Giải thiêng lời nguyền từ 'tảng đá bướu cổ'
Hữu ngạn sông Mã, ngay sát mép nước, có một khóm đá hình thù kỳ dị gồm ba khối đá khổng lồ xếp chồng lên nhau, nhìn rất thích mắt. Nhưng lời nguyền khủng khiếp từ tảng đá ấy khiến hàng trăm năm nay, người Mường, người Thái cư trú trên mảnh đất Mường Lát (Thanh Hóa) không dám đến gần.
Những hòn đá xếp chồng
Vừa trở về sau chuyến tuần rừng mệt mỏi, anh Hà Văn Sâm, cán bộ Ban Quản lý Rừng phòng hộ Mường Lát vẫn vui vẻ lấy xe máy chở tôi đi xem... đá! Bởi nghe mô tả về những hòn đá lớn xếp chồng lên nhau, anh Sâm xác định ngay vị trí của chúng nằm ở khúc sông Mã thuộc địa phận xã Tam Chung, cách trung tâm thị trấn chừng 7km.
Từ khi chảy trên đất Lào trở về đất Việt ở Tén Tằn, đôi bờ sông Mã men theo những sườn đồi núi thấp, ít gặp núi đá. Nhưng đến khúc sông này, phía bờ hữu sông Mã lộ ra những vách đá lớn dựng đứng. Mùa lũ, nước xô vào đá tạo nên những vực xoáy dữ dội, mùa khô lại để lộ ra những thác ghềnh hiểm trở như hàm răng Hà Bá đang nhe nhởn. Đó là nơi có những khối đá
kỳ dị .
Thấy anh Sâm chạy xe theo tả ngạn, tôi khẽ nhắc anh những khối đá nằm bên hữu ngạn. Anh Sâm lắc đầu: "Nhìn vậy thôi, nhưng tiếp cận nó rất khó khăn. Xung quanh đó không có nhà dân, không có đường đi xe máy. Tôi đi thăm rừng lần nào cũng phải gửi xe máy lại mà trèo bộ hàng giờ liền. Đi bên này, nếu gặp thuyền bè thì ta nhờ họ chở sang".
Nhìn từ dải đất thuộc hai cửa suối Loóng và Cha Lan đổ ra sông Mã, khối đá hiện ra sừng sững, gồm ba hòn đá lớn nằm chồng lên nhau trên một nền móng đá vững chắc. Cứ hình dung trên một chiếc sập cổ đặt hòn non bộ kiểu như Hòn Trống Mái ở núi Trường Lệ (Sầm Sơn), hòn lớn đang "cõng" hai hòn nhỏ hơn. Nhưng khác ở chỗ, hai hòn đá phía trên không đứng cạnh nhau như đôi chim bồ câu, mà tiếp tục "cõng" nhau, như tòa nhà ba tầng vậy. Ít nhất có hai "hòn non bộ" như thế.
Không hiểu sao, đứng trơ trọi bên bờ sông, mỗi mùa mưa lũ đều chịu tác động dữ dội của các dòng chảy mà khối đá ấy cứ trơ trơ "làm xiếc" với nhau như vậy. Ngay gần đó là con suối Cân đổ về, nước mưa trên sườn cao trút xuống.
Bên đối diện, hai con suối Loóng và Cha Lan mùa lũ năm nào cũng ầm ầm đổ nước xuống sông Mã, cuốn theo từng mảng đường và hàng ngàn khối đất đá. Tôi từng đi thuyền sắt trên sông Mã khi lũ mới tan, sóng nước còn dữ dội, đến sát chân khối đá ấy. Ngước mắt nhìn lên như những cư dân bản địa xa xưa qua đây bằng bè mảng, thuyền độc mộc, mới thấy sự hùng vĩ của khối đá kỳ dị.
Lời nguyền về bệnh bướu cổ
Cũng như anh Hà Văn Sâm, đại đa số cư dân hiện đang sinh sống ở Mường Lát đều không hề biết những câu chuyện huyền bí xung quanh khối đá ba tầng ấy. Những người tuổi ngoài 50, khi được gợi nhắc lại mới giật mình sực nhớ đến
lời nguyền khủng khiếp mà họ đã từng biết. Chỉ những người già cả mới thỉnh thoảng hồi tưởng lại kể cho con cháu nghe bên bếp lửa bập bùng. Tai nghe mà mắt không thấy, câu chuyện dần bị lãng quên theo thời gian ngày càng vội vã, tất bật.
Tôi may mắn có nhiều dịp được hầu chuyện những già làng uy tín của vùng đất Mường Lát, nghe những câu chuyện huyền bí từ thuở hồng hoang, trước khi các cụ lần lượt rủ nhau về với Mường Trời.
Sự tích khối đá chồng nhau ấy do ông Hà Văn Pém, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Quan Hóa (khi ấy gồm cả ba huyện Quan Hóa, Mường Lát, Quan Sơn bây giờ) kể, lại có ông Hà Văn Liễn (nguyên Bí thư xã Tam Chung) nhiệt tình dẫn đến bãi sông cho "mục sở thị", nên tôi vẫn nhớ như in.
Xa xưa, Mường Lát trong mắt người dưới xuôi là đặc biệt hoang vu, nổi tiếng ma thiêng nước độc, nhưng đã có nhiều cư dân Mường Thái sinh sống, quần tụ thành những bản nhỏ dọc đôi bờ sông Mã.
Cách trung tâm Mường Lát hiện nay chừng 40km thuộc Mường Lý, có bản Nàng trù phú, cây cỏ tốt tươi, nguồn nước ngọt lành. Nàng trong tiếng Thái nghĩa là người con gái xinh đẹp kiêu sa. Dân trong vùng gọi như thế vì tin rằng, nhờ được tắm trong nước suối ngọt lành mà các cô gái ở đây đều rất xinh đẹp, da trắng như trứng gà bóc, tóc dài như mây, tiếng hát hay như chim hót.
Trai tráng khắp nơi biết tiếng đều lũ lượt kéo đến bản Nàng mải mê nghe tiếng hát, nhìn ngắm làn tóc mây rồi tha thiết xin được cưới làm vợ.
Người tài giỏi cũng có, người giàu sang càng nhiều. Không chỉ trai tráng chưa có vợ mà ngay cả những phìa tạo đứng tuổi cũng rắp ranh nhờ người mai mối. Những cô gái xinh đẹp giỏi giang nhất đều được đưa về những nơi xứng đáng, có nhà sàn lớn, lắm kẻ hầu người hạ, thóc gạo đầy bồ, trâu ngựa đầy gầm sàn.
Con trai bản Nàng tức lắm. Các phìa tạo Mường Lý cũng tức lắm. Nghĩ mình là dân Nàng nhưng không cưới được con gái bản Nàng xinh đẹp, toàn để dân Pom Khuông, Pom Puôi, Chiềng Nưa, Chòm Lát, Chiềng Cồng... rước đi vì họ giỏi hơn, giàu hơn thì thật mất mặt.
Phìa tạo Mường Lý cũng có nhiều trâu ngựa, nhưng không giàu được như người thiên hạ. Nghĩ nhiều cách mà vẫn không giữ những người con gái đẹp ở lại, đám con trai bản Nàng bèn tìm đến thầy cúng.
Thầy cúng khuyên rằng, chỉ cần làm cho người con gái bớt xinh đi thì con trai các bản khác sẽ bỏ đi hết, trai Mường Lý tha hồ mà cưới về làm vợ. Việc này không hại đến tính mạng các cô gái, chỉ làm nhan sắc của họ kém đi một chút thôi, nên đám con trai Mường Lý đều nhanh chóng đồng thuận. Hơn nữa, theo lời thầy cúng, khi đã là vợ chồng thì chỉ cần chăm chỉ thuốc thang, người vợ sẽ sớm xinh đẹp trở lại.
Quả nhiên, trai tráng các vùng khác hăm hở tìm đến bản Nàng đều tiu nghỉu. Nghe tiếng hát như chim, họ vội thập thò nơi bờ suối. Nhìn nước da trắng như trứng gà bóc, họ ngơ ngẩn theo về nhà sàn. Nhưng nhìn kỹ qua mái tóc dài như mây, cô gái xinh đẹp bản Nàng có một khối u to như quả trứng gà, trứng ngỗng ở cổ.
Thất vọng tràn trề vì đang mơ tưởng về vẻ đẹp hoàn mỹ, các chàng trai xứ xa đều uống một lần thật say rồi thất thểu bỏ về. Cơ hội rộng mở cho các chàng trai bản xứ, họ nhiệt tình bày tỏ sự chân thành yêu mến, khiến các cô gái xinh đẹp xiêu lòng. Sống bên nhau, các chàng trai Mường Lý ân cần chạy chữa để người vợ của họ xinh đẹp trở lại.
Mãi sau thì đám trai xứ xa cũng phát hiện ra trò láu cá của trai Mường Lý. Có lẽ do chính người
thầy cúng sau một bữa cỗ linh đình túy lúy nào đó đã để lộ câu chuyện chẳng có tí cơ sở khoa học nào, lại đậm chất huyền bí rằng bệnh bướu cổ có căn nguyên từ một khối đá lớn trên dòng suối Nàng, nơi những người con gái bản Nàng thường nô đùa tắm táp. Tảng đá đó đã bị thầy cúng ếm bùa khiến cho các cô gái ra suối sẽ bị mắc bệnh bướu cổ. Các chàng trai nơi khác mắc mưu mà vội vàng bỏ cuộc.
Sẵn người đông thế mạnh, đám trai Chiềng Nưa, Chòm Lát, Pom Puôi... giận dữ hè nhau khiêng hòn đá bướu cổ sang sông, ngang ngược đặt chính giữa đất Mường Lý, vốn xưa kia nằm bên hữu ngạn sông Mã, tên gọi theo con suối Lý dài 9 khúc, đối diện với bản Nàng bên tả ngạn. Từ đó, đất Mường Lý chịu lời nguyền của hòn đá thiêng, con gái lớn lên đến tuổi lấy chồng đều mắc bệnh bướu cổ.
Đến lượt trai Mường Lý nổi giận. Họ lại xin thầy cúng ếm bùa thêm nhiều hòn đá bướu cổ nữa để trả thù trai các xứ. Họ hăm hở vận chuyển đá bướu cổ bằng cả hai đường thủy bộ, ngược dòng sông Mã lên Chiềng Nưa, Chòm Lát, Pom Puôi, Chiềng Cồng...
Nhưng cuộc báo thù khủng khiếp ấy không thành. Khi chuyển đá đến bãi sông gần bản Cân, giáp ranh hai bản Loóng và Cha Lan thì họ đã mệt mỏi quá. Ngồi bên bờ sông thở dốc, đám trai Mường Lý lén đưa mắt nhìn nhau. Sự mệt mỏi làm cơn giận dần nguôi ngoai, phần nữa lại nghĩ do mình khởi nguồn câu chuyện tội lỗi này, đám trai Mường Lý lặng lẽ bỏ cuộc. Những tảng đá mang lời nguyền còn lại ở đó đến tận bây giờ.
Giải thiêng lời nguyền
Có một thực tế rằng, đến cuối thế kỷ trước, bệnh bướu cổ vẫn hoành hành dữ dội ở Mường Lát. Không khó để bắt gặp những người phụ nữ Thái, Mường lầm lũi gùi cõng lúa ngô trên đường rừng với những cục bướu to như vành khăn quấn quanh cổ.
Theo ký ức của ông Lương Minh Thông, Bí thư Huyện ủy Mường Lát, khu vực có nhiều người mắc bệnh bướu cổ nhất là ở các chòm bản Thái Mường ven sông Mã như bản Cân, Tân Hương, Co Cài, Cha Lan, Poọng, Mường Lý, Nàng... Điều trùng hợp đó chính là không gian trong câu chuyện mà các cụ để lại. Càng gần vị trí hiện tại của những hòn đá bướu cổ, tình trạng căn bệnh này càng trầm trọng, có thời điểm bản nào cũng có cả chục người già trẻ mắc bệnh.
Vén bức màn huyền bí, ông Lương Minh Thông cho rằng, trước đây bệnh bướu cổ bùng phát nhiều do khu vực này điều kiện sống rất khắc nghiệt, đường sá khó khăn, bà con chưa được tiếp cận với các tiến bộ của ngành y tế, dẫn đến việc phòng và chữa bệnh chưa tốt. Không chỉ bướu cổ, trước năm 1990, bệnh sốt rét cũng từng là nỗi khiếp sợ của người Mường Lát, có năm đã cướp đi đến hơn 200 người.
Theo khẳng định của ông Hồ Văn Trọng, Giám đốc Trung tâm Y tế Mường Lát, bệnh bướu cổ ở Mường Lát cơ bản đã được khống chế: "Đến nay, hồ sơ quản lý của Trung tâm ghi nhận cả huyện chỉ còn 24 trường hợp. Thường là phụ nữ có độ tuổi từ 30 trở lên, rải rác trên toàn huyện. Hàng tháng, chúng tôi vẫn thường xuyên tổ chức tuyên truyền tại cơ sở cho bà con nhận thức về phòng chống thiếu hụt i ốt, sử dụng i ốt đúng cách... ".
Hòn đá bướu cổ ám ảnh người Mường Lát hàng trăm năm nay đã được giải thiêng như thế.