Giải quyết việc làm sẽ giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp

45 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với 1.337 chỉ tiêu tại Hội chợ việc làm cho người lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước ngày 8/11. Hội chợ việc làm là một trong những giải pháp giải quyết việc làm cho lao động về nước, khuyến khích lao động về nước đúng hạn, giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp khi ra nước ngoài làm việc.

Tại Hội chợ việc làm cho lao động EPS (lao động Việt Nam được cấp phép làm việc tại Hàn Quốc) và thực tập sinh IM Japan (thực tập kỹ thuật Việt Nam làm việc tại Nhật Bản) về nước ngày 8/11 do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) tổ chức, rất nhiều lao động đã được tư vấn, giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trong số 45 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, có 12 doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hàn Quốc, 7 doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật Bản. Tổng nhu cầu tuyển dụng, xuất khẩu lao động gồm 1.337 chỉ tiêu, tập trung chủ yếu ở các ngành nghề như quản lý sản xuất, biên - phiên dịch, kỹ thuật CNC, công nhân sản xuất điện tử, cơ khí - hàn, điện - điện tử, công nhân vận hành máy…

Rất đông người lao động đã đến để được tư vấn, tìm việc làm tại hội chợ.

Rất đông người lao động đã đến để được tư vấn, tìm việc làm tại hội chợ.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, việc triển khai chương trình đưa người lao động được phái cử đi làm việc tại Hàn Quốc và Nhật Bản theo chương trình EPS và IM Japan đã mang lại cơ hội việc làm tốt, thu nhập ổn định, nâng cao tay nghề, trình độ ngoại ngữ, tích lũy kinh nghiệm và kiến thức xã hội cho người lao động. Sau khi kết thúc 5 năm làm việc tại Hàn Quốc, gần 8.000 lượt lao động trở về nước đã trở thành nguồn lực có chất lượng, giúp lan tỏa tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động và là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và quốc tế.

“Việc tư vấn, hỗ trợ giới thiệu việc làm cho lực lượng này góp phần cung cấp nguồn lao động có tay nghề cao cho thị trường lao động, giúp người lao động tiếp cận với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hàn Quốc, Nhật Bản tại Việt Nam. Đồng thời, động viên, khuyến khích người lao động yên tâm về nước khi hết hạn hợp đồng, giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài”, ông Nguyễn Tây Nam nói.

Trao giải "Cuộc thi Lao động EPS về nước lập nghiệp thành công 2024" nhằm khuyến khích lao động về nước đúng hạn.

Trao giải "Cuộc thi Lao động EPS về nước lập nghiệp thành công 2024" nhằm khuyến khích lao động về nước đúng hạn.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tạo việc làm cho người lao động khi trở về nước không chỉ khai thác tốt nguồn nhân lực có chất lượng, mà còn giúp người lao động yên tâm trở về nước sau khi hết hạn và hạn chế lao động bỏ trốn, làm việc bất hợp pháp. “Chính vì thế trong suốt hơn 12 năm qua, Bộ đã chỉ đạo Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức gần 90 hội chợ việc làm, phiên giao dịch việc làm cho lao động về nước. Các chương trình đã thu hút sự tham gia tuyển dụng của gần 2.000 doanh nghiệp với nhiều vị trí tuyển dụng phù hợp, kết nối, tư vấn được cho trên 17.000 lượt người lao động”, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho hay.

Tại chương trình hội chợ việc làm còn có “Trao giải cuộc thi lao động EPS về nước lập nghiệp thành công năm 2024”. Đây là cuộc thi thường niên, do Trung tâm Lao động ngoài nước và Văn phòng đại diện HRD Korea tại Việt Nam phối hợp tổ chức. Cuộc thi nhằm tìm hiểu và đánh giá về cuộc sống tái hòa nhập của những lao động sau khi hoàn thành chương trình EPS, qua đó biểu dương, tạo động lực, khuyến khích tinh thần tự giác về nước đúng hạn của người lao động.

P.H

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/giai-quyet-viec-lam-se-giam-ty-le-lao-dong-cu-tru-bat-hop-phap--i749717/