỷ lệ 71,52% - cao nhất trong các năm. Tranh chấp có yếu tố nước ngoài chiếm 28,48%. Hiện nay, đã có trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới có DN có tranh chấp được giải quyết tại VIAC. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Singapore tiếp tục là những quốc gia có số lượng DN tham gia giải quyết tranh chấp nhiều nhất tại VIAC", thống kê trên nêu rõ.
Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, Đại diện Tòa án Trọng tài quốc tế (ICC), ông Fan Chaoming, Giám đốc Khu vực Bắc Á cho hay, với nỗ lực cải thiện hiệu suất và sự minh bạch, các trọng tài quốc tế thường tạo được niềm tin với DN, bởi minh bạch càng cao thì càng hiệu quả trong phán xử.
Việt Nam hiện đang tạo điều kiện môi trường đầu tư thuận lợi, tập trung hoàn thiện thể chế, minh bạch hóa hệ thống pháp luật, đảm bảo quyền tự do lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp cho mọi thành phần kinh tế, bao gồm cả trọng tài thương mại. Khi có thêm "nhà phán xử", DN có thêm công cụ để bảo toàn vốn đầu tư, tránh khỏi các rủi ro pháp lý luôn có thể gặp phải trong hoạt động kinh doanh.