Giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Long: Điểm nhấn trong công tác đảm bảo an sinh xã hội
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (2021-2025) của tỉnhVĩnh Long
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và liên quan đến nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Quán triệt quan điểm trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã ban hành riêng 1chương trình hành động để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác này. Từ đó, trong 10 năm qua, công tác giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể trên địa bàn tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân, được Nhân dân đồng tình hưởng ứng, góp phần quan trọng vào mục tiêu đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kết hợp với giải quyết việc làm cho người lao động của tỉnh. Kết quả đạt được có thể đánh giá là do công tác triển khai việc phối hợp nhịp nhàng trong tổ chức thực hiện các chính sách, cụ thể như:
Trong giai đoạn từ 2011 - 2020, các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp để tăng cường công tác tuyển sinh, đào tạo nghề, chuyển giao kiến thức, qua đó đã tuyển sinh vào các hệ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng và đào tạo thường xuyên được 337.850 người, tổ chức 3.680 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, có 102.627 lao động tham gia. Ước tổng kinh phí đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp trên 310 tỷ đồng, góp phần nâng tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật của tỉnh đầu năm 2011 từ 38,11% lên 71,04% và tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 23,81% lên 50,07% vào cuối năm 2019.
Song song đó, công tác giải quyết việc làm qua các hình thức phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp ở khu vực nông thôn được quan tâm thực hiện tốt, phát triển nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 26.622 lao động. Ngoài ra, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng được sự quan tâm, làm cơ sở cho số người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài hàng năm đều tăng, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, mang ngoại tệ về cho đất nước.
Trong 10 năm, tỉnh đưa 8.084 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giải quyết việc làm từ Dự án cho vay vốn của Quỹ quốc gia giải quyết việc làm 32.889 lượt lao động, với tổng kinh phí trên 197 tỷ đồng, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị trong độ tuổi lao động ước đến cuối năm 2020 còn 3,3%.
Các cấp chính quyền hỗ trợ mua 543.560 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và 408.413 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo, mới thoát nghèo với kinh phí trên 940 tỷ đồng. Hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại, khám chữa bệnh cho 19.538 lượt người nghèo, bệnh nhân chạy thận nhân tạo, bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn với số tiền gần 06 tỷ đồng. Thực hiện tốt việc miễn giảm học phí và chi phí học tập cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, có 183.700 lượt học sinh nghèo, cận nghèo, khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ, với tổng kinh phí hơn 488,7 tỷ đồng; vận động xã hội hóa để hỗ trợ học bổng, bảo hiểm y tế, sách giáo khoa, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất là 578,4 tỷ đồng. Hỗ trợ 16.083 căn nhà ở cho người nghèo theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg; Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; vận động xã hội hóa để hỗ trợ nhà cho hộ nghèo đồng bào Khmer và nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo với kinh phí là 408,1 tỷ đồng.
Người dân được hỗ trợ bò giống từ dự án
Các chương trình tín dụng chính sách đã giải ngân cho 239.044 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình thuộc các cụm, tuyến dân cư vượt lũ, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, người lao động… vay vốn để sản xuất kinh doanh hoặc đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trang trải chi phí học tập, xây dựng, sửa chữa nhà ở, đầu tư các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường… với số tiền gần 3.000 tỷ đồng. Miễn phí học nghề cho 10.508 người nghèo, cận nghèo với kinh phí trên 10 tỷ đồng; đồng thời đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho 12.058 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng nông thôn cũng rất được quan tâm khi có trên 700 công trình được đầu tư xây dựng, nâng cấp với kinh phí gần 340 tỷ đồng.
Các chính sách đặc thù đối với hộ nghèo dân tộc thiểu số, vùng khó khăn được tập trung triển khai thực hiện cụ thể như: mua bảo hiểm y tế cho 105.606 lượt người dân; hỗ trợ cho 28.473 lượt nhân khẩu với 7.515 lượt hộ theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí trên 85,2 tỷ đồng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh vận động các nguồn lực xã hội, tổ chức hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo xây dựng nhà ở, mua bảo hiểm y tế, vốn sản xuất, cứu trợ, cứu tế, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn … với tổng giá trị hơn 4.542 tỷ đồng, trong đó Quỹ Vì người nghèo là 305 tỷ đồng và các chương trình an sinh xã hội là 4.237 tỷ đồng.
Từ việc thực hiện khẩn trương đồng bộ các chính sách, giải pháp như trên đã góp phần rất lớn vào kết quả chung của tỉnh trong công tác giảm nghèo khi đầu năm 2011, toàn tỉnh có 27.242 hộ nghèo, chiếm 10,23%, 16.423 hộ cận nghèo, chiếm 6,17% thì đến cuối năm 2019, chỉ còn 5.158 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ: 1,76% và 11.748 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ: 4,02%.
Với những kết quả trên, tỉnh Vĩnh Long đặt ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật trên địa bàn tỉnh đạt 80%; trong đó, lao động qua đào tạo nghề đạt 65% (có bằng cấp, chứng chỉ). Hàng năm, tạo việc làm mới cho 20.000 lao động; Chuyển dịch cơ cấu lao động đối với các ngành nông, lâm, thủy sản đạt 42%, lao động phi nông nghiệp đạt 58% và giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 bình quân 1%/năm.
Từ đó, tỉnh đã xác định hướng tổ chức thực hiện là phải lồng ghép mục tiêu đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, trong đó, giảm nghèo bền vững là mục tiêu quan trọng cần gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, các chính sách giáo dục, y tế, nhà ở, thông tin; đồng thời tập trung vào các nhóm giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp trong tổ chức thực hiện chương trình đào tạo nghề; phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, phân luồng học sinh học nghề và đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm và giảm nghèo. Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong vận động, hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo.
Thứ hai, tăngcường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, các chính sách có liên quan để Nhân dân hiểu và đồng thuận, để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao nhất. Song song đó, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các điển hình thoát nghèo, đồng thời giáo dục ý thức tự vươn lên của người nghèo, đưa công tác giảm nghèo trở thành phong trào rộng khắp, mang tính xã hội hóa cao, huy động sức mạnh tổng hợp của xã hội để đạt được mục tiêu đề ra.
Thứ ba, tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn hợp pháp khác cùng với ngân sách địa phương ưu tiên bố trí triển khai các dự án đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giảm nghèo, miễn giảm học phí, bảo hiểm y tế, nhà ở… Đồng thời, phát huy nội lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; ưu tiên những công trình trọng điểm ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer kết hợp với phát huy nguồn lực chủ yếu của chính người nghèo, động viên người nghèo tích cực học tập, lao động, sản xuất với ý chí, quyết tâm thoát nghèo.
Thứ tư, phát huy mặt đạt được, khắc phục hạn chế để tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện tốt các nhóm chính sách đã được nêu trong chương trình hành động của Tỉnh ủy như: Chính sách đào tạo nghề, chính sách xúc tiến giới thiệu việc làm, tạo việc làm, chính sách thu hút đầu tư, chính sách y tế, giáo dục - đào tạo, chính sách hỗ trợ nhà ở, chính sách hỗ trợ thông tin và trợ giúp pháp lý, chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo gắn với hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất, nông, ngư cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh, hoàn thiện đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng nông thôn, tạo điều kiện cho người lao động, người nghèo được thụ hưởng các dịch vụ công, nước sạch để thúc đẩy việc học tập, lao động sản xuất, nhằm giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững ở khu vực nông thôn. Tổ chức thực hiện chặt chẽ công tác rà soát, khảo sát và phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo, đảm bảo dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch; xác định mức độ thiếu hụt, phân tích cụ thể các nguyên nhân dẫn đến nghèo của từng hộ, nhóm hộ để có giải pháp trợ giúp thiết thực, hiệu quả.
Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục phối hợp với các cơ quan nhà nước cùng các ngành, doanh nghiệp, các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, vận động thực hiện các dự án, công trình, xây dựng và nhân rộng các mô hình mẫu có hiệu quả phù hợp với điều kiện từng địa phương.
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025).Chắc chắn với sự chung tay của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực vươn lên của chính mỗi người dân sẽ góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chung mà tỉnh đã Vĩnh Long đã đề ra. Đó là, cải thiện, nâng cao điều kiện sống của người nghèo, người có thu nhập thấp; đẩy mạnh giảm nghèo ở các xã có đông đồng bào dân tộc; thu hẹp chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa người nghèo và cộng đồng dân cư; đẩy mạnh chuyển giao kiến thức cho người nghèo, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo; tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo, thực hiện tốt truyền thông, giám sát, đánh giá chương trình giảm nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản và thích ứng biến đổi khí hậu… đưa tỉnh Vĩnh Long “phát triển nhanh và bền vững”.