Giải thích luật quốc tế từ chuyện ông Trump muốn sáp nhập Canada, đảo Greenland, Kênh đào Panama

Ông Trump muốn sáp nhập Canada, đảo Greenland, Kênh đào Panama, vậy cùng tìm hiểu luật quốc tế quy định ra sao về việc thụ đắc lãnh thổ.

Mặc dù chưa chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai nhưng ông Donald Trump đã làm “rung chuyển” thế giới trong những tuần gần đây khi liên tục lặp lại tuyên bố muốn biến Canada, đảo Greenland (Đan Mạch) thành một phần lãnh thổ của Mỹ, cả kiểm soát Kênh đào Panama.

Gần đây nhất, trong cuộc họp báo hôm 7-1, ông Trump đã đưa ra cách thức chính quyền sắp tới của ông có thể thực hiện để mua lại đảo Greenland và kiểm soát Kênh đào Panama, cũng như biến Canada trở thành một tiểu bang của Mỹ.

Về Canada, ông Trump nói rằng thay vì dùng sức mạnh quân sự, Mỹ có thể sử dụng “sức mạnh kinh tế” để sáp nhập quốc gia láng giềng phía bắc. Về đảo Greenland và Kênh đào Panama, tổng thống đắc cử Mỹ đã không loại trừ khả năng dùng “áp lực quân sự hoặc kinh tế" để giành lấy những vùng lãnh thổ này, nói rằng Mỹ cần chúng vì an ninh kinh tế.

 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: GETTY IMAGES

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: GETTY IMAGES

Vậy, luật quốc tế quy định như thế nào về việc một quốc gia sáp nhập một lãnh thổ vào chủ quyền của mình?

Trước hết, chúng ta cần hiểu rõ định nghĩa về lãnh thổ. Theo trang National Geographic, lãnh thổ là khu vực địa lý thuộc chủ quyền, quyền kiểm soát hoặc quyền tài phán của một quốc gia hoặc thực thể khác. Ngoài đất liền, lãnh thổ còn bao gồm vùng biển lân cận và không phận liên quan. Theo luật pháp quốc tế, lãnh thổ là một phần thiết yếu trong định nghĩa về một quốc gia. Năm 1933, Công ước Montevideo ra đời, thiết lập các chuẩn mực quốc tế để công nhận chủ quyền, ranh giới và quan hệ quốc tế.

Trong cuốn sách Luật Quốc tế của tác giả Malcolm N. Shaw, quốc gia có thể xác lập chủ quyền của mình lên một vùng lãnh thổ mới bằng 1 trong 5 cách thức, chủ yếu bắt nguồn từ sự tương đồng từ các quy tắc của Luật La Mã liên quan đến việc mua đất của các bên tư nhân. Theo luật pháp quốc tế, những cách thức để quốc gia thụ đắc lãnh thổ bao gồm chiếm hữu, chiếm hữu theo thời hiệu, sự hình thành lãnh thổ mới, chuyển nhượng và có thể là chiếm đóng bằng vũ lực.

Chiếm hữu

Chiếm hữu xảy ra khi quyền kiểm soát giành được trên một lãnh thổ mà tại thời điểm đó không thuộc chủ quyền của một quốc gia khác. Thông thường, điều này phải diễn ra trong hòa bình và công khai.

Việc chiếm hữu phải do quốc gia có chủ quyền chứ không phải do các cá nhân tư nhân thực hiện, phải có hiệu quả và phải được coi là một yêu sách về chủ quyền đối với khu vực này. Biển cả không thể bị chiếm hữu theo cách này vì chúng là res communis (tài sản chung), nhưng đất trống có thể được đưa vào quyền sở hữu của một quốc gia chiếm hữu vì chủ yếu liên quan đến các vùng lãnh thổ và đảo không có người ở.

Việc chiếm hữu thường diễn ra sau khi phát hiện ra, tức là nhận ra sự tồn tại của một mảnh đất cụ thể. Nhưng việc nhận ra hoặc nhìn thấy đơn thuần không bao giờ được coi là đủ để cấu thành quyền sở hữu lãnh thổ. Cần phải có một hành động tượng trưng để chiếm hữu, có thể bằng cách cắm cờ hay bằng những tuyên bố hoặc bằng những biểu hiện nghi lễ.

Chiếm hữu theo thời hiệu

Là việc một quốc gia thực hiện quyền kiểm soát đối với một lãnh thổ không phải lãnh thổ vô chủ hoặc trong những tình huống mà tính hợp pháp của hành vi thụ đắc lãnh thổ không rõ ràng. Việc thụ đắc lãnh thổ liên tục trong một thời gian dài mà không có bất kỳ sự gián đoạn nào và sở hữu nó trên thực tế, thì lãnh thổ liên quan sẽ trở thành một phần của quốc gia đó.

 Kênh đào Panama. Ảnh: NEW YORK TIMES

Kênh đào Panama. Ảnh: NEW YORK TIMES

Một quốc gia có thể giành quyền sở hữu một lãnh thổ nào đó thông qua phương thức chiếm hữu theo thời hiệu chỉ khi các điều kiện sau đây được thỏa mãn: (1) Quốc gia chiếm hữu không chấp nhận quyền sở hữu của bất kỳ quốc gia nào khác đối với lãnh thổ đó; (2) Việc chiếm hữu phải diễn ra một cách hòa bình; (3) Không có sự gián đoạn; (4) Việc chiếm hữu phải kéo dài trong một khoảng thời gian xác định không ít hơn 20 năm.

Chiếm hữu có thời hiệu khác chiếm hữu ở chỗ nó liên quan lãnh thổ đã từng thuộc quyền sở hữu của một quốc gia. Mặc dù vậy, cả hai khái niệm đều tương tự ở chỗ chúng có thể yêu cầu bằng chứng về các hành động chủ quyền của một quốc gia trong một khoảng thời gian. Và mặc dù lý thuyết là khác nhau, trong thực tế, những khái niệm này thường không rõ ràng, vì quyền sở hữu đối với một lãnh thổ có thể bị mất hiệu lực và gây ra nghi ngờ liệu có xảy ra sự từ bỏ hay không, dẫn đến việc lãnh thổ trở thành vô chủ.

Sự hình thành lãnh thổ mới

Điều này xảy ra khi lãnh thổ của một quốc gia tăng lên do các quá trình tự nhiên, chẳng hạn như trầm tích từ sông hoặc phun trào núi lửa. Khi đất mới hình thành trong lãnh thổ của một quốc gia, nó tạo thành một phần lãnh thổ của quốc gia đó và không có gì tranh cãi.

Đối với sự thay đổi trong dòng chảy của một con sông biên giới, điều này đặt ra câu hỏi liệu biên giới giữa các quốc gia có dịch chuyển theo dòng chảy mới hay không. Trong trường hợp này, quy tắc chung là ranh giới vẫn ở cùng một điểm dọc theo lòng sông ban đầu. Tuy nhiên, khi có sự dịch chuyển dần dần, ranh giới có thể bị dịch chuyển. Nếu sông có thể thông hành, ranh giới sẽ là giữa luồng thông hành, bất kể có sự thay đổi nhỏ nào xảy ra, trong khi nếu sông không thể thông hành, ranh giới sẽ tiếp tục là giữa lòng sông

Chuyển nhượng

Chuyển nhượnglà khi một quốc gia tự nguyện nhượng lại lãnh thổ cho quốc gia khác, thường là thông qua một hiệp ước có hiệu lực pháp lý hoặc giao dịch. Việc chuyển nhượng có thể là kết quả của một giải quyết tranh chấp hoặc xung đột.

 Một chiếc máy bay chở ông Donald Trump Jr. (con trai Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump) đến đảo Greenland vào ngày 7-1. Ảnh: AFP

Một chiếc máy bay chở ông Donald Trump Jr. (con trai Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump) đến đảo Greenland vào ngày 7-1. Ảnh: AFP

Mặc dù các trường hợp chuyển nhượng thường xảy ra trong một thỏa thuận sau khi kết thúc chiến sự, nhưng nó có thể được thực hiện trong các trường hợp khác, chẳng hạn như việc Mỹ mua Alaska vào năm 1867 từ Nga hoặc việc Đan Mạch bán các vùng lãnh thổ ở Tây Ấn vào năm 1916 cho Mỹ. Chuyển nhượng cũng có thể xuất hiện trong các cuộc trao đổi lãnh thổ hoặc tặng lãnh thổ thuần túy.

Chiếm đóng bằng vũ lực

Trong quá khứ, việc chiếm đóng lãnh thổ bằng vũ lực được công nhận là một cách thức thụ đắc lãnh thổ vì không có luật quốc tế nghiêm cấm sử dụng hành vi này. Tuy nhiên, kể từ đầu thế kỷ 20, nguyên tắc cấm sử dụng hoặc đe dọa vũ lực đã dần trở thành tập quán quốc tế.

Điều 11 của Công ước Montevideo năm 1933 quy định rằng các quốc gia không được công nhận các lãnh thổ đã giành được bằng vũ lực. Hơn nữa, lãnh thổ của một quốc gia là bất khả xâm phạm và không thể là đối tượng của sự chiếm đóng quân sự hoặc biện pháp vũ lực khác. Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ) cũng quy định rằng các quốc gia thành viên phải tránh sử dụng vũ lực hoặc thậm chí là đe dọa sử dụng vũ lực chống lại toàn vẹn lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào.

THẾ VINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/giai-thich-luat-quoc-te-tu-chuyen-ong-trump-muon-sap-nhap-canada-dao-greenland-kenh-dao-panama-post829195.html