Giải quyết vấn đề người nghiện ma túy
Tăng cường công tác quản lý, giáo dục đối tượng, nhất là vận động người nghiện ma túy (NNMT) đi cai nghiện tự nguyện (CNTN) tại các cơ sở chữa bệnh ở địa bàn cơ sở đang là yêu cầu cấp bách vừa được UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức thực hiện. Bài 1 - Nhiều khó khăn trong công tác quản lý, giải quyết vấn đề người nghiện ma túy
Ngày 11/6/2019, UBND tỉnh có Công văn số 885/UBND-NC về việc tăng cường công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở trong tình hình mới. Theo đó, yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, cơ quan, đơn vị, tăng cường phối hợp nhằm giúp đỡ, quản lý, giáo dục đối tượng tại địa bàn và vận động người nghiện ma túy đi CNTN tại các cơ sở cai nghiện. Tuy nhiên, đây cũng đang là vấn đề gặp nhiều khó khăn, vướng mắc...
Khó quản lý người nghiện
Theo đánh giá của Công an tỉnh, công tác quản lý, cai nghiện trên địa bàn tỉnh trong những năm qua được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện. Nhưng công tác giám sát, giáo dục, quản lý sau cai nghiện chưa đạt hiệu quả. Tỷ lệ tái nghiện sau cai còn cao.
Thống kê đến hết tháng 6/2019, toàn tỉnh có 1.951 NNMT ở 147/210 xã, phường, thị trấn thuộc 11/11 huyện, thành phố. Trong đó, có 356 người đang điều trị tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, ngoài xã hội có khoảng 1.520 người. Đáng chú ý, lực lượng chức năng và UBND các cấp đã lập 137 hồ sơ. TAND cấp huyện, thành phố đã ra quyết định đưa 114 NNMT vào các cơ sơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuy vậy, đến hết tháng 6 chỉ có 61 trường hợp chấp hành, còn lại là bỏ trốn khỏi nơi cư trú.
Theo đồng chí Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, nguyên nhân của tình trạng này là do công tác lập hồ sơ quản lý, giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với NNMT còn nhiều khó khăn, bất cập. NNMT thường trốn đi làm ăn xa, không thường xuyên có mặt tại địa phương. Công tác quản lý, giúp đỡ NNMT giáo dục tại xã, phường còn hạn chế. Đa số NNMT khi biết mình bị cơ quan chức năng lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc đều lẩn trốn, đi làm ăn xa hoặc đăng ký uống methadone để né tránh hợp tác với cơ quan chức năng. Người sử dụng ma túy không tự giác đến cơ sở y tế tại các xã, phường để xác định tình trạng nghiện. Thêm nữa, do thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn nên không thể xác định tình trạng nghiện đối với NNMT, nhất là ma túy tổng hợp. Nhiều đối tượng nghiện ma túy thường di chuyển lưu động ở nhiều địa bàn gây khó khăn trong công tác quản lý, gọi hỏi răn đe, giáo dục. Đáng chú ý, một số đối tượng thực hiện thủ đoạn đối phó với cơ quan chức năng dẫn đến khó khăn trong quá trình kiểm tra, test ma túy như sử dụng các loại thuốc làm mất tác dụng của que thử, hoặc sử dụng các loại chất gây nghiện mới... "Khó khăn lớn nhất vẫn là công tác xác định tình trạng NNMT còn nhiều khó khăn do những bất cập trong các cơ chế, chính sách, ví như tại Thông tư liên tịch số 17 ngày 9/7/2015 quy định thời gian theo dõi để xác định trạng thái cai đối với nhóm Opiats (nhóm NNMT chất dạng thuốc phiện) tối đa là 3 ngày, nhóm ATS (nhóm NNMT tổng hợp) tối đa là 5 ngày, nhưng không có chế tài lưu giữ đối tượng để theo dõi” - đồng chí Quách Thị Kiều cho biết thêm.
10 người đi cai, 9 người tái nghiện
Một trong những khó khăn trong công tác quản lý, giải quyết NNMT trên địa bàn tỉnh thời gian qua là hiệu quả công tác cai nghiện chưa cao. Theo thống kê của ngành Công an, trong 1.951 NNMT hiện có hồ sơ quản lý thì số đối tượng chưa được áp dụng các hình thức cai nghiện chiếm 1/3 ( 27,7%). Đáng nói, trong số 72,3% số đối tượng được áp dụng các hình thức cai nghiện thì tỷ lệ tái nghiện sau cai vẫn còn chiếm đến hơn 90%.
Nghiện ma túy gần 10 năm, đã từng điều trị cai nghiện ma túy thành công nhưng cuối cùng vẫn tái nghiện. Một lần nữa quay trở lại cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện ma túy số II (Lạc Sơn). Tính đến thời điểm đầu tháng 6/2019, học viên Bùi Văn Chũ, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn) đã thoát khỏi những cơn vật do ma túy hành hạ, chuẩn bị hết hạn cai nghiện bắt buộc về với gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, đây cũng là lúc Chũ lo lắng nhất. Trò chuyện với chúng tôi, Bùi Văn Chũ chia sẻ: Lo ngại nhất của em chính là môi trường xã hội bên ngoài khi vẫn còn nhiều bạn bè là những bạn nghiện. Thế nên, em cũng không chắc cai nghiện xong ở đây trở về sẽ không bị tái nghiện. Trên thực tế, không riêng gì em mà nhiều anh em học viên ở đây cũng gặp phải trường hợp tương tự. Có người đã đi cai nghiện cả tự nguyện, cả bắt buộc 4 - 5 lần vẫn chưa dứt được ma túy. Đó là một thực tế.
Hiện nay, Cơ sở cai nghiện ma túy số II (Lạc Sơn) đang điều trị cho 248 NNMT, trong đó có 100 NNMT mới, còn lại là các học viên tái nghiện. Theo ông Bùi Văn Chiến, Trưởng Công an thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn), dù đã được cai nghiện nhưng khi về địa phương những người này cũng không dễ để thoát được sự rủ rê, lôi kéo của cả người nghiện cũ và người nghiện mới. Do vậy, số người tái nghiện sau cai nghiện trên địa bàn thị trấn vẫn luôn ở mức 90 - 95%. Hiện, trong số 29 NNMT có hồ sơ quản lý của thị trấn Vụ Bản có nhiều người từng được cai nghiện nhiều lần.
(Còn nữa)
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/131949/giai-quyet-van-de-nguoi-nghien-ma-tuy.htm