Giải quyết vụ việc chặn suối, tranh chấp nguồn nước sinh hoạt ở Làng Chếu
Như thông tin chúng tôi đã nêu, hàng chục năm qua, 51 hộ dân bản suối Lẹ, xã Chim Vàn (Bắc Yên) sử dụng nguồn nước suối Viền, thuộc bản Suối Lộng, xã Làng Chếu để sinh hoạt và sản xuất. Tuy nhiên, từ năm 2013, một cá nhân trên đầu nguồn đã chặn dòng suối Viền, bán nước, gây bức xúc trong nhân dân. Huyện Bắc Yên đã vào cuộc chỉ đạo các ngành chức năng giải quyết vụ việc, đúng quy định pháp luật.
Ngang nhiên chặn suối lấy nước để bán
Bản Suối Lẹ (Chim Vàn) và bản Suối Lộng (Làng Chếu) cách nhau một cánh rừng. Năm 1992, từ nguồn nước của suối Viền (tên địa phương là Chông Sông A), thuộc địa phận bản Suối Lộng (Làng Chếu), các hộ dân bản Suối Lẹ (Chim Vàn) đào mương dẫn nước về sinh hoạt và làm ruộng bậc thang. Đến năm 2008, huyện Bắc Yên đầu tư xây dựng công trình nước sạch nông thôn, phục vụ cho 50 hộ dân bản Suối Lẹ, giúp ổn định đời sống sinh hoạt, sản xuất của bà con trong bản.
Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, ông Sồng A Cở, bản Suối Lộng, xã Làng Chếu đã tự ý chặn đầu nguồn suối Viền, lấy nước sinh hoạt bán cho 4 hộ dân bản Suối Lẹ (Chim Vàn) với tổng số tiền là 156,6 triệu đồng.
Ông Giàng A Chống, Trưởng bản Suối Lẹ, bức xúc: Từ khi ông Sồng A Cở đổ bê tông chặn nước đầu nguồn để bán làm cho nguồn nước bị cạn kiệt. Các hộ dân bản Suối Lẹ đã đầu tư ống nhựa dẫn nước từ suối Viền về bản, nhưng tháng 1/2021, ông Sồng A Cở ngang nhiên phá nhiều đoạn ống và yêu cầu ai lấy nước phải trả tiền.
Bất bình trước sự việc này, Trưởng bản Suối Lẹ đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng. UBND huyện Bắc Yên đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành xác minh. Vụ việc sau đó được đưa ra Tòa án nhân dân huyện Bắc Yên thụ lý giải quyết.
Thiếu hiểu biết pháp luật
Mới đây các cơ quan: Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bắc Yên, UBND xã Chim Vàn, Làng Chếu đã trực tiếp kiểm tra, xác minh và lấy ý kiến những người có liên quan. Tại thời điểm kiểm tra thực địa, công trình nước sạch nông thôn do Nhà nước đầu tư xây dựng cho bản Suối Lẹ (Chim Vàn) đã khô cạn đáy; đường ống dẫn nước do người dân tự đầu tư có nhiều đoạn bị chặt đứt. Tại khu vực đầu nguồn suối Viền, nguồn nước ít ỏi bị chặn ngang bởi những khối bê tông kiên cố bám vào tảng đá to.
Làm việc với ông Sồng A Cở, người tự nhận là “chủ nhân” của nguồn nước, ông Cở khẳng định: Nguồn nước suối Viền thuộc địa phận bản Suối Lộng, xã Làng Chếu. Năm 2015, tôi đã xin ông Thào A Cu (lúc đó là Trưởng bản Suối Lộng) một phần đất và cùng chia nhau sử dụng nước để khai hoang ruộng bậc thang. Ông Thào A Cu đã đồng ý cho tôi quản lý nguồn nước ở đây.
Ông Thào A Cu, nguyên Trưởng bản Suối Lộng (từ năm 2010-2015), cho biết: Năm 2015, ông Sồng A Cở có xin cho dùng chung nguồn nước để khai hoang, canh tác ruộng. Ông không biết và cũng không đồng ý cho ông Cở quản lý, bán nước cho các hộ ở bản Suối Lẹ (Chim Vàn).
Cần nâng cao nhận thức cho nhân dân
Sau khi xác minh, làm rõ các thông tin, Tòa án nhân dân huyện Bắc Yên đã tổ chức hòa giải giữa cộng đồng bản Suối Lẹ và ông Sồng A Cở. Theo quy định của pháp luật, tài nguyên nước là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải tuân theo chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Do vậy, việc nhân dân bản Suối Lẹ sử dụng nguồn nước theo quy hoạch, đầu tư của Nhà nước là đúng quy định pháp luật.
Ngày 21/5/2021, Tòa án nhân dân huyện Bắc Yên đã ra Quyết định số 09/2021/QĐST-DS công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc tranh chấp nguồn nước giữa ông Sồng A Cở với cộng đồng bản Suối Lẹ. Theo Quyết định, ông Sồng A Cở có trách nhiệm khôi phục lại hiện trạng ban đầu nguồn nước suối Viền, đảm bảo sự lưu thông của dòng chảy để cho các hộ dân bản Suối Lẹ sử dụng phục vụ cho mục đích sinh hoạt và sản xuất.
Qua sự việc trên, cho thấy nhận thức về pháp luật của một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Các cấp, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước và các quy định của pháp luật liên quan, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, hạn chế xảy ra các tranh chấp, nâng cao tinh thần đoàn kết cộng đồng, đảm bảo ổn định đời sống của nhân dân trên địa bàn.