Giải thích hợp đồng bảo hiểm

Bạn đọc hỏi: ông Nguyễn Công Trân, Giám đốc một công ty thương mại tại Quảng Nam, hỏi: Thời gian vừa qua, tôi có theo dõi một số vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) có liên quan đến BH tài sản như: nhà xưởng, hàng hóa lưu kho, hàng hóa trên đường vận chuyển...

Bạn đọc hỏi: ông Nguyễn Công Trân, Giám đốc một công ty thương mại tại Quảng Nam, hỏi: Thời gian vừa qua, tôi có theo dõi một số vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) có liên quan đến BH tài sản như: nhà xưởng, hàng hóa lưu kho, hàng hóa trên đường vận chuyển... Chung quy lại, các tranh chấp đều phát sinh từ sự không rõ ràng của HĐBH. Xem lại các HĐBH Công ty, tôi thấy rằng cũng có khá nhiều nội dung không rõ ràng. Tuy nhiên, thực tế để làm rõ ràng cả một HĐBH là không dễ dàng vì tính chất gấp rút của giao dịch. Vậy tôi mong Chuyên mục trả lời giúp 2 vấn đề sau: Làm thế nào để có thể yêu cầu công ty BH giải thích đầy đủ các nội dung không rõ ràng của HĐBH? Trong trường hợp có nội dung không rõ ràng mà hai bên có tranh chấp thì sẽ giải quyết thế nào?

Ths. LS Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng Chi nhánh Công ty luật TNHH Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng, trả lời: BH là một dịch vụ có tính đặc thù, một quy trình kinh tế đảo ngược mà chất lượng dịch vụ, đạo đức, trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ BH chỉ được kiểm chứng sau khi sự kiện BH đã xảy ra. Nói cách khác, mua BH là hình thức mà doanh nghiệp đánh cược sự an toàn của công ty vào những lời hứa của các công ty BH. Về 2 câu hỏi của ông Trân, tôi xin trả lời như sau: Thứ nhất, để yêu cầu công ty BH giải thích đầy đủ các nội dung không rõ ràng của HĐBH, trước tiên, bên mua BH cần phải liệt kê ra được các nội dung không rõ ràng trong HĐBH; sau đó, yêu cầu bên bán BH giải thích. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, để làm được điều này không hề dễ dàng. Bên mua BH cần chuẩn bị quỹ thời gian, nhân lực cho quá trình đàm phán cũng như yêu cầu giải thích HĐBH. Thứ hai, trong trường hợp có nội dung không rõ ràng mà giữa bên mua BH và bên bán BH không thống nhất, hiểu khác nhau thì nội dung đó sẽ được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua BH. Cụ thể, Điều 404 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Khi HĐBH có điều khoản không rõ ràng thì việc giải thích điều khoản đó không chỉ dựa vào ngôn từ của HĐBH mà còn phải căn cứ vào ý chí của các bên được thể hiện trong toàn bộ quá trình trước, tại thời điểm xác lập, thực hiện HĐBH. Khi HĐBH có điều khoản hoặc ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì phải giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với mục đích, tính chất của HĐBH. Khi HĐBH có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu thì phải được giải thích theo tập quán tại địa điểm giao kết HĐBH. Các điều khoản trong HĐBH phải được giải thích trong mối liên hệ với nhau, sao cho ý nghĩa của các điều khoản đó phù hợp với toàn bộ nội dung HĐBH. Trường hợp có sự mâu thuẫn giữa ý chí chung của các bên với ngôn từ sử dụng trong HĐBH thì ý chí chung của các bên được dùng để giải thích HĐBH. Trường hợp bên soạn thảo đưa vào HĐBH nội dung bất lợi cho bên kia thì khi giải thích HĐBH phải theo hướng có lợi cho bên kia. Cụ thể hơn, Điều 21 Luật Kinh doanh BH quy định: Trong trường hợp HĐBH có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua BH. Thực tế, pháp luật đã quy định khá rõ ràng về nguyên tắc giải thích HĐBH nhưng tranh chấp vẫn cứ xảy ra. Do vậy, trước khi mua BH, nếu bên mua BH dành thời gian cho việc yêu cầu bên bán giải thích HĐBH thì sẽ hạn chế khả năng tranh chấp xảy ra, giảm thiểu thời gian, tâm trí cũng như tài chính cho việc theo đuổi vụ tranh chấp.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của CN Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại TP Đà Nẵng. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456; 0905102425

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_208976_giai-thich-hop-dong-bao-hiem.aspx