Giải quyết việc làm, vì mục tiêu an sinh

Giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, một giải pháp quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, luôn được các cấp, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh quan tâm thực hiện và đạt hiệu quả tích cực.

Đại diện Công ty CP Giáo dục quốc tế Việt Phát (bên phải) chia sẻ với học sinh, sinh viên về lợi ích khi tham gia du học.

Đại diện Công ty CP Giáo dục quốc tế Việt Phát (bên phải) chia sẻ với học sinh, sinh viên về lợi ích khi tham gia du học.

Biến động tiêu cực từ các cuộc xung đột, lạm phát kinh tế ở nhiều quốc gia trên thế giới đều ảnh hưởng tới Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp tại Thái Nguyên cũng không ngoại lệ. Không ít doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, dẫn đến NLĐ bị cắt giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc.

Một thực tế trong năm 2023, khi nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp giảm mạnh, kéo theo đó là số NLĐ nộp hồ sơ đến cơ quan chức năng đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng. Cụ thể, trong năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tiếp nhận gần 12.000 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 9,3% so với năm 2022, trong đó hơn 11.500 lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, 452 người được hỗ trợ học nghề.

Hiện, toàn tỉnh có gần 86.000 NLĐ đang làm việc trong các khu công nghiệp Thái Nguyên, giảm gần 4.800 NLĐ so với cùng kỳ năm 2022.

Để thị trường lao động không trầm lắng, đồng thời tạo sự gắn kết giữa NLĐ và doanh nghiệp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp tổ chức thành công “Tuần cao điểm kết nối cung - cầu lao động”, với gần 20 hoạt động, thu hút hơn 180 lượt doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học trong và ngoài tỉnh tham gia; đưa ra hơn 20.000 chỉ tiêu tuyển dụng, hơn 7.000 chỉ tiêu tuyển sinh; có hơn 1.000 người được giới thiệu, kết nối việc làm và tuyển sinh học nghề; hơn 2.000 NLĐ tham gia phỏng vấn trực tuyến tại các điểm cầu, gần 600 NLĐ đạt sơ tuyển.

Ngoài “Tuần cao điểm”, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức 66 ngày hội việc làm cấp huyện, phiên giao dịch cấp xã, hội nghị tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm.

Kết quả, có gần 42.000 NLĐ được tư vấn, giới thiệu việc làm, đạt 139% kế hoạch năm. Hơn 4.800 NLĐ được giới thiệu việc làm, đạt 107% kế hoạch năm. Thông qua các phiên giao dịch việc làm đã có hơn 1.300 NLĐ được cung ứng cho doanh nghiệp, đạt 104% kế hoạch năm.

Chi nhánh Tổng Công ty May 10, Công ty CP - Xí nghiệp may 10 Thái Nguyên (TP. Thái Nguyên) đảm bảo các chế độ theo quy định cho người lao động.

Chi nhánh Tổng Công ty May 10, Công ty CP - Xí nghiệp may 10 Thái Nguyên (TP. Thái Nguyên) đảm bảo các chế độ theo quy định cho người lao động.

Cùng quan tâm giải quyết việc làm cho NLĐ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng chú trọng thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, kịp thời hỗ trợ NLĐ trong lúc không có việc làm, hỗ trợ NLĐ sớm có việc làm mới hoặc chủ động trở lại thị trường lao động.

Bằng việc thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập theo chỉ đạo của Chính phủ; lồng ghép các nguồn lực thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Sở đã tổ chức thành công Hội thi tìm hiểu thế giới nghề nghiệp - Nâng cao kỹ năng nghề cho NLĐ. Hội thi có gần 30 đơn vị, doanh nghiệp và hàng trăm NLĐ tham gia.

Thông qua đó, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, thị trường lao động, việc làm được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, trong đó có NLĐ đang làm việc tại các doanh nghiệp/hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

“Tuần cao điểm” và các phiên giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến tạo cho NLĐ trên địa bàn tỉnh cơ hội giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng nghề, năng suất lao động, đảm bảo việc làm bền vững. Trong năm đã có gần 23.300 NLĐ được giải quyết việc làm mới, chủ yếu làm việc tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh.

Đặc biệt là có gần 2.800 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tăng 38,7% so với năm 2022, trong đó thị trường Đài Loan hơn 1.300 người, Nhật Bản gần 1.200, Hàn Quốc hơn 100 người, còn lại là các thị trường khác.

Việc đưa NLĐ đi làm việc ở ngước ngoài góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo; giúp NLĐ được tiếp cận các thị trường lao động chất lượng cao, văn hóa, tác phong lao động của các nước tiên tiến để sau khi về nước sẽ trở thành nguồn lực lao động chất lượng cao...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/lao-dong-viec-lam/202401/giai-quyet-viec-lam-vi-muc-tieu-an-sinh-ca12310/